Prudential và Viện Lão hóa toàn cầu vừa công bố Báo cáo về tương lai hưu trí

Nhân viên Prudential Việt Nam tư vấn dịch vụ bảo hiểm cho khách hàng.

PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về kết quả điều tra tại Việt Nam trong Báo cáo về tương lai hưu trí mà Prudential và Viện Lão hóa toàn cầu vừa công bố?

- Ông Wilf Blackburn: Báo cáo đề cập tới vấn đề đang được người lao động Việt Nam rất quan tâm là làm sao để đối phó với an sinh hưu trí trong tương lai khi tỷ lệ dân số già hóa đang gia tăng khiến việc chăm sóc sức khỏe và lo tiền hưu trí của Chính phủ và doanh nghiệp trở thành gánh nặng.

Khảo sát cho thấy, tuổi thọ khỏe mạnh của Việt Nam chưa cao. Trung bình mỗi người cao tuổi phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của họ. 95% người cao tuổi có bệnh, trung bình mỗi người mắc 2,69 bệnh.

Tại 10 nước được khảo sát, nhiều người lao động lo sẽ chịu cảnh nghèo, không đủ tiền sinh sống và chữa bệnh khi về hưu (có 50% số người được hỏi ở Trung Quốc và tới 95% số người được hỏi ở Việt Nam bày tỏ nỗi lo lắng này).

Bảo đảm an sinh hưu trí bền vững
Chỉ có 25% số người được hỏi ở Việt Nam hy vọng khi về hưu có thu nhập từ các sản phẩm bảo hiểm, cổ phiếu, trái phiếu hay quỹ tương hỗ.   Ông Wilf Blackburn

Trong khi mức chi cho trợ cấp hưu trí ước tính sẽ tăng lên trong thời gian tới ở hầu hết các nước Đông Á thì tại Việt Nam, tỷ lệ này đang có nguy cơ giảm xuống. Hiện chỉ có 1/5 số người đang lao động được hỏi ở Việt Nam hy vọng sẽ có thu nhập từ tài sản tài chính khi nghỉ hưu; chỉ 10% người Việt Nam được hỏi tin rằng con cái trưởng thành hoặc những thành viên khác trong gia đình là chỗ dựa thu nhập khi nghỉ hưu của họ. Với tỷ lệ này, những người hiện đang đi làm sau này khi về hưu sẽ không thể dựa vào gia đình nhiều như những người hiện đã nghỉ hưu.

Đặc biệt, chỉ có 25% số người được hỏi ở Việt Nam hy vọng khi về hưu có thu nhập từ các sản phẩm bảo hiểm, cổ phiếu, trái phiếu hay quỹ tương hỗ.

PV: Như ông nói thì viễn cảnh tương lai hưu trí của Việt Nam không được “sáng”, thưa ông?

- Ông Wilf Blackburn: Đúng vậy, tại hầu hết các nước Đông Á, viễn cảnh về tình hình hưu trí của những người hiện đang làm việc có phần sáng hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì không được như vậy.

Đầu tiên phải kể đến việc những người lao động hiện tại không được định hướng một cách rõ ràng về tương lai hưu trí. Nhiều người trẻ có chung quan điểm với người cao tuổi khi cho rằng trách nhiệm trợ cấp về hưu trí là trách nhiệm của Chính phủ. Trong khi đó, trái ngược với hầu hết các nước Đông Á, mức chi cho trợ cấp hưu trí tại Việt Nam có xu hướng giảm chứ không tăng.

Hiện nay khoảng 68% người nghỉ hưu hiện tại cho biết họ được nhận trợ cấp hưu trí của Nhà nước. Thời gian tới, ước tính chỉ 49% số lao động hiện tại sẽ nhận được nguồn trợ cấp này khi họ về hưu. Sự suy giảm trong tỷ lệ được nhận trợ cấp hưu trí là do số lượng lao động đang ngày càng gia tăng trong khu vực tư nhân, nơi nhiều đơn vị/cơ sở kinh doanh không thực hiện nghĩa vụ đóng góp vào hệ thống quỹ lương hưu cho người lao động và các chế tài của nhà nước không đủ mạnh để các doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ này.

Mặc dù phần lớn người Việt hy vọng sẽ dựa vào Chính phủ và gia đình khi về hưu nhưng dường như họ hiểu được rằng khi xã hội phát triển cùng với thực trạng dân số đang già hóa, việc dựa nhiều vào trợ cấp hoặc hỗ trợ từ gia đình ẩn chứa sự rủi ro.

PV: Vậy sau kết quả báo cáo này, điều gì có thể rút ra cho Việt Nam để giải quyết vấn đề an sinh hưu trí trong tương lai, thưa ông?

Ông Wilf Blackburn: Kết quả của cuộc điều tra lần này đưa ra một số gợi ý để các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính có thể cân nhắc thực hiện nhằm đảm bảo cuộc sống cho người nghỉ hưu. Theo đó, cần tăng cường tính phù hợp của hệ thống trợ cấp hưu trí nhà nước, bao gồm việc mở rộng phạm vi tham gia và tăng mức đóng góp để có thể cung cấp các chế độ trợ cấp hưu trí toàn diện và đầy đủ hơn khi về hưu. Nâng cao tuổi nghỉ hưu và khuyến khích người lao động làm việc lâu dài hơn, như vậy sẽ đóng góp nhiều hơn và khi về già cuộc sống sẽ ổn định…

Lĩnh vực bảo hiểm và quản lý tài sản có thể đóng vai trò quan trọng khi giảm áp lực lên ngân sách nhà nước và từng gia đình. Các doanh nghiệp bảo hiểm có thể giúp người dân trong việc bảo vệ tương lai tài chính dài hạn và hoàn tất mục tiêu an sinh hưu trí bằng các sản phẩm bảo hiểm đảm bảo tương lai hưu trí phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông !

Tham gia sản phẩm bảo hiểm hưu trí được cấp phép bởi Bộ Tài chính sẽ là giải pháp hưu trí hiệu quả. Khách hàng sẽ có quyền lợi hưu trí định kỳ giúp độc lập về tài chính với nguồn thu nhập đều đặn khi về hưu; bảo vệ trong suốt thời gian tích lũy; đầu tư an toàn và hiệu quả với các quỹ hưu trí tự nguyện; ưu đãi giảm thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân lên đến 12 triệu đồng/năm…

Hồng Chi (thực hiện)