Các sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách giảm hẳn
Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực kho bạc, các đơn vị Kho bạc Nhà nước (KBNN) trong toàn hệ thống đã bám sát các hướng dẫn của KBNN để triển khai.
Đơn cử như tại KBNN Quảng Nam đã tổ chức thực hiện nghiêm, đảm bảo quy trình, quy định đối với nhiệm vụ này trên toàn địa bàn. Qua quá trình thực hiện, KBNN Quảng Nam cho biết, phần lớn các lỗi vi phạm của đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) là chi không đúng mục lục ngân sách; ghi sai số tiền bằng số và bằng chữ; ghi thiếu thông tin về tài khoản, họ tên của người đứng đầu đại diện cho các tổ chức, cá nhân tham gia ký hợp đồng kinh tế; gửi cam kết chi đến KBNN để thực hiện cam kết chi quá thời gian quy định kể từ khi ký hợp đồng kinh tế; thanh toán tạm ứng quá thời gian quy định; không thực hiện thanh toán theo hợp đồng ký kết giữa hai bên…
Với các lỗi vi phạm lần đầu, KBNN Quảng Nam chỉ chấn chỉnh, nhắc nhở, xử phạt cảnh cáo, để các đơn vị chấp hành nghiêm các quy định, quy trình, thủ tục về chi ngân sách nhà nước (NSNN) theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Với những lỗi vi phạm nhiều lần, hoặc có tính chất nghiêm trọng, KBNN Quảng Nam đã lập biên bản xử phạt theo đúng quy định.
Tại KBNN Ninh Thuận, công tác xử phạt VPHC trong lĩnh vực kho bạc cũng đã được triển khai thực hiện nghiêm tới từng đơn vị SDNS. Theo đó, đã có nhiều quyết định xử phạt được ban hành đối với các đơn vị có vi phạm trên địa bàn…
Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Thế Dương |
KBNN cho biết, qua tổng kết từng năm, công tác xử phạt VPHC ngày càng đi vào nề nếp, có hiệu quả. Tính riêng từ năm 2018 đến hết năm 2022, toàn hệ thống đã thực hiện hơn 13.300 quyết định xử phạt VPHC với tổng số tiền thu về cho NSNN trên 19 tỷ đồng.
Cũng theo KBNN, các công chức làm công tác xử phạt VPHC luôn chủ động học hỏi, nghiên cứu văn bản, chế độ để nắm vững và áp dụng các quy định trong quá trình xử phạt. Do đó, không xảy ra tình trạng khiếu nại, khởi kiện đối với các quyết định xử phạt.
Đặc biệt, với mỗi quyết định xử phạt đều chỉ ra được đúng lỗi và xác định đúng hành vi vi phạm, vì thế các đơn vị bị xử phạt đều nghiêm túc khắc phục lỗi và nghiêm túc nộp phạt vào NSNN. Theo báo cáo từ KBNN, trong những năm gần đây, vi phạm trong thực hiện thủ tục hành chính với kho bạc đã giảm hẳn, giúp kỷ cương, kỷ luật về tài chính - ngân sách được giữ nghiêm.
Đề xuất giải pháp giúp giảm thiểu rủi ro trong xử phạt
Phát huy những kết quả từ công tác xử phạt VPHC trong lĩnh vực kho bạc, đặc biệt khi KBNN đang đẩy mạnh các giao dịch điện tử, hướng tới kho bạc số, các công chức kho bạc trực tiếp làm công tác xử phạt đã đưa ra kiến nghị KBNN cần khẩn trương xây dựng sổ tay về xử phạt VPHC lĩnh vực kho bạc, trong đó hướng dẫn cụ thể cách thức, các bước thực hiện, các khâu trong xử phạt vi phạm. Đồng thời, KBNN cần nghiên cứu xây dựng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, thống kê công tác xử phạt VPHC, qua đó cảnh báo cho công chức thực hiện công tác xử phạt về thời hạn, thời hiệu xử phạt, theo dõi tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, tình hình chấp hành xử phạt, chậm nộp của đơn vị…
Ngoài ra, tại các đơn vị KBNN địa phương cũng đề xuất KBNN tổ chức đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất về công tác xử phạt VPHC tại KBNN cấp tỉnh, cấp huyện để kịp thời phát hiện, nắm bắt, quán triệt, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những tồn tại, hạn chế trong công tác xử phạt.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để công tác xử phạt VPHC lĩnh vực kho bạc ngày càng đạt kết quả cao hơn nữa, giúp cho nguồn NSNN được chi tiêu đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, định mức, đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ xử phạt VPHC lĩnh vực kho bạc cần chủ động hơn nữa việc học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn; thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các văn bản chế độ liên quan đến xử phạt để áp dụng thực hiện đúng quy định. Đồng thời, các đơn vị KBNN cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến thu, chi NSNN nói chung, xử phạt VPHC lĩnh vực kho bạc nói riêng để các đơn vị SDNS nắm vững, triển khai theo đúng quy định.
Phạt 30 - 50 triệu đồng nếu lập hồ sơ, chứng từ giả mạo Theo quy định tại Thông tư số 54/2014/TT-BTC, việc tổ chức lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước (KBNN) để chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho khối lượng công việc chưa thực hiện hoặc đang thực hiện dở dang, chưa đủ điều kiện thanh toán; chi thanh toán vượt giá trị hợp đồng hoặc phụ lục điều chỉnh hợp đồng; chi cho những nội dung, công việc không có trong hợp đồng hoặc phụ lục điều chỉnh hợp đồng sẽ bị phạt tiền từ 3-6 triệu đồng. Trường hợp lập hồ sơ, chứng từ giả mạo gửi KBNN để thanh toán, chi trả các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản hoặc chi sự nghiệp có tính chất đầu tư của NSNN, mức phạt tiền là 30 - 50 triệu đồng… |