* Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình hình giải quyết nợ xấu hiện nay?

- Nợ không có gì xấu, kể là của doanh nghiệp hay nhà nước, bởi nếu sử dụng nợ có hiệu quả, tính toán dòng tiền để sinh lời và giải quyết được nợ, thì vay nợ không có gì là xấu.

Vấn đề là chúng ta sử dụng vốn không có hiệu quả, đầu tư tràn lan ngoài ngành, dẫn đến tình trạng nợ phải trả hàng năm đang tăng đến ngưỡng báo động.

Ông Trần Du lịch
  Đại biểu Trần Du Lịch

Hiện nay, thị trường mua bán nợ đang nghẽn và để khơi thông dòng chảy tín dụng, cần phải tháo điểm nghẽn này. Trong đó, cần tập trung vào việc tháo cơ chế quy định của chủ nợ. Về nguyên tắc nợ xấu cần phải chia đều cả hai đối tượng người vay và người đi vay, nhà nước chỉ kiểm soát.

* Việc xử lý nợ xấu đang được đặt lên hàng đầu song không thể dùng ngân sách. Vậy theo ông phải làm thế nào?

- Không thể dùng ngân sách, nhưng hiện chúng ta có rất nhiều các quỹ tập trung, quỹ cổ phần hoá, quỹ thoái vốn, tại sao chúng ta không mượn tiền ở đó. Chính phủ đang quản lý các quỹ này, việc điều 10.000 – 20.000 tỷ để xử lý là có thể làm được.

Kinh nghiệm các nước họ đã làm và kết quả là sau một thời gian đều thu hồi được vốn xử lý nợ xấu. Chứ trong tình trạng nước ta, kinh tế đang khó khăn mà dùng ngân sách xử lý nợ xấu thì không phù hợp.

* Nếu huy động vốn từ các quỹ này thì vẫn khá khiêm tốn, vậy ta có thể bán nợ xấu được hay không?

- Nợ xấu bán được hay không còn tuỳ thuộc vào việc chúng ta có tháo được điểm nghẽn về mặt hành chính, thủ tục và pháp luật mua bán tài sản thế chấp hiện nay không.

Nhà đầu tư nước ngoài họ rất muốn mua nhưng còn vướng về mặt hành chính, mua bán có được không còn liên quan đến nhiều luật cần phải sửa thì nhà đầu tư nước ngoài mới có thể tham gia vào thị trường.

Nguyên tắc xử lý nợ xấu là sản phẩm của thị trường thì cần phải xử lý bằng phương pháp thị trường.

* Cùng với nghẽn nợ xấu, giờ các doanh nghiệp lại nghẽn thêm từ sức mua của thị trường suy giảm, khiến cho tín dụng không tăng được. Quan điểm của ông thế nào?

- Hiện nền kinh tế không hấp thụ được tín dụng, đối với doanh nghiệp kinh doanh yếu kém hạn mức tín dụng bằng không cũng không sử dụng được, doanh nghiệp có năng lực tốt hơn lại vướng nợ, lãi suất hiện vẫn cao nên không vay được.

Vừa rồi Nhà nước giảm lãi suất ngắn hạn là đáng mừng, với các nhóm ưu tiên từ 7% - 8%. Tuy nhiên, theo tôi cần giảm cả lãi suất trung hạn xuống để giúp DN tái đầu tư, hiện lãi suất trung hạn trên 10% là không kích thích được thị trường.

* Theo ông thời gian tới Chính phủ cần có các quyết sách gì để tháo gỡ khó khăn cho DN và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ?

- Chính phủ cứ thực hiện tốt những gì đã đề ra, làm có hiệu quả là tốt rồi. Về lâu dài, để giúp doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, còn phụ thuộc vào cải cách một hệ thống luật như Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp... và các luật khác.

Vấn đề hiện nay là làm sao tháo gỡ thị trường mua bán nợ, tháo gỡ nợ xấu, hiện thị trường này chưa hình thành nên có những cơ chế nằm ngoài thị trường, như thủ tục mua bán tài sản mà hiện nay đang vướng. Do đó, đề nghị Quốc hội xử lý chung nhiều luật để tháo gỡ thị trường này, tháo gỡ nợ xấu và điểm nghẽn tín dụng.

* Xin cảm ơn ông!

Hồng Chi (ghi)