Yên Bái: Đồng hành sát sao, coi giải ngân đầu tư công là đòn bẩy phát triển
Cầu Giới Phiên, TP. Yên Bái bắc qua sông Hồng được khẩn trương triển khai xây dựng. Ảnh: TL

PV: Tình trạng chậm giải ngân đầu tư công đang là điểm nghẽn được rất nhiều đại biểu Quốc hội đề cập. Được biết tỷ lệ giải ngân của tỉnh Yên Bái thường xuyên ở mức cao so với bình quân chung của cả nước. Xin ông cho biết về một số kinh nghiệm thực tế trong công tác triển khai đầu tư công ở địa phương?

Ông Đỗ Đức Duy: Kể từ đầu nhiệm kỳ này đến nay, Yên Bái thuộc vào nhóm các địa phương có tốc độ giải ngân khá. Trong 3 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt hơn 18%, gần gấp đôi mức bình quân chung của cả nước (hơn 9%).

Kết quả này có được từ sự kết hợp của nhiều yếu tố. Đầu tiên là có sự chuẩn bị đầu tư thật tốt, đảm bảo chất lượng hồ sơ, sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn… và đặc biệt là cấp ủy, chính quyền phải luôn quan tâm đến công tác đầu tư công, xác định đấy là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của địa phương mình. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang khó khăn thì càng phải coi đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Yên Bái: Đồng hành sát sao, coi giải ngân đầu tư công là đòn bẩy phát triển
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy. Ảnh: Hoàng Hà

Ở Yên Bái, việc giải ngân không phải chỉ riêng của UBND tỉnh mà Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy mỗi quý họp một lần để yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành, các chủ đầu tư báo cáo về tiến độ giải ngân. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy có chỉ đạo kịp thời, chẳng hạn như yêu cầu phải xây dựng kế hoạch giải ngân cho cả năm, cho từng quý, tháng và từng công trình cụ thể; nêu rõ đến ngày nào phải giải ngân được bao nhiêu phần trăm.

Tất nhiên không phải lúc nào cũng đạt được 100 % theo kế hoạch nhưng ít nhất là có công cụ và mốc thời gian để có thể kiểm soát. Nếu thấy tiến độ chậm hơn kế hoạch thì phải tìm các giải pháp để bù đắp, khắc phục, bám sát được mục tiêu của kế hoạch giải ngân cả năm.

PV: Quá trình giải ngân đầu tư công luôn được phản ánh là có rất nhiều vướng mắc. Vậy, tỉnh Yên Bái đã giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh như thế nào?

Ông Đỗ Đức Duy: Để đạt được mục tiêu trong kế hoạch giải ngân, chúng tôi cũng phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc bằng nhiều giải pháp khác nhau. Ví dụ như, khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) thường rất vướng, tỉnh đã quyết định thành lập hội đồng bồi thường, GPMB của cấp huyện và giao trách nhiệm đến từng con người cụ thể để thực hiện công tác GPMB.

Trách nhiệm trong GPMB là của huyện, nhưng có một số nơi, năng lực, số lượng cán bộ cấp huyện còn hạn chế thì tỉnh phải thành lập một hội đồng bồi thường GPMB rồi biệt phái cán bộ của các sở, ngành xuống để hỗ trợ cho huyện thực hiện.

2 yếu tố để nâng tính chủ động của cán bộ

"Thứ nhất là cán bộ phải năng động để đề xuất. Thứ hai là cấp ủy, chính quyền, những người lãnh đạo phải mạnh dạn để quyết đáp, để anh em cấp dưới yên tâm làm việc." - Ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái

Chẳng hạn như huyện Mù Cang Chải, xưa nay chưa triển khai các dự án trọng điểm bao giờ. Số lượng người ở các cơ quan chức năng của huyện rất ít, chưa có kinh nghiệm nên chúng tôi đã cử lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các sở, ngành, cùng chủ đầu tư xuống để cùng hỗ trợ thì mới tháo gỡ được.

PV: Xin ông cho biết một ví dụ cụ thể về sự đồng hành sát sao, kịp thời của tỉnh đã tạo thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư công?

