Lãng phí nhà, đất công tại nhiều địa phương
Bài 2: Ngăn chặn thất thoát tài sản công
Việc kiểm kê, đánh giá và công khai minh bạch quỹ nhà đất công là một trong những giải pháp quan trọng. Ảnh minh họa

PV: Câu chuyện lãng phí nhà đất công không mới, đã diễn ra nhiều năm. Theo ông, đâu là những “điểm nghẽn” mấu chốt khiến cho tình trạng này chưa được giải quyết dứt điểm?

Bài 2: Ngăn chặn thất thoát tài sản công

PGS.TS Ngô Trí Long: Tình trạng lãng phí nhà đất công tại Việt Nam đã tồn tại trong nhiều năm, gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Các "điểm nghẽn" mấu chốt dẫn đến tình trạng này bao gồm:

Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ và còn nhiều "khe hở". Trước khi Luật Đất đai năm 2024 được thông qua, hệ thống pháp luật về đất đai còn nhiều khoảng trống, chồng chéo và thiếu thống nhất, tạo điều kiện cho sai phạm và lãng phí tài sản công.

Quy hoạch thiếu tính khả thi và quản lý yếu kém. Nhiều dự án được phê duyệt nhưng sau đó bị đình trệ, bỏ dở, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Thủ tục hành chính rườm rà, cùng với sự buông lỏng quản lý, dẫn đến việc sử dụng đất công không hiệu quả.

Sử dụng sai mục đích và bỏ hoang đất công. Nhiều khu đất công, đặc biệt ở các vị trí "đất vàng", bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích. Ví dụ, tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều khu đất công sản bị bỏ trống hoặc cho thuê, sử dụng sai mục đích, gây lãng phí tài nguyên.

Thiếu trách nhiệm và lợi ích nhóm. Một số cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, dẫn đến buông lỏng quản lý, thậm chí bị lợi ích nhóm chi phối, gây ra vi phạm và lãng phí tài sản công.

Thiếu cơ chế giám sát hiệu quả. Việc thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ dẫn đến tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất công trái phép mà không bị xử lý kịp thời, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Để giải quyết tình trạng này, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến quản lý và sử dụng đất công.

PV: Trong “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính đang diễn ra, liệu có nguy cơ thời gian tới sẽ tăng thêm số lượng lớn nhà đất công dôi dư rơi vào tình trạng bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả hoặc không đúng mục đích không, thưa ông?

PGS.TS Ngô Trí Long: Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021, có nhiều cơ sở nhà, đất dôi dư tại các địa phương. Hiện nay cả nước tiếp tục thực hiện sáp nhập, sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp thì số lượng các cơ sở nhà, đất dôi dư có thể tiếp tục tăng lên.

Tình trạng nhà đất công dôi dư tăng có thể dẫn tới nhiều nguy cơ. Dễ thấy nhất là khả năng bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí hoặc chậm thanh lý, tạo ra tình trạng lãng phí tài nguyên. Cơ sở vật chất xuống cấp nhanh chóng do không được bảo trì, gây thiệt hại tài chính lớn.

Cùng với đó là nguy cơ sử dụng sai mục đích một số tài sản công không còn phục vụ đúng chức năng ban đầu nhưng chưa có phương án xử lý. Một số nơi bị "tư nhân hóa" trái phép, gây thất thoát tài sản công; hay khó khăn trong xử lý, thanh lý tài sản thủ tục hành chính rườm rà, quá trình xác định quyền sở hữu, định giá, đấu giá tài sản kéo dài. Quy định pháp luật chưa đồng bộ, chính sách hiện hành chưa có hướng dẫn chi tiết cho nhiều trường hợp đặc thù. Thiếu cơ chế giám sát dễ xảy ra tiêu cực, thất thoát trong quá trình thanh lý tài sản công.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 50/2025/NĐ-CP sửa đổi các quy định về xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất cơ quan nhà nước. Theo đó, cơ quan sau khi sáp nhập có trách nhiệm kiểm kê, phân loại tài sản và lập phương án xử lý tài sản dôi dư, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, việc xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập còn gặp nhiều khó khăn, như vướng mắc trong quy định pháp luật, thủ tục thanh lý, đấu giá phức tạp và kéo dài. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc rà soát, đánh giá và đề xuất giải pháp cụ thể, nhằm đảm bảo quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công, tránh lãng phí. ​

PV: Theo ông, đâu là những giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng nhà đất công bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả, hạn chế tối đa những thất thoát, lãng phí?

