Ngày 28/7/2025 trở thành một dấu mốc đặc biệt khi thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ kỷ niệm 25 năm hoạt động, mà còn chứng kiến phiên giao dịch bùng nổ về điểm số và thanh khoản.
VN-Index tăng mạnh 26,3 điểm, tương đương 1,72%, lên hơn 1.557 điểm. Rổ VN30 cũng thiết lập đỉnh mới tại 1.695 điểm khi có tới 26/30 mã tăng giá. Trên sàn HOSE, sắc xanh chiếm ưu thế với 258 mã tăng, trong đó 33 mã tăng trần, áp đảo so với 81 mã giảm.
Đáng chú ý hơn cả là thanh khoản lập kỷ lục mới, với hơn 1,85 tỷ cổ phiếu được "sang tay" trên sàn HOSE, tương đương 46.700 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 52.000 tỷ đồng – tức khoảng 2 tỷ USD. Diễn biến tích cực này góp phần tạo nên không khí sôi động đúng dịp kỷ niệm một phần tư thế kỷ của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, phiên tăng mạnh cũng là cơ hội để khối ngoại chốt lời. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên HOSE, trong đó HPG bị xả mạnh nhất với giá trị bán ròng lên tới 417 tỷ đồng, theo sau là các mã FPT, GVR, VIX, SSI và GEX.
![]() |
VN-Index cán mốc 1.557,42 điểm trong ngày kỷ niệm 25 năm thị trường chứng khoán. |
Ông Đào Hồng Dương – Giám đốc Phân tích của VPBankS chia sẻ, sự trùng hợp giữa đà tăng kỷ lục và ngày kỷ niệm khiến nhà đầu tư không khỏi xúc động. Chứng khoán không chỉ là nơi kiếm lợi nhuận mà còn là nơi thử thách lòng kiên nhẫn, sự bền bỉ và bản lĩnh qua bao thăng trầm. Cảm xúc chủ đạo trong ngày hôm nay là sự lạc quan.
Ông Dương cho biết thêm, nếu so với khoảng 10 năm trước khi thanh khoản mỗi phiên chỉ khoảng 3.000–4.000 tỷ đồng thì con số trên 46.000 tỷ hiện tại là bước tiến vượt bậc.
“5 năm trở lại đây, ngưỡng 18.000–20.000 tỷ đã từng được xem là cao, nhưng hiện nay thị trường đã tiến xa hơn rất nhiều. Sự bứt phá về thanh khoản thể hiện tốc độ phát triển mạnh mẽ và nền tảng tích cực của thị trường” – ông Dương nhấn mạnh.
Đồng tình với góc nhìn này, ông Nguyễn Thanh Tùng – Chuyên gia tư vấn đầu tư, đánh giá thị trường Việt Nam sau 25 năm đã chuyển mình rõ nét. Từ phiên giao dịch đầu tiên với 2 mã cổ phiếu REE và SAM năm 2000, đến nay thị trường đã có hơn 1.600 doanh nghiệp niêm yết, quy mô vốn hóa đạt gần 7,5 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 65% GDP) và hơn 10,2 triệu tài khoản giao dịch. Dù từng trải qua các cú sốc lớn như khủng hoảng tài chính 2008 hay đại dịch Covid-19, thị trường vẫn vững vàng và trưởng thành hơn.
Quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều cột mốc đáng nhớ. Từ việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước năm 1996, khai trương Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) năm 2000, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) năm 2005, đến ra đời thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt vào năm 2009, hay các sản phẩm mới như chứng quyền, ETF, hợp đồng tương lai.
Đặc biệt, năm 2025 ghi nhận bước ngoặt lớn khi Hệ thống giao dịch mới KRX chính thức vận hành, khắc phục triệt để tình trạng nghẽn lệnh, đồng thời mở ra khả năng giao dịch trong ngày (T+0), bán khống, và thanh toán theo chuẩn quốc tế. Đây được coi là điều kiện then chốt để Việt Nam có thể nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi – điều các tổ chức như MSCI, FTSE nhiều lần nhấn mạnh.
Từ góc nhìn nhà đầu tư cá nhân, ông Tùng tin rằng, tương lai thị trường cũng không nằm ngoài triển vọng mở rộng sản phẩm và nâng cao chất lượng đầu tư. Giao dịch T+0, bán khống, phái sinh trên cổ phiếu, ETF hay trái phiếu giao dịch công khai là những công cụ được chờ đợi nhằm gia tăng lựa chọn và phòng ngừa rủi ro. Giao dịch linh hoạt hơn sẽ giúp thị trường hấp dẫn hơn, thúc đẩy thanh khoản và thu hút dòng vốn mới.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng mong muốn có một môi trường vĩ mô ổn định để kỳ vọng lợi suất bền vững. Theo khảo sát của Vietnam Report tháng 5/2025, chỉ khoảng một phần ba nhà đầu tư kỳ vọng chứng khoán sẽ đem lại lợi suất cao trong năm tới. Điều này phản ánh tâm lý thận trọng trước các rủi ro vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, thương mại toàn cầu. Do đó, sự điều hành linh hoạt và hỗ trợ của Chính phủ là nền tảng để củng cố niềm tin.
Ngoài ra, theo ông Tùng, việc nâng cao kiến thức tài chính cũng là kỳ vọng lớn của thị trường. Nhiều chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy giáo dục tài chính toàn dân, đồng thời siết chuẩn nghề nghiệp đối với đội ngũ tư vấn – môi giới. Việc đầu tư qua các quỹ mở hoặc ETF chuyên nghiệp là xu hướng được khuyến khích đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Đây cũng là cách thị trường trở nên bền vững hơn trong dài hạn.
Khép lại ngày kỷ niệm 25 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ thể hiện nội lực vững vàng mà còn truyền cảm hứng về một hành trình phát triển mới – vững vàng hơn, chuyên nghiệp hơn, và giàu tiềm năng hơn bao giờ hết./.