Xu hướng dịch chuyển hàng hóa xuống đường thủy

Theo Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (ĐTND) Việt Nam Bùi Thiên Thu, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song sản lượng vận tải thủy tiếp tục đạt kết quả tích cực. Trong đó, vận tải hành khách ước đạt gần 167 triệu lượt khách, còn vận tải hàng hóa ước đạt 316 triệu tấn. Khối lượng hàng hóa thông qua các cảng biển bằng phương tiện thủy đạt 198 triệu tấn. Quan trọng hơn là đang hình thành xu hướng dịch chuyển hàng hóa xuống đường thủy, thể hiện qua việc hàng container chở bằng đường thủy qua các cảng biển có xu hướng tăng. Cụ thể, cảng biển Hải Phòng, lượng hàng container được vận chuyển bằng đường thủy nội địa năm 2020 là 73.518 Teus, chiếm 1,4%. Năm 2021 ước đạt 83.223 Teus, chiếm 1,8%. Cảng biển TP. Hồ Chí Minh, năm 2020 đạt gần 849.000 Teus, chiếm khoảng 11%, năm 2021 ước đạt 670.301Teus, chiếm khoảng 10%. Cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, hàng container được vận chuyển bằng ĐTND năm 2020 đạt hơn 3 triệu Teus, chiếm khoảng 72% tổng lượng container thông qua cảng, năm 2021 ước đạt là hơn 3 triệu Teus, chiếm khoảng 77%.

Vượt khó đạt nhiều kết quả tích cực
Nâng cao năng lực vận tải thuỷ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Phương tiện vận tải VR-SB (sông và biển) ngày càng tăng và phát huy hiệu quả tích cực trong việc tăng thị phần vận tải đường thủy, ven biển và góp phần giảm tải áp lực cho giao thông đường bộ. Năm 2021, vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa ước đạt hơn 50 nghìn lượt phương tiện thông qua cảng, bến, với khối lượng hàng hóa đạt khoảng 78,5 triệu tấn, tăng gấp hơn 9 lần so với năm 2015 (năm đầu mở tuyến). Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển bằng phương tiện VR-SB đạt 58 triệu tấn, tăng 57% so với năm 2020, chiếm 29% tổng khối lượng hàng hóa thông qua bằng phương tiện thủy nội địa.

Ưu tiên cải tạo nâng cấp luồng tuyến, nâng tĩnh không các cầu

Cũng theo Cục trưởng Bùi Thiên Thu, điểm sáng lớn nhất năm 2021 là việc quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đường thủy. Theo quy hoạch, các dự án ưu tiên đầu tư gồm: Đầu tư cải tạo nâng cấp luồng tuyến, nâng tĩnh không các cầu trên các tuyến vận tải chính, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ; ưu tiên khu vực đồng bằng sông Hồng, khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đầu tư các cảng thủy nội địa trên các tuyến vận tải chính đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Có gần chục cầu được ưu tiên đặc biệt để đầu tư nâng cấp.

Cụ thể gồm: Cầu Đuống (Hà Nội), cầu Đồng Nai cũ (Đồng Nai và Bình Dương), cầu Bình Triệu, Phước Long, Rạch Ông (TP. Hồ Chí Minh), cầu Măng Thít (Vĩnh Long), cầu Nàng Hai (Sa Đéc, Đồng Tháp), An Long (Đồng Tháp). Các tuyến đường thủy cần huyết mạch như: kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), tuyến Cà Mau - Rạch Giá - Hà Tiên, sông Hàm Luông…

Trong 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đường thủy quốc gia được định hướng phát triển theo 9 hành lang. Hệ thống cảng thủy trên hệ thống đường thủy quốc gia được quy hoạch phát triển theo các hành lang và tuyến vận tải chính, với 54 cụm cảng hàng hóa và 39 cụm cảng hành khách. Theo quy hoạch, nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 157.533 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 11/2021, toàn quốc xảy ra 47 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 33 người và bị thương 1 người; so với năm trước giảm 19 vụ (hơn 28%), 13 người chết (hơn 28%) và 6 người bị thương (85%). Các nội dung về ứng dụng công nghệ, giải ngân, hợp tác quốc tế đều đạt kết quả nổi bật hơn các năm trước.