Theo ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2023, thương mại gạo toàn cầu diễn biến còn phức tạp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như biến động địa chính trị… nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo kịp thời của các bộ, ngành về các giải pháp khơi thông thị trường, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực.

Xuất khẩu gạo tăng trưởng 2 con số
Xuất khẩu gạo tăng trưởng 2 con số trong 7 tháng của năm 2023. Ảnh minh hoạ

Theo số ước của liên bộ, tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường truyền thống, thị trường có FTA thế hệ mới, trong đó khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng năm 2023, đạt gần 3,3 triệu tấn, chiếm 77,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Một số thị trường truyền thống tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40,1% tổng lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 (tương đương xuất khẩu đạt gần 1,7 triệu tấn) tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Đứng thứ 2 là Trung Quốc chiếm trên 16% trong tổng lượng xuất khẩu (tương đương 677,4 nghìn tấn) tăng 60,7% so với cùng kỳ năm 2022. Indonesia đứng thứ 3, chiếm 11,6% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (tương đương 492,8 nghìn tấn) tăng 15 lần về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022)./.