Hội thảo thu hút được đông đảo đại biểu tham dự. Ảnh: H.Q
Chứng khoán hồi phục mạnh
Chiều 15/1, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đồng tổ chức hội thảo với chủ đề "Triển vọng kinh tế tài chính năm 2021-2025: Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán".
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Long Giang - Chủ tịch VFCA cho hay năm 2020 là năm nền kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do sự tác động tiêu cực, bất ngờ của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia tại khu vực Châu Á không bị ảnh hưởng quá nặng nề và nền kinh tế đang có dấu hiệu khôi phục nhờ các biện pháp kinh tế vĩ mô hướng tới kích thích tổng cầu và phục hồi sản xuất của Chính phủ. Mặc dù một số chỉ tiêu kinh tế đề ra từ đầu năm không hoàn thành, nhưng kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn tăng trưởng dương (đạt 2,91%), được ghi nhận là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất năm 2020, là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất.
Ngược lại với những khó khăn của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán Việt Nam năm vừa qua phục hồi mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư mới và thanh khoản tăng cao.
“Nguyên nhân giúp thị trường chứng khoán trong nước liên tục hấp dẫn các nhà đầu tư và giá cổ phiếu tăng mạnh là do Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế được duy trì ổn định, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khả quan do được Chính phủ hỗ trợ lãi suất vay vốn, lãi suất tiền gửi liên tục điều chỉnh giảm khiến người dân không muốn gửi tiết kiệm tại ngân hàng, một số ngành lại tìm thấy cơ hội phát triển trong dịch bệnh như công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử và sắp tới sẽ là xây dựng, bất động sản”, ông Giang cho hay.
Ông Giang chia sẻ thêm, những ngày đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên quay lại tiệm cận đỉnh lịch sử 1.200 điểm sau 3 năm và đánh dấu 11 tuần liên tiếp thị trường tăng điểm mạnh. Mặc dù sau khi chạm đỉnh thị trường đã có những phiên điều chỉnh, nhưng không thể phủ nhận cơ hội tăng trưởng đối với thị trường chứng khoán trong nước thời gian tới là rất lớn.
Cơ hội cho nhà đầu tư
Chia sẻ tại buổi hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận 2020 là năm đầy thú vị của thị trường chứng khoán, thị trường phát triển tương đối nhanh nhưng đầy gập ghềnh, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam thay đổi lớn.
TS. Cấn Văn Lực cho biết kinh tế thế giới 2020 suy thoái sâu, giảm khoảng 4 - 4,5% so với 2019; nhưng có thể sẽ phục hồi mạnh trong năm 2021 (khoảng 4-5%, theo IMF, WB); lạm phát ở mức thấp khoảng 2% từ mức 2,5% năm 2019 và có thể tăng trở lại mức 2,2% năm 2021. Rủi ro, thách thức chính đối với nền kinh tế là đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại và công nghệ, địa chính trị phức tạp khiến giá dầu, giá vàng, chứng khoán… biến động mạnh và khó đoán hơn.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh đến 8 điểm sáng. Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 2 khối ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số (tăng 27% giai đoạn 2015-2020). Giá trị thị trường khoảng 14 tỷ USD (tương đương 5% GDP). Đặc biệt, Fintech và tài chính số phát triển nhanh.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng chỉ ra 4 rủi ro chính từ bên ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam. Đó là rủi ro dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến khó lường, sản xuất và phân phối vắc xin còn chậm đến các nước đang phát triển; cạnh tranh chiến lược; căng thẳng thương mại và công nghệ còn leo thang và khó đoán; địa chính trị phức tạp và thiên tai, lũ lụt tăng; rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu.
Năm 2021, Chính phủ thực hiện mục tiêu kép: phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả và phục hồi kinh tế - xã hội; tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; CPI khoảng 4%; xuất khẩu tăng 4-5%. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ đang thực hiện (tổng khoảng 3% GDP) và gói hỗ trợ ngành hàng không.
“Đặc biệt, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Cùng với đó, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là về giao thông, năng lượng và đô thị lớn, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số", vị chuyên gia này chia sẻ.
Theo ông Trần Anh Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt, thị trường chứng khoán Việt Nam 2021 vẫn còn nhiều triển vọng tăng trưởng khi kinh tế phục hồi và khả năng có vắc xin. Bên cạnh đó việc hội nhập quốc tế, các hiệp định thương mại, Luật Chứng khoán có hiệu lực, khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, sự tham gia tích cực của nhà đầu tư cá nhân (f0) là những yếu tố tích cực cho thị trường chứng khoán 2021.
Ông Thắng đưa ra dự báo năm 2021 tiếp tục sẽ là năm tăng trưởng của thị trường chứng khoán, thanh khoản có thể tăng 25 – 30%; điểm số tăng 10 – 15%. Tuy nhiên, biên độ sẽ có phần kém hơn so với năm 2020. Theo đó, với kịch bản có vắc xin thuận lợi, chỉ số EPS toàn thị trường có thể tăng trưởng hơn 15%, với P/E trung bình 17-18. Chỉ số Vn-Index có thể tăng trưởng đến 1.250-1.280 điểm. Kịch bản thứ hai, với những rủi ro mới tác động, EPS tăng từ 15 - 16%, VN-Index có thể điều chỉnh xuống 950 điểm và dao động trong vùng 950 - 1.000 điểm./.
Hồng Quyên