Xử lý nghiêm việc lợi dụng tăng giá điện để nâng khống giá hàng hóa
Việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả hàng hóa. Ảnh: TL

PV: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo giá điện bình quân tăng 3%, kể từ đầu tháng 5/2023. Ở góc độ chuyên gia kinh tế, ông có bình luận gì về việc tăng giá điện và những tác động đến túi tiền người dân, doanh nghiệp cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát?

Xử lý nghiêm việc lợi dụng tăng giá điện để nâng khống giá hàng hóa
Ông Vũ Vinh Phú

Ông Vũ Vinh Phú: Theo tôi thì việc tăng giá là tất yếu, bởi 3 năm qua giá điện không tăng, trong khi các chi phí đầu vào cho sản xuất điện đều tăng. Nhưng dư luận đòi hỏi qua đợt tăng giá này thì EVN phải minh bạch hơn, phải tiết kiệm hơn và đón nhận các nguồn năng lượng cung cấp cho EVN như năng lượng tái tạo từ điện gió, điện mặt trời để đa dạng nguồn cung và bình ổn giá điện.

Về tác động của tăng giá điện, có chuyên gia cho rằng ít tác động do sức tiêu dùng trên thị trường yếu. Nhưng theo tôi, giá hàng hóa sẽ tăng, bởi giá điện và giá nhiều loại mặt hàng khác như giá xăng dầu, cước vận chuyển, giá nước sinh hoạt, chi phí đầu vào của sản xuất sẽ tác động đến giá cả và lạm phát. Việc tăng giá điện trước hết có thể làm giá dịch vụ tiêu dùng ăn uống tăng lên do sử dụng điện để đun nấu. Nhưng, có không ít trường hợp tăng gấp nhiều lần là không chấp nhận được.

Theo kinh nghiệm theo dõi thị trường nhiều năm qua, tôi cho rằng tình trạng “té nước theo mưa” mỗi khi tăng giá mặt hàng thiết yếu là có. Có 2 loại lợi dụng việc tăng giá điện để tăng giá bất hợp lý. Một là tăng giá dựa vào tác động từ tăng giá điện 3%. Hai là có những đối tượng lợi dụng cơ hội này để tăng 6% - 7%.

Để ngăn chặn hành vi “té nước theo mưa”, Nhà nước, cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt để đảm bảo đạt được mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được Chính phủ và Quốc hội đề ra cho năm 2023 là 4,5%, cao hơn năm 2022.

PV: Vậy để hạn chế áp lực từ việc tăng giá điện đến đời sống người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, chúng ta cần có giải pháp nào, thưa ông?

Ông Vũ Vinh Phú: Theo tôi trong bối cảnh hiện nay, EVN cần đưa nhanh các nguồn cung cấp điện tái tạo ra thị trường để ổn định giá điện, đồng thời người dân cũng cần quan tâm đến việc tiết kiệm điện, giảm áp lực cho hầu bao của mình.

Bên cạnh đó, ngoài giá điện thì các loại giá xăng, giá nước cũng cần được Nhà nước quan tâm điều chỉnh phù hợp với bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn do kinh tế thế giới tác động và sức mua của người dân giảm sút sau đại dịch Covid-19.

Đồng thời với chính sách bình ổn giá, cơ quan quản lý cần yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá thành sản xuất kinh doanh những mặt hàng Nhà nước định giá để tránh việc “giá điện tăng bao nhiêu thì tăng bấy nhiêu”. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm việc lợi dụng tăng giá điện để tạo hiệu ứng tăng giá các mặt hàng một cách thiếu kiểm soát, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.

Xây dựng hạ tầng thương mại có sàn giao dịch hàng hóa nông sản thực phẩm, không ép cấp, ép giá nhau, không vì lợi nhuận của mình mà tăng giá một cách quá mức; xây dựng chuỗi cung ứng ngắn, phải thiết lập để hàng hóa đi từ sản xuất đến bán lẻ.

Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tôi đánh giá cao việc Chính phủ đã báo cáo Quốc hội đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Theo tôi, việc giảm thuế, phí cho doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích, khi doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sẽ giải quyết việc làm cho người lao động và nộp ngân sách trở lại cho Nhà nước.

Loại bỏ khâu trung gian đề bình ổn giá

Theo ông Vũ Vinh Phú, giá thành hàng hóa tăng cao là do khâu trung gian chi phối, trong khi đó người nông dân và người tiêu dùng chịu thiệt, làm cho chính sách giảm thuế, phí của Chính phủ bị hạn chế hiệu quả. Đơn cử như giá cam tại Vĩnh Long hiện nay chỉ 6.000 đồng - 7.000 đồng/kg nhưng tại chợ Hà Nội là 25.000 đồng - 30.000 đồng/kg.

