Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính, đơn vị đăng cai tổ chức cho rằng, Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, cũng như tác động của xu thế toàn cầu hóa, sinh viên Việt Nam nói chung và khối ngành kinh tế nói riêng đang đứng trước sức ép cạnh tranh trên thị trường lao động trong và ngoài nước.
PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt. |
Hiện nay Luật Giáo dục đại học sửa đổi tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong hội thảo SR-ICYREB2023, Ban tổ chức đã nhận được hơn 300 bài viết của các tác giả và đã lựa chọn 235 bài đăng kỷ yếu đến từ các nhóm nghiên cứu của sinh viên 12 trường đại học, học viện trong cả nước. Đây là những bài viết có chất lượng cao, bao quát các vấn đề nổi bật được quan tâm trong thời điểm hiện tại, sử dụng các phương pháp nghiên cứu đa dạng dựa trên cả dữ liệu thứ cấp và sơ cấp. |
“Chính vì vậy, để có thể vượt qua khuôn khổ của một quốc gia, một khu vực, tìm được chỗ đứng cho bản thân, sinh viên Việt Nam cần trở thành công dân toàn cầu để có thể đáp ứng mọi nhu cầu tuyển dụng và thích nghi khi sống và làm việc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nghiên cứu khoa học (NCKH) có vai trò trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp khoa học phục vụ cho việc học tập và NCKH của sinh viên. Việc NCKH sẽ giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm trong việc viết báo cáo, thu thập thông tin… Bên cạnh đó, hoạt động NCKH sẽ giúp sinh viên rèn luyện được những kỹ năng cần thiết để đáp ứng được nhu cầu xã hội” - PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ nhấn mạnh.
Lãnh đạo Học viện Tài chính trao chứng nhận giải thưởng cho các sinh viên. Ảnh: Đức Việt. |
Tại hội thảo, sinh viên các trường đã tập trung thảo luận các chủ đề sau: các chính sách, pháp luật về kinh tế và tài chính tập trung vào kinh tế số, kinh tế chia sẻ, cách mạng công nghiệp 4.0, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tái cấu trúc kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; kế toán và kiểm toán, quản trị kinh doanh, kinh tế quốc tế, kinh tế công nghiệp, kinh tế địa phương, phát triển và kinh doanh bền vững trong thời kỳ mới; các cách tiếp cận, cơ chế, chính sách, nguồn lực và môi trường hỗ trợ kinh doanh, nghiên cứu về tài chính, nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng, đổi mới, khởi nghiệp, nghiên cứu và phát triển…
Sinh viên các trường đại học trình bày tham luận tại hội thảo. |
Ban tổ chức cho biết, hội thảo năm nay với 86 tham luận chia thành 2 phiên ở 9 phòng hội thảo chuyên đề. Đã có gần 200 câu hỏi và các ý kiến phát biểu trao đổi trực tiếp của các sinh viên, nhiều nhà khoa học, học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế; những người quan tâm đến lĩnh vực tài chính, kế toán. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm chia sẻ của sinh viên rất nhiều các trường đại học, nhà khoa học trong và ngoài nước với 236 sinh viên các trường tham dự trực tiếp.
PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ cho biết, trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác toàn diện của các trường đại học khối ngành Kinh tế và Kinh doanh, Học viện Tài chính đã phối cùng các trường: Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Thương mại, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế), Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Ngoại thương đồng tổ chức Hội thảo SR-ICYREB2023, mục tiêu của hội thảo hướng đến việc tạo dựng và phát triển một môi trường trao đổi học thuật, ý tưởng mới và kết quả NCKH của sinh viên các trường. |