Yêu cầu bức thiết của đất nước

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo yêu cầu bức thiết của đất nước, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã được UBTVQH quyết định triệu tập nhằm xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các yêu cầu bức thiết của đất nước được người đứng đầu Quốc hội tóm tắt ngay tại phiên khai mạc. Đó là, trong năm 2021 và nhất là quý III/2021, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc đã lây lan nhanh, mạnh, diễn biến phức tạp, tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ước đạt 2,58%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và thấp hơn rất nhiều mục tiêu kế hoạch. Rủi ro tín dụng, nguy cơ nợ xấu gia tăng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế, đời sống của nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, lao động thiếu hụt, tốc độ phục hồi kinh tế chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà còn đối với cả nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025.

Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất diễn ra từ 4 đến 11/1/2022 là Kỳ họp chưa từng có trong lịch sử hoạt động của Quốc hội.
Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất diễn ra từ 4 đến 11/1/2022 là Kỳ họp chưa từng có trong lịch sử hoạt động của Quốc hội.

Qua 7 ngày bàn thảo, các ý kiến đại biểu đều thống nhất với quan điểm rằng tình hình đòi hỏi gói giải pháp khẩn cấp, trong đó có việc chấp nhận đánh đổi cân đối vĩ mô để lấy tăng trưởng ngay trong khoảng thời gian hai năm 2022-2023. Bởi vậy, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua. Đây là chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch Covid-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh và phúc lợi xã hội.

Dốc sức phục hồi tăng trưởng

Cũng với mục tiêu dốc sức để đón “mùa bình thường”, Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được đặt lên bàn Quốc hội. Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô từ 4 - 10 làn xe, đã được Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn 1: 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần và đã được điều chỉnh lại gồm 8 dự án thành phần được đầu tư bằng vốn đầu tư công, chỉ còn 3 dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Lực đẩy mạnh mẽ

“Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa hết sức quan trọng, được cử tri, nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp, dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi. Diễn ra trong những ngày đầu năm 2022, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kỷ niệm 76 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 – 6/1/2022), cùng với thành công của Kỳ họp thứ Nhất và Kỳ họp thứ Hai, những kết quả đạt được tại Kỳ họp bất thường lần này góp phần rất quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 – 2025”. - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến đầu tư 729 km cao tốc trên các đoạn Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh) - Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng. Do khó khăn trong việc huy động vốn ngoài ngân sách, Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước.

“Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định - “trong bối cảnh hiện nay, việc sớm triển khai thực hiện dự án càng có ý nghĩa thiết thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, có tác động lan tỏa, củng cố và phát triển liên kết vùng”.

Một nội dung đặc biệt nữa của Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất là Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Dự án đã được cả các cơ quan Quốc hội và Chính phủ chuẩn bị công phu, nghiêm túc, UBTVQH đã thống nhất trình QH xem xét cho ý kiến và thông qua dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một Kỳ họp. Đây là dự án Luật có tính chất đặc biệt, sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều Luật có phạm vi, đối tượng điều chỉnh khác nhau, thuộc các lĩnh vực khác nhau, các quy định có tính chất tương đối độc lập.

Kỳ họp chưa từng có

Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã khai mạc ngày 4/1, bế mạc ngày 11/1/2022, là kỳ họp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 76 năm hoạt động của Quốc hội. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, 4 nội dung mà nội dung nào cũng là đặc biệt quan trọng, cấp bách được đặt lên bàn nghị sự. Đó là, Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025; xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Quốc hội đã thể hiện một tinh thần trách nhiệm rất cao. Việc chuẩn bị các nội dung Kỳ họp bất thường đã được chuẩn bị từ rất sớm, ngay từ khi Quốc hội đang tiến hành Kỳ họp thứ Hai vào tháng 10 năm ngoái. Với quyết tâm không để các vấn đề cấp bách đối với sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phải chờ đến Kỳ họp tháng 5/2022 mới trình Quốc hội xem xét, quyết định, trong chưa đầy hai tháng, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành rất nhiều việc để chuẩn bị cho 4 nội dung trình Kỳ họp bất thường. Riêng với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có những nội dung đã trình đi trình lại nhiều lần tại các phiên họp của UBTVQH cho đến khi đạt được thống nhất về quy mô, cách thức hỗ trợ.

UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm chuyên sâu về các nội dung liên quan, có nhiều cuộc làm việc với các cơ quan của Chính phủ và Chính phủ, đặc biệt là đã tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam hồi đầu tháng 12/2021 bàn riêng về chủ đề phục hồi và phát triển bền vững, trong đó có chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.