Chính vì vậy, cơ quan nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giá và xử lý vi phạm tăng giá bất hợp lý, đồng thời tổ chức hoạt động thương mại, loại bỏ trung gian để bình ổn giá. Xây dựng hạ tầng thương mại có sàn giao dịch hàng hóa nông sản thực phẩm, không ép cấp, ép giá nhau, không vì lợi nhuận của mình một cách quá mức. Xây dựng chuỗi cung ứng ngắn, phải thiết lập để hàng hóa đi từ sản xuất đến bán lẻ như các nước phát triển, điển hình như Hàn Quốc, Nhật Bản để Nhà nước và người dân được hưởng lợi.

PV: Trở lại vấn đề khả năng “té nước theo mưa” khi giá điện tăng trong dịp hè nắng nóng này, theo ông những mặt hàng nào cần chú ý?

Ông Vũ Vinh Phú: Mùa hè thì nhu cầu tiêu dùng thực phẩm các loại thịt giảm nhưng nhu cầu về nước giải khát, ăn uống, dịch vụ du lịch khả năng tăng mạnh.

Mới đây theo phản ánh, giá dịch vụ ăn uống tại Phú Quốc (Kiên Giang) cùng với giá vé máy bay tăng quá cao đã làm cho khu du lịch này vắng khách ngay trong mùa du lịch năm 2023. Đây chính là một thực tế chúng ta phải chú ý kiểm soát không để tăng giá bất hợp lý, “chặt chém” khách.

PV: Chính phủ vừa trình Quốc hội đề xuất giảm thuế GTGT, vậy ông có thể đánh giá cụ thể hơn về ý nghĩa của gói tài khóa này?

Ông Vũ Vinh Phú: Nếu gói tài khóa giảm thuế GTGT được triển khai nhanh ngay khi Quốc hội thông qua thì người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi, góp phần kích cầu tiêu dùng, kiềm chế lạm phát. Gói giảm thuế GTGT năm 2023 có ý nghĩa bởi được đề xuất giảm ở tất cả các mặt hàng thay vì chỉ giảm ở một số nhóm hàng như năm 2022.

Để việc giảm thuế GTGT có ý nghĩa, việc kiểm soát giá, quản lý thị trường của cơ quan nhà nước là quan trọng, bởi nhiều doanh nghiệp đưa ra mức giá bán không hợp lý trong cấu thành sản phẩm.

Đơn cử như thịt lợn hơi trên thị trường đã giảm 37%, nhưng khảo sát thịt lợn ở một số siêu thị tại Hà Nội vẫn có giá khá cao, hơn 185.000 đồng đến hơn 200.000 đồng/kg tùy loại, trong khi đó giá bán ở ngoài chợ là 130.000 đồng đến 145.000 đồng/kg tùy loại. Như vậy, người dân vào siêu thị bị “móc túi” khoảng

40.000 đồng/kg thịt lợn thì việc giảm 2% thuế GTGT không còn ý nghĩa.

Vì vậy theo tôi, đích cuối cùng là giá bán hợp lý cần được Nhà nước kiểm soát tốt thì người dân được hưởng lợi, đồng thời chỉ số CPI mới thực sự được kiềm chế, theo đúng mục tiêu Chính phủ và Quốc hội đề ra.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tăng giá điện 3% sẽ khiến chỉ số CPI tăng 0,12% - 0,18%

Theo chuyên gia tài chính - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, việc tăng giá điện là hợp lý bởi giá cả phải lên xuống theo thị trường. Với mức tăng giá điện là 3% tuy cũng có tác động nhất định đến đời sống, đến nền kinh tế nhưng dự báo không nhiều. Việc tăng giá điện 3% sẽ khiến chỉ số CPI tăng khoảng 0,12%.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam phân tích, mức tăng bình quân 3% tuy không lớn, nhưng vẫn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân khi mùa nắng nóng đã tới. Mức tăng giá điện lần này sẽ tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 là 1,099%, tác động lan tỏa vòng 2 là 0,18%.

Hiện nay áp dụng biểu giá điện sinh hoạt thang 6 bậc lũy tiến, với nguyên tắc dùng càng nhiều thì càng phải tăng bậc với giá cao hơn. Vì thế, giá điện tăng cao hơn cũng là một áp lực lớn cho người dân vào dịp này. Giải pháp quan trọng nhất là phải có phương án sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, đồng thời phải sửa ngay biểu giá cố định qua bán lẻ điện theo hướng rút gọn nhằm giảm áp lực cho hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt…