Xây dựng chính sách tài khóa ưu tiên tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Đức Minh.

Việc sửa đổi các Luật đều đang được đảm bảo tiến độ

Theo báo cáo phát ra tại hội nghị, công tác xây dựng luật, pháp lệnh của Bộ Tài chính đang được triển khai đảm bảo tiến độ đặt ra.

Việc xây dựng dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được triển khai tích cực. Bộ Tài chính đã có công văn gửi một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức đề nghị cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Luật và tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo cũng như có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về dự án Luật.

Về các Luật thuế sửa đổi, ông Nguyễn Quốc Hưng - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua theo đúng tiến độ được giao.

Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2024 ước đạt 1.188,1 nghìn tỷ đồng, bằng 69,8% dự toán, tăng 14,6% so cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 74,7% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 65% dự toán).

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang triển khai lấy ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp và dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đang lấy ý kiến rộng rãi, chuẩn bị chuyển sang Bộ Tư pháp.

Còn theo ông Hoàng Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), căn cứ phân công của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Tài chính được giao chủ trì soạn thảo 18 văn bản để quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội, trong đó có 11 văn bản đã được ban hành và 7 văn bản đang soạn thảo, hoàn thiện, cơ bản vẫn đảm bảo tiến độ đặt ra.

Cũng liên quan đến cơ chế chính sách, ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan dẫn câu chuyện sự cố hệ thống công nghệ thông tin của ngành Hải quan những ngày vừa qua.

Mặc dù sự cố đã được giải quyết nhanh chóng kịp thời, không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên, có một vấn đề cần phải được nghiên cứu giải quyết đó là hành lang pháp lý cho xử lý các tình huống phát sinh vẫn còn thiếu.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ cho phép nghiên cứu bổ sung, sửa đổi nội dung liên quan đến cơ chế pháp lý, quy trình cho các trường hợp cấp bách, phân cấp giải quyết tình huống... để đưa vào Luật Hải quan. Đồng thời đề nghị trước mắt được xây dựng một Thông tư mang tính dự phòng có thể áp dụng ngay.

Một vấn đề nữa cũng được các đơn vị chuyên môn nêu ra là định hướng điều hành chính sách tài khóa thời gian tới.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, ngành Tài chính đã ban hành một hệ thống văn bản để thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh. Năm 2023, các chính sách tiếp tục được bồi đắp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bước sang năm 2024, nền kinh tế đã khôi phục sự ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh đã phục hồi, song, chính sách tài khóa mở rộng vẫn được nối dài. Kết quả là kinh tế đã tăng trưởng tích cực, sức khỏe của doanh nghiệp đã dần quay trở lại quỹ đạo. Có lẽ đã đến lúc khôi phục lại việc điều hành tài khóa như trước đây.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh.

Tham gia một cách có trách nhiệm, hiệu quả, tránh sửa rồi vẫn vướng

Đánh giá cao những cố gắng của các đơn vị trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng lưu ý các đơn vị tập trung thực hiện nhiệm vụ về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; tăng cường công tác quản lý thu; kiểm soát mặt bằng giá; đẩy nhanh tốc độ giải ngân... Đặc biệt chú trọng nhiệm vụ chuẩn bị hồ sơ và những nội dung cần thiết để phục vụ cho Kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới, nhất là các luật, nghị quyết sẽ được cho ý kiến, thông qua.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh một số điểm trọng tâm cần thực hiện trong những tháng cuối năm 2024.

Trước tiên là hoàn thiện pháp luật. Bộ trưởng yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung các Luật trong phạm vi của Bộ Tài chính phải đảm bảo bao trùm hết các mảng lĩnh vực đang phát sinh vướng mắc, cần phải thay đổi.

Với những Luật, văn bản do bộ, ngành khác quản lý, đề xuất sửa những quy định có liên quan đến Bộ Tài chính, các đơn vị cũng phải tập trung tham gia một cách có trách nhiệm, hiệu quả, tránh sửa rồi vẫn vướng.

Người đứng đầu ngành Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị đặc biệt quan tâm đến công nghệ thông tin, nhất là Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Ủy ban Chứng khoán nhà nước, bởi đây là 3 lĩnh vực trọng yếu, liên quan đến toàn bộ nền kinh tế chứ không riêng một bộ, một ngành.

“Phải tập trung xây dựng dự phòng, dự kiến đến tình huống thấp nhất, khó khăn nhất để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phù hợp” - Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng cũng gợi ý, nếu việc thay đổi cơ chế đặc thù của các ngành ảnh hưởng đến nguồn đầu tư cho hiện đại hóa thì các đơn vị phải thống kê và đưa vào dự toán chi ngân sách nhà nước trong năm tới với thuyết minh rõ ràng, cụ thể để đảm bảo nguồn cho công tác này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nêu quan điểm điều hành chính sách tài khóa dần theo hướng trở lại bình thường sau nhiều năm mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Lãnh đạo Bộ Tài chính lưu ý các đơn vị chuyên môn quán triệt tinh thần là ưu tiên tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. “Cái gì trong thẩm quyền thì phải giải quyết ngay, hết trách nhiệm, cái gì vượt thì báo cáo cấp trên tháo gỡ” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Bộ trưởng chỉ đạo toàn ngành đẩy mạnh truyền thông chính sách, để các chính sách về tài chính - ngân sách đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong xã hội, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ, ủng hộ và chấp hành... Đối với phòng, chống gian lận hóa đơn điện tử, Bộ trưởng nhấn mạnh, để ngăn chặn hoá đơn điện tử giả thì phải tăng cường tuyên truyền, tăng cường xử lý và xử lý mạnh để bảo vệ cán bộ thuế và cũng để doanh nghiệp nâng cao ý thức chấp hành, còn người tiêu dùng có ý thức “mua hàng ở đâu lấy hóa đơn ở đó”.