Trong thời gian qua, tình hình an toàn thanh toán, đặc biệt là trong thanh toán điện tử có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo với nhiều rủi ro đang xuất hiện và có những tác động tiêu cực đối với các tổ chức tài chính, cũng như khách hàng. Khi người tiêu dùng và doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc vào các giao dịch điện tử, nhu cầu về các biện pháp bảo mật mạnh mẽ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bàn giải pháp đảm bảo an toàn cho giao dịch trực tuyến
Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: V.B
Cho vay trực tuyến, ngân hàng thêm cơ hội đẩy mạnh tín dụng bán lẻ

Theo đánh giá của VNBA, ngành Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số. Nếu như trước đây, ngân hàng phải chuẩn bị một lượng tiền mặt rất lớn để phục vụ người dân, thì nay không còn phải lo lắng về chuyện đó, bởi ngân hàng đã trở thành “ví” của người dân.

Giai đoạn 2020 – 2025 càng minh chứng cho sự chuyển động lớn về giao dịch thanh toán. Nếu như trước năm 2016, khoảng 500.000 – 1.000.000 giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các tổ chức tín dụng, thì đến nay, lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD).

Thanh toán điện tử gia tăng nhanh

Tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%.

Về vấn đề an toàn, đại diện các ngân hàng tham dự tọa đàm cho biết khi triển khai hệ thống phần mềm công nghệ đều ưu tiên đảm bảo an toàn một cách tối đa. Mặc dù vậy, vẫn xảy ra tình trạng kẻ gian lợi dụng kẽ hở trục lợi, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Trường hợp điển hình là khách hàng vô tình cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, số thẻ, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP hay mã số thanh toán..., khi tham gia mạng xã hội, sử dụng internet, mua hàng qua mạng... cho kẻ gian.

Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo khách hàng cần tỉnh táo, cảnh giác, không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân gì cho bên thứ ba, cẩn trọng khi tham gia không gian mạng để hạn chế tối đa rủi ro, mất tiền cho kẻ gian.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho viết, các cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngân hàng và cơ quan công an cũng sẽ dần tương thích và kết nối với nhau. Khi đó, khách hàng mở tài khoản, đăng ký số điện thoại, sử dụng mobile banking thì ngân hàng có thể kiểm tra được số điện thoại chính chủ và người thực hiện có chính xác hay không. Việc tương thích sẽ tạo nên hệ sinh thái chung và khai thác hiệu quả, góp phần phòng chống gian lận, lừa đảo./.