Chủ tịch ADB, ông Masatsugu Asakawa cho biết, IF-CAP là một trong những chương trình tài trợ khí hậu sáng tạo nhất trên thế giới và sẽ là công cụ quan trọng để chống biến đổi khí hậu ở châu Á và Thái Bình Dương.

ADB và các đối tác khởi động Quỹ cam kết tài trợ ứng phó biến đổi khí hậu tại COP29
Ảnh: TL minh họa

IF-CAP đang hướng tới mục tiêu tổng số tiền bảo lãnh là 2,5 tỷ USD, sẽ được dùng để trang trải một phần danh mục cho vay hiện có của ADB. Điều đó sẽ cho phép ADB giải phóng khoảng 11,25 tỷ USD trong khoản tài trợ khí hậu dành riêng cho khu vực.

ADB hoan nghênh các khoản bảo lãnh trị giá gần 2,2 tỷ USD, bao gồm 1 tỷ USD từ Hoa Kỳ, 600 triệu USD từ Nhật Bản (cộng với khoản tài trợ 25 triệu USD), 280 triệu USD từ Vương quốc Anh, 200 triệu USD từ Úc và 100 triệu USD từ Đan Mạch thông qua Quỹ đầu tư cho các nước đang phát triển (IFU).

IF-CAP cũng phản hồi trực tiếp các khuyến nghị của nhóm các nước G20 rằng, các ngân hàng phát triển đa phương cần tăng cường cho vay thông qua các phương pháp tiếp cận mới như chuyển giao rủi ro.

“Chúng tôi biết rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta. Đây là một thách thức đòi hỏi hành động mang tính chuyển đổi, quyết đoán và sáng tạo mà IF-CAP sẽ cung cấp. Trong số tất cả các ngân hàng phát triển đa phương, chương trình này đưa ADB lên vị trí tiên phong trong đổi mới tài chính khí hậu. Với hiệu ứng nhân lên là 4,5, chương trình này sẽ giải phóng hàng tỷ USD đầu tư rất cần thiết để chống biến đổi khí hậu ở châu Á và Thái Bình Dương” - ông Asakawa nhấn mạnh.

Theo Báo cáo Khí hậu châu Á - Thái Bình Dương 2024 của ADB, châu Á và Thái Bình Dương cần khoảng 102 tỷ USD đến 431 tỷ USD mỗi năm để thích ứng với tình trạng nóng lên toàn cầu. Con số này vượt xa 34 tỷ USD tài chính thích ứng đã được theo dõi trong khu vực vào năm 2021–2022./.

Để giúp giải quyết nhu cầu đầu tư vào khí hậu của khu vực, ADB đặt mục tiêu tài chính khí hậu đạt 50% tổng khối lượng tài chính cam kết hàng năm vào năm 2030. Ngân hàng cam kết đạt hơn 100 tỷ USD tài chính khí hậu tích lũy, cho cả giảm thiểu và thích ứng, từ năm 2019 đến năm 2030.