wb

WB công bố Khung đối tác quốc gia tại Việt Nam. Ảnh: LV

Khung đối tác này cũng hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2021 của Việt Nam và mục tiêu cân bằng giữa phát triển kinh tế và bền vững môi trường, thúc đẩy bình đẳng, nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

Hỗ trợ thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân

Theo ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, Việt Nam đang phấn đấu đạt được nhiều thành tích hơn nữa – bao gồm đẩy mạnh tăng trưởng, đạt trình độ công nghiệp hóa cao hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam chính là minh chứng cho thấy quyết tâm đạt thành tích cao nhất, nhưng muốn đạt được kết quả như vậy đòi hỏi phải tinh chỉnh cả phương pháp và công tác triển khai.

“WBG cam kết sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình củng cố vị thế của một nước thu nhập trung bình thành công và tạo tiền đề trở thành một nước thu nhập cao” - ông Ousmane khẳng định.

Trong giai đoạn thưc hiện chương trình CPF tại Việt Nam, WBG sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm: Tạo điều kiện tăng trưởng, hòa nhập và tăng cường sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân; đầu tư vào con người và tri thức; đảm bảo bền vững môi trường và khả năng ứng phó. Theo đó, quản trị sẽ là lĩnh vực xuyên suốt trong tiến trình này.

Khung đối tác mới tiếp tục phát huy những hỗ trợ sẵn có và mạnh mẽ của WB tại Việt Nam, phối hợp và bổ trợ với các đối tác phát triển khác, cũng như huy động thêm các nguồn lực khác phục vụ phát triển. Ví dụ, huy động nguồn vốn thương mại và sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.

Cụ thể, WBG sẽ tập trung vào tăng cường vai trò bổ trợ lẫn nhau của khu vực công và tư trong phát triển cơ sở hạ tầng. WBG sẽ hỗ trợ thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, trong đó bao gồm nhưng không giới hạn hình thức đối tác công tư - PPP.

WBG sẽ tập trung nâng cao hiệu quả chi tiêu công và tối đa hóa khả năng cung cấp vốn hoặc dịch vụ của khu vực tư nhân. Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) sẽ tiến hành một cách tiếp cận toàn diện tại Việt Nam để tạo ra thị trường và hợp tác liên tục, có hệ thống với WB và Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa phương (MIGA) .

Trong nỗ lực thúc đẩy khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân, WBG sẽ củng cố cơ cấu quản trị và tài chính của các đơn vị cung cấp dịch vụ công ích và doanh nghiệp nhà nước chủ chốt, củng cố môi trường hoạt động và quy định cho các bên tham gia thuộc khu vực tư nhân. Trong đó, có các hoạt động nhằm giải quyết các vấn để quản trị cấp bách và đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. WBG, IFC và MIGA sẽ hợp tác, tích hợp các giải pháp tài chính và phi tài chính để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong tất cả các lĩnh vực trọng tâm.

Cam kết vốn vay 4,08 tỷ USD cho Việt Nam

“Trong giai đoạn thực hiện khung đối tác quốc gia tới, WB sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp cải cách nhằm tạo tác động mang tầm chiến lược. Chúng tôi sẽ huy động tất cả các thể chế của WBG như WB, IFC, MIGA và các công cụ sẵn có nhằm tạo chuyển biến chiến lược như cho vay, đối thoại chính sách, phân tích và tư vấn, hay bảo lãnh” - ông Ousmane Dione cho biết.

Theo chương trình cho vay tại CPF 2017 - 2022, Việt Nam sẽ chỉ được vay vốn IBRD (Ngân hàng Tái thiết và phát triển quốc tế), quy trình cho vay lại, hạn chế tài khóa – các yếu tố trên sẽ tác động lên nhu cầu của Việt Nam.

Lượng vay vốn IBRD dành cho Việt Nam phụ thuộc vào tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu, và nhu cầu vay của các nước khác. Do lượng cung, cầu không chắc chắn nên chương trình cho vay của WB sẽ được điều chỉnh trong suốt kỳ CPF. Dự kiến vốn IBRD giai đoạn 2018 - 2020 là 1,88 tỷ USD.

CPF đề ra khuôn khổ và nguyên tắc hỗ trợ trong vòng 5 năm tới, đồng thời đề xuất các hoạt động cụ thể trong giai đoạn 3 năm đầu. Sau khi tốt nghiệp quy chế vay vốn của Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) vào tháng 6/2017, Việt Nam sẽ được tiếp cận nguồn vốn chuyển tiếp IDA18 (với các điều khoản tương tự như IBRD). Tổng số nguồn vốn chuyển tiếp phân bổ cho Việt Nam trong năm tài chính 2018-2020 là 2,2 tỷ USD trong kỳ IDA18.

Trong giai đoạn tới, IFC sẽ hỗ trợ bằng hình thức đầu tư và tư vấn, huy động nguồn vốn dài hạn cho các khoản đầu tư mang lại lợi ích kinh tế - xã hội lớn, hỗ trợ sự phát triển thị trường vốn và các nguồn vốn tư nhân khác.

IFC sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành chủ chốt như tài chính, hạ tầng, công nghiệp chế tạo và năng lượng nhằm kết hợp kinh nghiệm quốc tế với sự thông hiểu tình hình tại chỗ, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, qua đó đạt hiệu quả đầu tư và lợi ích xã hội cao nhất.

Ngoài ra, thông qua các sản phẩm bảo hiểm rủi ro chính trị và tăng cường tín dụng truyền thông, MIGA sẽ bổ sung thêm cho các khoản vay của WB bằng cách huy động đầu tư tư nhân, giúp Chính phủ và có thể cả các doanh nghiệp nhà nước vay thương mại. MIGA cũng sẽ hỗ trợ các dự án khác của WBG hoặc trong các lĩnh vực mà WBG đang hỗ trợ nếu phù hợp.

Thảo Miên