Lãng phí nhà, đất công tại nhiều địa phương
Bài 2: Ngăn chặn thất thoát tài sản công
Bài cuối: Gỡ vướng, khai thác hiệu quả nhà, đất công dôi dư
Đến cuối năm 2024 vừa qua, tại nhiều địa phương vẫn còn các cơ sở nhà, đất dôi dư chưa được xử lý, bị bỏ hoang, xuống cấp. Ảnh minh họa

Nhiều địa phương chưa quyết liệt xử lý tài sản dôi dư

Theo Bộ Tài chính, sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021, tài sản công, đặc biệt là các cơ sở, nhà, đất, trụ sở làm việc ở nhiều địa phương đã dôi dư.

Chủ trương của Nhà nước là sắp xếp, xử lý nhà, đất công theo hướng sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và minh bạch. Đối với các tài sản dôi dư, mục tiêu là không để lãng phí, thất thoát, đồng thời khai thác hợp lý nguồn lực này để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo quy định, các tài sản dôi dư này được bán đấu giá công khai, chuyển nhượng cho các đơn vị có nhu cầu hoặc giao lại cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương chưa thật sự quyết liệt hoặc còn lúng túng trong việc xác định phương án xử lý tài sản dôi dư.

Để xử lý hiệu quả khối tài sản này, trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công điện yêu cầu các địa phương rà soát lại phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc đối tượng phải sắp xếp lại. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch để hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp và hoàn thành việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trong năm 2024. Nhưng kết quả thực hiện vẫn chưa được như mong đợi.

Vì thế cho đến cuối năm 2024 vừa qua, tại nhiều địa phương vẫn còn các cơ sở nhà, đất dôi dư chưa được xử lý, bị bỏ hoang, xuống cấp. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2024, cả nước còn hơn 11.000 cơ sở nhà, đất không sử dụng, hoặc sử dụng kém hiệu quả. Hiện mới chỉ có hơn 3.000 cơ sở nhà, đất trong số này có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất, trụ sở làm việc dôi dư là một việc khó, nhất là khi cả nước đang thực hiện sáp nhập, tinh gọn bộ máy, điều chỉnh địa giới hành chính hiện nay. Vì thế, để thực hiện hiệu quả việc sắp xếp, xử lý phải có quy định của pháp luật.

Theo đó, trong quá trình xây dựng Nghị định 114/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 50/2025/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để có quy định việc xử lý đối với trụ sở, tài sản khi thực hiện sắp xếp đối với bộ máy.

Tại các văn bản này đã quy định cụ thể việc xử lý đối với tài sản công khi thực hiện sắp xếp, hệ thống lại tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, cũng quy định rõ việc xử lý tài sản trong các trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động… của các cơ quan, đơn vị. Các quy định đều theo hướng đơn giản về mặt thủ tục để các bộ, ngành, địa phương dễ dàng thực hiện.

Mới đây nhất, ngày 28/2/2025, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn xử lý tài sản khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nghĩa vụ của các đơn vị trước đây. Đồng thời, có trách nhiệm sắp xếp, bố trí tài sản được kế thừa để sử dụng phù hợp, đúng quy định.

“Những quy định này đã giải quyết được nhiều vấn đề về mặt thủ tục và quản lý tài sản. Đặc biệt, đơn vị cũ có trách nhiệm kiểm kê, bàn giao cho đơn vị mới và đơn vị mới có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, bảo quản tài sản cũng như xây dựng phương án xử lý sau này”- ông Thịnh nhấn mạnh.

Rõ trách nhiệm tiến độ thực hiện

Đất nước đang bước vào “kỷ nguyên vươn mình” với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% vào năm 2025. Để thực hiện được mục tiêu này, hàng loạt các giải pháp đã được nêu ra, trong đó có giải pháp tăng cường nội lực. Tài sản công chính là một trong những nguồn nội lực của đất nước. Khai thác và sử dụng hiệu quả khối tài sản này sẽ góp phần đưa mục tiêu tăng trưởng tăng cao.

Xác định ý nghĩa quan trọng đó cũng như để tăng cường công tác xử lý nhà, đất dôi dư, ngày 11/3/2025, Bộ Tài chính tiếp tục có Văn bản số 2950/BTC-QLCS về đẩy mạnh việc rà soát, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, trong đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp quyết liệt.

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương có nhà, đất dôi dư phải xây dựng và ban hành kế hoạch xử lý tài sản dôi dư. Trong kế hoạch đó, các bộ ngành, địa phương phải xác định rõ nội dung công việc, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong từng khâu và ấn định tiến độ thực hiện. Đồng thời, trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải cập nhật thường xuyên các cơ sở nhà đất phát sinh mới vào kế hoạch.

Tại Văn bản số 2950/BTC-QLCS, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá, xác định nguyên nhân trong việc để các cơ sở nhà, đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích.

Cũng theo ông Thịnh, để sắp xếp lại, xử lý tài sản công dôi dư cho giai đoạn tới, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương hoàn tất việc rà soát về chất lượng số liệu tổng kiểm kê tài sản công. “Chỉ khi các đơn vị làm tốt tổng kiểm kê tài sản công mới giải quyết được vấn đề sắp xếp tài sản để không thất thoát, lãng phí” - ông Thịnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Thịnh, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công dôi dư không thể một lúc làm ngay mà cần có khoảng thời gian, trong khi đó, tài sản cần phải được quản lý, bảo quản và có cơ quan để giao trách nhiệm quản lý, tránh xảy ra các tình huống phát sinh. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị, các địa phương rà lại tổ chức có chức năng quản lý kinh doanh nhà của địa phương, đặc biệt là các tổ chức phát triển quỹ đất để thực hiện việc này.

Các tổ chức bộ máy mới sau sáp nhập, tinh gọn cũng cần có thời gian để ổn định mô hình cũng như cách thức tổ chức công việc. Do đó, ông Thịnh cho biết, trong dự thảo nghị định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính đã bổ sung một số cơ chế, trong đó sẽ có khoảng thời gian nhất định để các bộ, ngành, địa phương thực hiện bố trí, sắp xếp.

Sẽ lập Tổ công tác để tiếp nhận thông tin và điều phối tài sản

Việc sắp xếp lại, xử lý tài sản dôi dư cũng cho phép thực hiện hoán đổi (điều chuyển tài sản giữa các cơ quan với nhau). Hơn nữa, trong quá trình sắp xếp đối với trụ sở, thời gian qua cũng đã phát sinh một số vấn đề, đó là ở địa điểm nào thiếu trụ sở thì tất cả cùng thiếu, ở địa điểm nào thừa thì tất cả lại cùng thừa, mà những nơi thừa thực hiện bán đấu giá rất khó vì không phải là những vị trí ở trung tâm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, đã có quy định cho phép các bộ, ngành, địa phương thực hiện điều hòa giữa cơ quan trung ương với cơ quan cấp tỉnh, cấp xã. Tuy nhiên, để điều hòa được thì phải có một địa chỉ để tiếp nhận các thông tin. Do đó, Bộ Tài chính sẽ thành lập một tổ công tác để tiếp nhận thông tin và làm trung tâm điều phối tài sản.