Bà Rịa – Vũng Tàu: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển liên kết vùng
Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án kinh tế biển. Ảnh: CTV

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung mọi nguồn thực để thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW (ngày 7/10/2022) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một chủ trương mới, nhằm tạo không gian đặc thù, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế về kinh tế trong liên kết vùng.

Kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh đặt trọng điểm vào sự hợp tác, đầu tư kết nối, liên kết các vùng, liên kết tỉnh. Tỉnh đang tập trung ráo riết hoàn thành tuyến đường cao tốc, đặc biệt là công trình cầu Phước An nối với các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Khi cầu Phước An hoàn thành, tuyến đường bộ nối miền Tây và Vũng Tàu sẽ được rút ngắn. Tuyến này không những phục vụ cảng biển mà còn nối với các khu vực du lịch, các vùng ven biển. Cầu Phước An có mức vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, là một trong những cây cầu có khẩu độ lớn nhất Việt Nam.

Không chỉ chú trọng đầu tư kết nối liên tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không quên ngày càng cải thiện, hoàn thiện các tuyến giao thông nội bộ. Hệ thống giao thông tỉnh đến nay đã vươn tới tận đơn vị hành chính xã.

Để thực hiện mục tiêu này, Bà Rịa - Vũng Tàu tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển. Hiện nay tỉnh có khoảng 21.000 DN. So với dân số khoảng gần 1,2 triệu thì mật độ DN trên dân số khá lớn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thọ cũng thẳng thắn nêu lên những hạn chế trong việc liên kết phát huy sức mạnh của cộng đồng DN. Môi trường kinh doanh tỉnh vẫn còn tồn đọng một số vấn đề.

Trong địa bàn tỉnh có nhiều DN lớn, như các DN dầu khí, thực hiện các hợp đồng lớn và cần các nhà cung cấp lớn. Tỉnh có nhiều nhà sản xuất nguyên vật liệu nhưng các DN này và các DN tiêu thụ lại chưa kết nối tốt được với nhau khiến nhiều DN lớn phải ra tỉnh ngoài tìm nguồn cung. Do đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đặt nhiệm vụ kết nối và liên kết các DN này lại với nhau.

Một vấn đề nữa là tuy có nhiều DN nhưng lại thiếu các DN mạnh để làm trụ cột. Tỉnh đang xây dựng mỗi ngành 5 DN trụ cột. Tỉnh sẽ hỗ trợ mạnh bằng cách tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động.

Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế

Bà Rịa – Vũng Tàu: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển liên kết vùng
Bà Rịa - Vũng Tàu quan tâm phát triển logistics, liên kết vùng. Ảnh: CTV

Với lợi thế cảng biển lớn, Bà Rịa - Vũng Tàu đang thúc đẩy hình thành trung tâm logistics và cảng trung chuyển quốc tế. Cùng với đó, địa phương này cũng tính chuyện thành lập khu thương mại tự do như một cơ chế đột phá phát triển.

Theo các chuyên gia kinh tế, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Nam, có điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng cảng biển, gần sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng.

Vì thế, ngành logistics đã được xác định là 1 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh, là động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh khá đa dạng, từ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ khác.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, trong thời gian tới, ngành dịch vụ vận tải, logistics tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ cùng với việc hình thành các tuyến giao thông quan trọng nối liền khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ và lợi thế về khoảng cách của tỉnh với sân bay quốc tế Long Thành khi Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ cách sân bay khoảng 30km. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có hơn 300 DN kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa, kinh doanh dịch vụ kho bãi logistics. Đây là tiềm năng, là động lực quan trọng để phát triển trung tâm logistics và cảng biển trung chuyển quốc tế.

Nhờ có sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cảng biển, thời gian qua dịch vụ logistics tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có những chuyển biến tích cực. Nhiều dự án logistics đi vào hoạt động đã thực hiện tốt các chức năng cơ bản như: Lưu kho bãi, xếp dỡ hàng, thu gom phân phối hàng hóa phục vụ trong các khu công nghiệp và những tỉnh lân cận. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt xấp xỉ 4,4%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics bình quân là 8%.

Đồng thuận với quan điểm phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho hay, DN quan tâm nhất là chính sách, quy hoạch, hạ tầng và ứng xử của bộ phận công, viên chức với DN. Bốn tiêu chí này Bà Rịa - Vũng Tàu đều đang thể hiện rất tốt, hứa hẹn sẽ là một môi trường rất thu hút với DN.

Việc hình thành trung tâm logistics và cảng trung chuyển quốc tế sẽ giúp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung tạo đột phá trong phát triển kinh tế bởi các lợi ích hình thành một hệ sinh thái thương mại và logistics hoàn chỉnh để nâng cao sức cạnh tranh của địa phương và khu vực, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ trực tiếp tại nội khu thương mại tự do, tạo ra cơ hội mời gọi các DN hàng đầu thế giới tới tham gia hoạt động và đầu tư.

Tuy nhiên để hiện thực hóa tiềm năng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Bà Rịa - Vũng Tàu cần phải giải quyết được các vấn đề như: Cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư, sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất - xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics chưa hiệu quả, hay bất cập về cơ chế chính sách… khiến logistics trong khu vực chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng và nhu cầu.

Ưu tiên xây dựng trước các công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch như tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành; TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài hay các dự án kết nối cửa ngõ với 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ và vùng Ðông Nam bộ, các tuyến đường vào các cảng biển để khai thác hiệu quả phương thức vận tải đường thủy và kết nối hoạt động xuất khẩu trực tiếp từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cảng biển có thể đón được “siêu tàu”

Bà Rịa - Vũng Tàu đã quy hoạch 69 dự án cảng biển, trong đó có 50 dự án cảng đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 150 triệu tấn/năm. Hiện tại, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 8 dự án cảng container lớn với công suất 8,3 triệu TEU/năm, trong đó cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong 19 cảng lớn của thế giới đón được "siêu tàu" lớn nhất hiện nay.