![]() |
Từ sau năm 2000, nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế toàn cầu. Ảnh: Dức Thanh |
Mô hình tăng trưởng mới gắn với các cấu trúc mới
Ngày 30/4/1975 đánh dấu một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử Việt Nam khi đất nước thống nhất, mở ra một kỷ nguyên mới cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế.
Những năm đầu tiên sau chiến tranh, kinh tế Việt Nam khó khăn chồng chất. Trước tình hình đó, Đảng đã khởi xướng công cuộc Đổi mới toàn diện, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế bật lên từ đó, đầu tư nước ngoài tăng nhanh, kinh tế tư nhân bắt đầu phát triển. Tỷ lệ đói nghèo giảm đáng kể.
Không thay đổi thì khó có thể bắt kịp thế giớiTheo Tổng Bí thư Tô Lâm, sắp tới Trung ương sẽ bàn nhiều về mô hình tăng trưởng mới ở Việt Nam như thế nào? “Thế giới họ đi quá xa, họ đã có những nhà máy, bến cảng "không đèn" (hoạt động bằng robot, trí tuệ nhân tạo, tự động hoàn toàn, không còn người trực tiếp, làm được suốt ngày đêm, không giải lao, không ca kíp, không ngừng nghỉ… chỉ tính riêng về thời gian thì năng suất đã tăng gấp 3 - 4 lần). Nếu ta không thay đổi thì khó có thể bắt kịp, nguy cơ tụt hậu là thấy rõ; hoặc vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn tới như thế nào để có được nguồn nhân lực đủ bản lĩnh, trí tuệ, sức khỏe, tầm nhìn cho đất nước phát triển giai đoạn tới? Nếu không lo ngay từ bây giờ thì khó có thể đạt được…”. Tổng Bí thư Tô Lâm |
Từ sau năm 2000, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế toàn cầu. Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ký kết hàng loạt FTA, xuất khẩu tăng bùng nổ. Hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp phát triển đồng loạt.
Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, dù đối mặt với đại dịch Covid-19 và biến động địa chính trị toàn cầu, Việt Nam vẫn thể hiện sự linh hoạt và khả năng thích ứng cao. Tăng trưởng luôn ở trong nhóm cao của khu vực và cả thế giới. Việt Nam giữ mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt ở lĩnh vực điện tử, chế biến chế tạo. Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và kinh tế xanh được thúc đẩy như là trụ cột mới của tăng trưởng.
Dù vậy, sau một thời gian dài phát triển, cỗ máy kinh tế Việt Nam bộc lộ những trục trặc ngày càng lớn, đặc biệt những nút thắt mang tính cơ cấu như chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng suất lao động thấp, phát triển chưa đồng đều, thể chế chưa hoàn thiện và áp lực môi trường ngày càng tăng. Những bất cập này đã được nhận diện từ rất sớm, song những nỗ lực tái cơ cấu nhiều năm qua chưa mang lại kết quả đáng kể. Việt Nam vẫn chưa tạo được mô hình tăng trưởng mới, khác biệt.
Chính vì vậy, xác lập mô hình tăng trưởng mới là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được nêu tại dự thảo Báo cáo Chính trị chuẩn bị trình Đại hội XIV của Đảng. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, dự thảo Báo cáo Chính trị nêu 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Trong đó, một trong những nội dung mới quan trọng được bổ sung, nhấn mạnh là: “Xác lập mô hình tăng trưởng mới với trọng tâm là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính; tạo ra sức sản xuất mới, phương thức, lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới”. Việc xác lập mô hình tăng trưởng được đề cập nhiều lần trong dự thảo cùng các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược khác.
Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, cơ cấu là yếu tố cơ bản. Xác định được cơ cấu với tương quan, tỷ lệ hợp lý thì nền kinh tế mới vận hành hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, muốn giải được bài toán đạt tăng trưởng cao 8% trở lên trong năm 2025, tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030, vừa phải đáp ứng được những tiêu chuẩn thương mại công bằng với đối tác thương mại lớn, thì đòi hỏi phải có mô hình tăng trưởng mới là yêu cầu cấp thiết để đạt được những mục tiêu thách thức này.
Hiện nay, chúng ta đang cấu trúc lại bộ máy của toàn bộ hệ thống chính trị, cấu trúc lại không gian phát triển của các đơn vị hành chính. Tất cả quá trình cấu trúc này phải được phối hợp đồng bộ để tạo ra được cơ cấu kinh tế mới hợp lý, đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững. “Khi kết nối được tất cả các cấu trúc mới như vậy, chúng ta không nên bàn về tái cơ cấu mô hình cũ mà phải tư duy mới, xác lập mô hình cơ cấu kinh tế mới”, PGS.TS Bùi Tất Thắng phân tích.
Cơ hội cải cách lớn chưa từng có
Trong các yếu tố trên, các yếu tố kết nối để tạo sự phát triển bền vững bao gồm: cơ cấu ngành, cơ cấu công nghệ, cơ cấu sở hữu, cơ cấu không gian phát triển của toàn bộ hệ thống nền kinh tế, bao gồm: đất liền, biển, rừng, đồng bằng, đô thị và nông thôn. Với quan điểm Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, xã hội sẽ hình thành, đây là nền tảng giúp hình thành cơ cấu kinh tế mới và mô hình tăng trưởng mới, mà trong đó các mối quan hệ có tỷ lệ hợp lý hơn.
Để có mô hình như vậy, đòi hỏi có cách tư duy hoàn toàn mới về cấu trúc, về cơ cấu kinh tế cũng như các thể chế, cơ cấu để hỗ trợ cho mô hình mới. Trong đó, phải lấy kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất. Tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, những thứ chưa từng có trong lịch sử. Từ những yếu tố này, nền kinh tế sẽ bước cùng thời đại để hình thành loại hình lực lượng sản xuất mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Dù còn rất nhiều điều phải bàn tiếp về mô hình tăng trưởng mới, song theo TS. Đặng Đức Anh, Ban Chính sách Chiến lược Trung ương, chắc chắn, chúng ta đang ở thời điểm thuận lợi mang tính cách mạng, khi có những bước chuyển mạnh mẽ về tư duy, tầm nhìn chiến lược. Đó là những yêu cầu về đổi mới thể chế, cách xây dựng hệ thống pháp luật; coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng; cởi bỏ các rào cản liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được thể hiện nhất quán, cụ thể trong các phát biểu, bài viết của người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm. Từ đó, gỡ bỏ được nhiều vướng mắc về tư duy phát triển.
Cùng với đó, chưa có giai đoạn nào trong lịch sử mà những cải cách về cơ cấu lại diễn ra đồng thời, đồng bộ như vậy. PGS.TS Bùi Tất Thắng nhấn mạnh, đây là sự khác biệt lớn so với những lần cải cách trước đây, khi chúng ta thiếu sự tổng chỉ huy, thiếu tính liên kết, hệ thống. Nhiều năm qua, chúng ta làm theo một cách, với một kết quả vừa phải, nhưng chỉ trong vài tháng qua, những cải cách được tiến hành đồng bộ, hệ thống lại cả không gian phát triển của đất nước. “Đây là một chỉ báo cho thấy chúng ta đang có cơ hội lớn chưa từng có để thành công, đưa nền kinh tế cất cánh trong thời gian tới”, ông nhận định./.