Phát huy tính tự chủ, tạo sự chủ động, linh hoạt cho cơ quan báo chí

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Đồng thời, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn vừa qua; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Anh

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là việc bao quát được sự phát triển của truyền thông và báo chí hiện đại.

Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập do Luật Báo chí 2016 không theo kịp với sự đổi mới về khoa học và công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Báo cáo số 57IBC-BTTTT ngày 30/3/2022 báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, ra soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Báo cáo nêu đã ra 27 nội dung nhóm nội dung có quy định bắt cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm tin rằng, dù góc nhìn dưới lăng kính cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương và các cơ quan báo chí, hay dưới góc độ khoa học của các nghiên cứu, các giảng viên chuyên ngành báo chí và luật pháp, sẽ là những tiếng nói tâm huyết nhất, với mục tiêu đóng góp vì một nền Báo chí Cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển theo đúng định hướng của Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Đồng thuận với quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm trong việc cần thiết sửa đổi Luật Báo chí, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư pháp đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.

Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ là thông tin hữu ích cho hai bộ trong quá trình tham mưu, thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí 2016, cũng như đề xuất đưa dự án này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong thời gian tới.

Cần quan tâm đến báo chí số và các phương tiện truyền thông mới

Tại hội thảo, đại diện cơ quan báo chí, các chuyên gia báo chí đã trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, cơ chế, phương thức thực thi Luật Báo chí nhằm nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và gìn giữ sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp.

TS. Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, Luật Báo chí cần sớm được hoàn thiện, sẽ là khung khổ pháp lý quan trọng nhất để báo chí hoạt động trong bối cảnh xã hội và bản thân nền báo chí đang có nhiều biến động, chuyển đổi liên tục, đa chiều như hiện nay.

Nhà báo Trần Anh Tú - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Thông tin và Truyền thông nhận định, để việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016 theo kịp tốc độ phát triển của báo chí hiện đại, cần thiết phải có sự tham gia đồng hành tích cực trên cả phương diện lý luận và thực tiễn của đông đảo chuyên gia nghiên cứu, các chuyên gia xây dựng chính sách, các nhà quản lý và đội ngũ những người làm báo, làm luật trên toàn quốc.

Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến quý báu cho việc sửa đổi Luật Báo chí nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của truyền thông phương tiện mới. Ảnh: Hải Anh

Tiến sĩ Phan Quốc Hải - Trưởng khoa Báo chí-Truyền thông, Đại học Khoa học, Đại học Huế cho rằng, các phương tiện truyền thông mới ra đời và phát triển trong một thời gian khá ngắn, tuy vậy, tốc độ và sự biến đổi của nó rất nhanh chóng và có tác động lớn đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong tình hình thực tế hiện nay khi pháp luật về các phương tiện truyền thông mới còn chung chung, còn nhiều khoảng trống chưa áp dụng tới hoặc áp dụng nhưng đã lạc hậu, không theo kịp thực tiễn.

Các cơ quan quản lý, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông cần thiết phải khảo sát, tổng kết thực tiễn, theo sát diễn biến của các phương tiện truyền thông mới để đề xuất, tham mưu và đưa ra các văn bản qui phạm hoàn thiện hơn, đi vào thực tế hơn.

Bên cạnh đó, pháp luật về phương tiện truyền thông mới không chỉ dừng lại ở việc quản lý truyền thông hiện tại mà còn phải hướng đến tương lai, có tầm nhìn trong khoảng thời gian nhất định. Sự bùng nổ của truyền thông mới đã làm thay đổi phương thức làm báo, tiếp cận, hưởng thụ thông tin và đặc biệt hơn, phương tiện này có những biến đổi, thay đổi nhanh chóng. Để có thể tầm soát và quản lý tốt loại hình báo chí truyền thông này, các văn bản pháp qui của Nhà nước nhất thiết phải đi trước để kịp quản lý.

Bàn về vấn đề quản lý báo chí số trong việc sửa Luật Báo chí, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, cần bổ sung các quy định về nền tảng số, vấn đề an toàn thông tin, an ninh truyền thông, quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, cơ chế mua và sử dụng các phần mềm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo ở các cơ quan báo chí truyền thông, quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể trong sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, quản trị tòa soạn, quản lý báo chí truyền thông và các bên liên quan trong hệ sinh thái số.

Đồng thời, cần bổ sung quy định về thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, có quy định cụ thể về quản lý các nền tảng báo chí số, thống nhất với quy định về quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, podcast, OTT; bổ sung quy định thu hồi giấy phép khi cơ quan báo chí không bảo đảm các điều kiện hoạt động…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ cơ quan chủ quản, Bộ Tư pháp rất quan tâm việc hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí để vừa đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính tự chủ, tạo được sự chủ động, linh hoạt cho cơ quan báo chí vừa xác định rõ trách nhiệm, sự lãnh đạo, hướng dẫn của cơ quan chủ quản đối với báo chí, đảm bảo cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.