Khu kinh tế Vân Phong giữ vai trò đầu tàu thu hút đầu tư của Khánh Hòa Một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa TP. Hồ Chí Minh: Bổ sung xây dựng đề án cơ chế đặc thù cho TP. Thủ Đức

Làm rõ các quy định về ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư chiến lược

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất 10 cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa. Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính ngân sách đánh giá nhiều chính sách đã thể hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và một số nội dung cũng tương đồng với chính sách đặc thù của các địa phương vừa được Quốc hội ban hành.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, những chính sách đề xuất chưa mang tính đột phá, chưa khai thác tối đa thế mạnh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên. Vì vậy, các ý kiến này đề nghị nghiên cứu những chính sách đột phá, sáng tạo, thể hiện tư duy chiến lược, phát huy lợi thế so sánh, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nhất trí với đa số các chính sách cụ thể được đề xuất, Ủy ban Tài chính ngân sách cũng lưu ý cần bảo đảm tính hợp lý, khả thi trong ưu đãi; làm rõ hiệu quả lan tỏa vùng miền; làm rõ giá trị nhân rộng sau thí điểm. Cần đề cao trách nhiệm trong quản lý nhà nước tại địa phương; phù hợp năng lực quản lý; bảo đảm minh bạch, tránh lợi dụng chính sách; kiểm soát được gian lận thương mại.

Trong đó, về phát triển Khu kinh tế Vân Phong, Ủy ban Tài chính ngân sách lưu ý khu kinh tế này cũng như tỉnh Khánh Hòa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ cơ sở thực tiễn, tính khả thi của việc triển khai quy định “nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về việc đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Đồng thời, đề nghị làm rõ cơ sở, cách thức xác định tiêu chí về tổng tài sản 25.000 tỷ đồng trở lên đối với điều kiện về năng lực tài chính vì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn một cách rõ ràng việc định giá tài sản đầu tư.

Có ý kiến đề nghị chưa ưu đãi cho xây dựng trung tâm thương mại, khu phi thuế quan, khu đô thị, khu du lịch, sân golf vì không thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư.

Xem xét cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa: Tránh trường hợp nhà đầu tư nước ngoài “núp bóng”
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21/4

Về quy định xử lý khi nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết, đa số ý kiến cho rằng, quy định này khá chung chung, chưa mang tính ràng buộc. Do vậy, đề nghị bổ sung chế tài xử lý trong trường hợp nhà đầu tư chiến lược không bảo đảm điều kiện về vốn, tiến độ giải ngân, các điều kiện khác.

Liên quan cơ chế đặc thù cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý, đa số ý kiến nhất trí song lưu ý cần kiểm soát chặt chẽ, tránh xảy ra trường hợp doanh nghiệp nước ngoài đầu tư “núp bóng”.

Để phát triển nuôi trồng thủy sản khu vực biển này, Chính phủ cũng đề xuất các chính sách ưu đãi về tiền thuê mặt nước, tiền thuế thu nhập.

Nhất trí với quan điểm này, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhấn mạnh sự cần thiết phải có chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư mới vào nuôi trồng thuỷ sản xa bờ. Các mức ưu đãi cụ thể có thể vận dụng theo các ưu đãi dành cho địa bàn khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn một cách phù hợp.

Cụ thể, khu vực ngoài 6 hải lý, có thể áp dụng mức ưu đãi như dự án đầu tư mới tại địa bàn đặc biệt khó khăn; từ 3-6 hải lý có thể áp dụng mức ưu đãi như dự án đầu tư mới tại địa bàn khó khăn; đồng thời có thể cân nhắc cả việc áp dụng chính sách cho trừ chi phí bổ sung đối với chi phí nhân công để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động xa bờ.

Thống nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa

Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ đồng tình về sự cần thiết để Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa và cho rằng từ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn đều khẳng định vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh Khánh Hòa.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh thêm Khánh Hòa là một tỉnh có tiềm năng, lợi thế rất lớn trong phát triển du lịch. Tới đây khi đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được triển khai sẽ là một điểm nhấn trong thu hút du lịch.

Khánh Hòa là địa điểm đến hấp dẫn của các du khách Bắc Âu, Đông Âu, Bắc Á. Đồng thời, Khánh Hòa cũng nằm trên tuyến đường biển rất quan trọng. Đây là tuyến sôi động thứ ba của thế giới trong lưu chuyển hàng hóa, có thể thu hút đầu tư cho hoạt động về dịch vụ hàng hải, về sửa chữa tàu biển và về một số lĩnh vực liên quan đến hàng hải sẽ là lợi thế rất lớn.

Về một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng một số chính sách về quản lý tài chính, ngân sách nên quy định theo hướng mở để tạo thuận lợi cho tỉnh.

Đồng thời, cần có thêm chính sách mới và đột phá đầu tư cho khu kinh tế Vân Phong, chẳng hạn như cho áp dụng cơ chế đặc thù thí điểm khấu trừ chi phí liên quan đến nghiên cứu phát triển trong khi tính thuế thu nhập, đây vốn là phương pháp rất phổ biến trên thế giới.

Bên cạnh đó, tiếp tục thiết kế các quy định phân cấp, phân quyền cho tỉnh nhưng vẫn đảm bảo được sự chặt chẽ.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết 100% các thành viên UBTVQH có mặt tán thành sự cần thiết của Nghị quyết và thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; thống nhất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua nghị quyết tại một kỳ họp trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 5/2022.