Ông Đỗ Đức Duy: Nhìn chung, Yên Bái không có nhiều dự án lớn, quy mô vốn nhỏ, nhưng tốc độ giải ngân chung là khá. Do đó, năm 2021, tỉnh đã được Chính phủ giao bổ sung thêm 350 tỷ đồng, năm 2022 được giao bổ sung thêm 250 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch ban đầu để bổ sung vào các dự án có tốc độ giải ngân tốt.

Một ví dụ về tốc độ giải ngân rất tốt là dự án cầu Giới Phiên bắc qua sông Hồng, trên địa bàn thành phố Yên Bái. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh, với tổng mức đầu tư khoảng 570 tỷ đồng. Do làm tốt về công tác chuẩn bị đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác GPMB và bố trí vốn kịp thời, đến nay dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 9/2023, sớm hơn kế hoạch khoảng 6 - 7 tháng. Đối với nhà thầu, họ rất phấn khởi vì được tỉnh hỗ trợ về thủ tục, tạm ứng vốn sớm, hỗ trợ GPMB…; không có tình trạng vốn ngồi chờ thủ tục, do đó khối lượng thực hiện rất tốt.

PV: Một vấn đề được coi là nguyên nhân gây chậm trễ, tắc nghẽn trong giải ngân đầu tư công cũng như trong nhiều lĩnh vực khác là hiện tượng cán bộ các cấp né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai không làm… Từ thực tế tại địa phương, ông đánh giá thế nào về điều này?

Ông Đỗ Đức Duy: Về vấn đề này, tôi cho rằng phải có cái sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, từ cấp ủy, tổ chức Đảng cho đến chính quyền, cán bộ, công chức cấp dưới.

Ví dụ khi GPMB, quy định của pháp luật dù rất đầy đủ, chi tiết nhưng không bao phủ được hết các tình huống trong thực tế. Để GPMB có sự đồng thuận giữa người dân, Nhà nước với chủ đầu tư thì cần có những vận dụng về cơ chế, chính sách. Nói vận dụng thì tức là có thể có những quy định là đúng hoàn toàn theo pháp luật, có những quy định thì đúng một phần, cần phải vận dụng, nếu bản thân cán bộ, công chức cứ chiểu theo đúng pháp luật mà làm thì sẽ không thực hiện được. Khi đó, ở Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng phải có những nghị quyết để đồng thuận, để chính quyền cũng như các cán bộ trực tiếp vận dụng các chính sách như vậy.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lập kịch bản giải ngân chi tiết để triển khai

Theo báo cáo từ UBND tỉnh Yên Bái, năm 2023 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, việc giải ngân vốn đầu tư công được coi là đòn bẩy để phát triển. Vì thế, UBND tỉnh Yên Bái đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện rà soát, kịp thời ban hành kịch bản giải ngân các nguồn vốn và tiến độ chi tiết để triển khai thực hiện các dự án bảo đảm yêu cầu; trong đó, phấn đấu giải ngân chung toàn tỉnh đến hết quý I/2023 đạt trên 25%; hết quý II/2023 đạt trên 50%; đến hết quý III đạt trên 75%; đến hết năm 2023 đạt 100% kế hoạch.

Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện thực hiện rà soát các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi kịp thời đưa vào đầu tư công để phân bổ cho các dự án có khả năng hấp thụ vốn; điều chỉnh linh hoạt kế hoạch vốn theo nguyên tắc điều chỉnh giảm vốn của các dự án hoàn thành, hết nhiệm vụ chi, dự án gặp khó khăn, vướng mắc có tiến độ triển khai thực hiện chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khối lượng hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, dự án trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và các dự án thiếu vốn…

UBND tỉnh Yên Bái nêu rõ người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, các đơn vị chủ đầu tư nâng cao vai trò và chịu trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc không giải ngân hết kế hoạch vốn đã giao; đồng thời, căn cứ kết quả giải ngân kế hoạch vốn của các đơn vị, địa phương để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân năm 2023.