Đây là một vấn đề được nêu trong bài phát biểu ông Alain Cany – Chủ tịch EuroCham, Chủ tịch tập đoàn Jardine Matheson tại Việt Nam trong hội thảo do Ngân hàng HSBC tổ chức với chủ đề Triển vọng Thị trường 2022, thảo luận và cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, những xu hướng kinh doanh, làm sao để doanh nghiệp vững vàng trước những biến động địa chính trị và kinh tế toàn cầu.
Niềm tin vào môi trường đầu tư đang giảm điểm
Theo ông Alain Cany, sau khi những hậu quả nặng nề nhất của đại dịch qua đi, niềm hy vọng lớn lao đã được thắp lên ở Việt Nam. Tuy nhiên “con tàu” kinh tế toàn cầu đã rẽ ra những hướng khác khó lường khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, nền kinh tế toàn cầu bị giáng một đòn nghiêm trọng. Hệ quả là giá năng lượng tăng đột biến lan rộng trên khắp các thị trường toàn cầu, đẩy giá hàng hóa lên cao và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “zero COVID” cũng gây khó khăn trong việc Việt Nam thu mua nguyên liệu đầu vào thiết yếu như linh kiện điện tử, phụ tùng máy móc, vải vóc và hóa chất. Thực tế này đe dọa tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Alain Cany trình bày tại hội thảo |
Tình trạng thiếu hụt lao động toàn cầu lại càng kìm hãm tăng trưởng. Riêng Việt Nam lại đặc biệt gặp khó khăn trong việc có đủ nhân công cần thiết nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Tổng hòa tất cả những yếu tố này đã khiến niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm trên thế giới và Việt Nam không phải ngoại lệ.
Ông Alain Cany dẫn ví dụ về một loạt các dự án FDI tên tuổi được triển khai ở Việt Nam như LEGO, một thành viên EuroCham, đang đầu tư 1 tỷ USD vào Bình Dương để xây dựng nhà máy. Trong tương lai, đây sẽ là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam và là nhà máy thứ hai ở châu Á của LEGO. Pegatron, nhà cung cấp của Apple, hiện có kế hoạch đầu tư tới 1 tỷ USD vào Việt Nam. Foxconn đã cam kết rót 300 triệu USD để nâng cấp cơ sở sản xuất ở Bắc Giang. Samsung sẽ bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam từ năm 2023, còn Apple dự định sẽ sản xuất đồng hồ Apple Watch tại đây. |
Mặc dù bối cảnh thế giới bất ổn, Chủ tịch EuroCham vẫn nhận định triển vọng của Việt Nam khá tích cực. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ suy yếu chỉ ở mức 2,9% cho năm 2022, song Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,5%.
Động lực tạo nên mức tăng trưởng này chính là lực lượng 56 triệu lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ, giúp Việt Nam trở thành một trong những lực lượng lao động lớn nhất thế giới xét cả về số lượng tuyệt đối và tỷ lệ tương quan với dân số.
Với nguồn cung lao động chất lượng cao và giá cả phải chăng của Việt Nam, không ngạc nhiên khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển hoạt động sản xuất sang quốc gia này.
Ưu tiên cải thiện thủ tục pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Để thu hút các nhà đầu tư, kích thích đầu tư tư nhân và đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế vững mạnh hơn, ông Alain Cany đưa ra một số khuyến nghị để hai khối công tư có thể phối hợp hiệu quả.
Hiện Việt Nam xếp thứ 70/190 trong báo cáo Môi trường Kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng Thế giới. Trong một môi trường toàn cầu đầy cạnh tranh, Việt Nam cần tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hoạt động kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ. Để làm được điều đó, Việt Nam cần hết sức ưu tiên cải thiện khuôn khổ pháp lý, thủ tục hành chính và ưu đãi cho doanh nghiệp.
Hội thảo về Triển vọng thị trường 2022 |
Tiếp theo, các nhà đầu tư cả hai khối công tư cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Với bờ biển dài hơn ba nghìn cây số, Việt Nam rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Trong trường hợp mực nước biển dâng 100cm, một nửa đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm dưới nước. Tác động về người và của khi ấy thực sự nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.
Hội nghị COP26 năm 2021 đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Việt Nam khi Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết đạt mức cân bằng phát thải vào năm 2050. Chính phủ Việt Nam sẽ cần kêu gọi sự hỗ trợ để thay đổi và khối FDI sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp công nghệ, chuyên môn và nguồn vốn.
Mặc dù các thành viên EuroCham sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn vốn xanh, tiềm năng vẫn bị hạn chế do những khó khăn trong pháp lý, tình trạng quan liêu và cơ sở hạ tầng mạng lưới chưa đủ đáp ứng.
Tình trạng đó cũng diễn ra ở các cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam, dù là cơ sở hạ tầng năng lượng hay giao thông. Theo Chỉ số Môi trường Kinh doanh mới nhất của EuroCham, một lĩnh vực quan trọng Việt Nam cần cải thiện để thu hút thêm FDI là phát triển cơ sở hạ tầng. Về vấn đề vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, Chính phủ dự kiến sử dụng ngân sách nhà nước để đáp ứng 2/3 nhu cầu, phần còn lại kỳ vọng đến từ đầu tư tư nhân.
Mặc dù vốn FDI đang sẵn có và có thể hỗ trợ, tuy nhiên, kể từ khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực vào đầu năm 2021, số lượng các dự án đầu tư theo phương thức PPP đã giảm dần. Trong năm 2021 và 2022, hầu như không có nguồn vốn tư rót vào cơ sở hạ tầng công. Nguyên nhân là do hiện nay, khuôn khổ pháp lý còn quá đơn giản, không xác định rõ quyền của nhà đầu tư và không đủ để điều chỉnh nhiều vấn đề lớn liên quan đến phương thức PPP.
Từ thực tế này, Chủ tịch EuroCham bày tỏ hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục khai thông thủ tục hành chính và xây dựng khung pháp lý toàn diện để các công ty FDI có thể đóng góp nhiều hơn.
Việt Nam đã tự tạo ra “may mắn” để phục hồi vững chắcPhát biểu tại Hội thảo, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhấn mạnh, bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam đang rất nỗ lực, tiếp tục đạt thành tích, thậm chí là một quốc gia nổi bật trong khu vực về tăng trưởng GDP. HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%. Trong quý II/2022, GDP của Việt Nam đạt 7,7%, mức tăng trưởng cao nhất trong 11 năm qua, nhờ sự phục hồi trên diện rộng, mở cửa hoàn toàn, nhu cầu trong nước hồi phục trở lại, sản xuất tiếp tục tăng mạnh, xuất khẩu đạt mức tăng trưởng lịch sử. Trích dẫn câu nói của triết gia người La Mã Seneca “may mắn sẽ xuất hiện khi sự chuẩn bị sẵn sàng và thời cơ gặp nhau”, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng Việt Nam đã tự tạo ra “may mắn” cho mình để phục hồi vững chắc. Nền kinh tế lúc này đang có vị thế tốt để nắm bắt các khả năng. Khi quỹ đạo tiếp tục, tất cả các lĩnh vực nên sẵn sàng để nắm bắt các cơ hội mới đang đến. HSBC sẽ kết nối để mở ra một thế giới có nhiều cơ hội cho Việt Nam, cho người dân, cho các doanh nghiệp và cho người tiêu dùng. |