PGS.TS Ngô Trí Long: Để xử lý hiệu quả các cơ sở nhà, đất dôi dư giúp đưa lại nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, rất cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương. Chúng ta cần có chính sách quản lý chặt chẽ, đẩy nhanh xử lý tài sản công dư thừa, cải cách thủ tục pháp lý và ứng dụng công nghệ trong quản lý.

Theo tôi, việc kiểm kê, đánh giá và công khai minh bạch quỹ nhà đất công là một trong những giải pháp quan trọng. Cần tổng rà soát, cập nhật dữ liệu về tình trạng sử dụng nhà đất công, nhất là các tài sản dôi dư do sắp xếp lại bộ máy. Xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa để theo dõi, quản lý tài sản công minh bạch. Công khai danh mục nhà đất công để xã hội giám sát, tránh thất thoát, lợi ích nhóm. Các địa phương cần thực hiện kiểm kê chặt chẽ, đánh giá mức độ sử dụng tài sản công; xác định rõ tài sản nào có thể sử dụng lại, tài sản nào cần thanh lý hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.

Hai là, điều chuyển, tái sử dụng hiệu quả tài sản dôi dư ngay trong hệ thống nhà nước. Chuyển giao trụ sở dôi dư cho các cơ quan nhà nước khác có nhu cầu, thay vì thuê mới hoặc xây mới. Điều chỉnh công năng để phục vụ các mục tiêu công như bệnh viện, trường học, nhà văn hóa, trung tâm hành chính... Tận dụng để phát triển nhà ở công vụ, ký túc xá, trung tâm đào tạo công chức.

Ba là, đấu giá công khai, sử dụng hiệu quả nguồn thu từ đất công. Với tài sản không thể tái sử dụng, cần tổ chức đấu giá công khai, minh bạch để tránh thất thoát. Tiền thu được ưu tiên tái đầu tư vào hạ tầng, phúc lợi công cộng. Đưa ra các quy định chặt chẽ để tránh việc chuyển nhượng đất công với giá rẻ, gây thất thoát ngân sách.

Bốn là, khuyến khích hợp tác công tư (PPP) để khai thác hiệu quả. Cho phép doanh nghiệp thuê lại các tòa nhà công không sử dụng với mục tiêu văn phòng, trung tâm thương mại, startup, không gian sáng tạo. Hợp tác với khu vực tư nhân để chuyển đổi công năng hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo lợi ích nhà nước. Cần cơ chế giám sát chặt chẽ để tránh tư nhân hóa tài sản công bất hợp lý.

Năm là, xử lý nghiêm các vi phạm, tăng trách nhiệm quản lý. Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp bỏ hoang, sử dụng sai mục đích. Quy định trách nhiệm cụ thể của lãnh đạo đơn vị có nhà đất công bỏ hoang, sử dụng lãng phí. Xây dựng cơ chế thu hồi tài sản công bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hơn 11.000 nhà đất công sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2024, cả nước có 11.034 cơ sở nhà đất thuộc diện không được sử dụng, sử dụng kém hiệu quả hoặc không đúng mục đích. Trong số này, chỉ 3.780 cơ sở đã có quyết định xử lý, còn 7.249 cơ sở vẫn chưa được xử lý. Sau giai đoạn sắp xếp hành chính (2019 - 2021), có 864 trụ sở dôi dư, nhưng mới xử lý được 349 trụ sở (40,39%), còn lại hơn 500 trụ sở chưa được giải quyết.