![]() |
Bảo hiểm nhân thọ trở thành một phần trong bức tranh tư vấn và quản lý gia sản toàn diện. Ảnh minh họa |
Những năm vừa qua, khi nghề bảo hiểm có phần trầm lắng, ông Trần Mạnh Hoàng Việt - Giám đốc kinh doanh khu vực kênh truyền thống của MB Ageas Life đảm nhiệm thêm vai trò chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân và quản lý gia sản tại Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, sau khi doanh nghiệp này khai trương văn phòng tại Hà Nội.
Bảo hiểm nhân thọ trở thành một "mảnh ghép"
Chia sẻ với phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư, ông Trần Mạnh Hoàng Việt cho biết, thị trường thời gian qua còn nhiều khó khăn và tâm lý khách hàng vẫn khá thận trọng, ngày càng nhiều tư vấn viên nghề bảo hiểm bắt đầu chuyển hướng sang tư vấn quản lý tài chính cá nhân cho khách hàng một cách bài bản, thay vì chỉ tập trung vào việc bán sản phẩm bằng lời hay ý đẹp hay tạo áp lực với khách hàng như trước đây.
Từ bán bảo hiểm đến đồng hành toàn diện"Bảo hiểm nhân thọ trở thành một phần trong bức tranh tư vấn và quản lý gia sản toàn diện. Khi đó, các hoạch định tài chính cá nhân sẽ tiếp cận theo đúng chuẩn của quản lý tài chính cá nhân, không chỉ dừng lại ở việc bán bảo hiểm, mà là hoạch định và đồng hành cùng khách hàng trong mọi khía cạnh, từ bảo hiểm, đầu tư đến trái phiếu. Họ sẽ đóng vai trò như một “người bạn đời” trong lĩnh vực tài chính, gắn bó và hỗ trợ trên hành trình bảo vệ và phát triển tài sản" - ông Trần Mạnh Hoàng Việt nêu rõ. |
Họ xác định đây là một công việc toàn thời gian nghiêm túc, gắn liền với giá trị tư vấn và đồng hành, thay vì bán thời gian như trước. Với khách hàng, bảo hiểm nhân thọ không được nhìn nhận đơn lẻ, mà được đặt đúng vị trí trong bức tranh tài chính tổng thể dài hạn của mỗi cá nhân.
Ông Việt cho biết, trong tổng thể kế hoạch quản lý tài chính cá nhân, khoảng 5 - 8% thu nhập dành cho bảo hiểm được xem là hợp lý. Đây là mức chi đủ để xây dựng lớp bảo vệ vững chắc cho bản thân và gia đình trước những rủi ro bất ngờ như tai nạn, bệnh tật hay mất nguồn thu nhập.
Chia sẻ gần đây, TS. Nguyễn Thành Hưng - Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Đào tạo, Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ cho biết, trước đây, bảo hiểm nhân thọ thường được nhìn nhận với các chức năng chính, đó là bảo vệ và tích luỹ, tiết kiệm.
Cách thức tư vấn sản phẩm cũng vì thế mà chủ yếu khai thác tâm lý sợ hãi, như rủi ro bệnh tật hay tử vong sớm, nhằm hướng khách hàng đến giải pháp tích lũy cho tương lai.
Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, khách hàng có những nhu cầu mới, trong khi các sản phẩm tài chính cá nhân hiện rất đa dạng, bao gồm chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, vàng, tín dụng, đầu tư quỹ, tiền gửi... Vì vậy, người tư vấn không chỉ bán sản phẩm, mà tư vấn giải pháp toàn diện phù hợp, tối ưu nguồn lực tài chính của khách hàng, trong đó tích hợp bảo hiểm.
Trong bức tranh này, bảo hiểm nhân thọ được xem là một mảnh ghép không thể thiếu, vừa giúp bảo vệ thu nhập, hỗ trợ chi phí y tế, tạo dựng quỹ hưu trí, tích luỹ tài sản, vừa mang lại sự an tâm tinh thần cho khách hàng. Còn người hoạch định tài chính cá nhân đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa cung và cầu, giúp khách hàng hiểu đúng, lựa chọn đúng sản phẩm tài chính phù hợp với từng giai đoạn.
Những thách thức cần vượt qua
Chia sẻ về khó khăn, theo ông Trần Mạnh Hoàng Việt, với nghề hoạch định tài chính cá nhân, nếu không làm tốt, khách hàng hoàn toàn có thể lựa chọn người tư vấn khác. Do đó, để xây dựng niềm tin ban đầu, hiện mức phí tư vấn được duy trì thấp giúp khách hàng hiểu và cảm nhận được giá trị của dịch vụ. Sau ít năm, nhiều khách hàng không chỉ tiếp tục đồng hành mà còn sẵn sàng đầu tư chung.
Hơn nữa, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân phải hiểu biết sâu sắc các sản phẩm tài chính khác nhau để đưa ra lời khuyên cho khách hàng. Tại FIDT có các phòng ban chuyên môn để đồng hành và hỗ trợ toàn diện cho khách hàng trong quản lý tài chính cá nhân. Chẳng hạn, khi khách hàng muốn đầu tư bất động sản, các chuyên gia của FIDT sẽ đưa ra lời khuyên đầu tư dựa trên phân tích và nghiên cứu địa bàn nhiều tháng trước khi khuyến nghị mua.
Cũng theo đại diện Bảo Việt Nhân thọ, chân dung nhà hoạch định tài chính cá nhân trong giai đoạn mới cần các yếu tố gồm kiến thức, kỹ năng, tâm thế và đạo đức nghề nghiệp. Trong đó, họ cần có kiến thức chuyên sâu về bảo hiểm, tài chính đầu tư, thuế, bất động sản, kế hoạch hưu trí; khả năng áp dụng công nghệ vào hoạt động và các kỹ năng tương ứng.
Bên cạnh đó, các nhà hoạch định tài chính cá nhân đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là những mâu thuẫn tiềm ẩn giữa các mục tiêu. Bởi họ cần cân bằng giữa lợi ích cá nhân liên quan đến doanh thu, hoa hồng với lợi ích của khách hàng khi cung cấp giải pháp phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính và đảm bảo hợp đồng được duy trì dài hạn.
"Các nhà hoạch định tài chính cá nhân cần nâng cao năng lực số, phát triển kỹ năng, xây dựng tư duy lấy khách hàng làm trung tâm, cân bằng lợi ích" - ông Hưng lưu ý.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ tư vấn viên cần được đào tạo bài bản, mà khách hàng cũng cần được nâng cao nhận thức tài chính. Điều này sẽ giúp họ đưa ra các quyết định thông minh, tránh các rủi ro như lừa đảo tài chính.
Đầu tư vào chất lượng nhân lực, hình thành đội ngũ tư vấn bảo hiểm thế hệ mớiVới 25 năm gắn bó trong ngành bảo hiểm, bà Phạm Thị Mai Phương, Chủ tịch điều hành kênh Alpha của AIA Việt Nam chia sẻ, năm 2023 là một năm đầy biến động, khi toàn ngành phải đối mặt với những cú sốc lớn về niềm tin của khách hàng. "Nhiều vụ việc nổi cộm khiến niềm tin bị lung lay nghiêm trọng, kéo theo hệ quả rõ rệt là tỷ lệ tham gia bảo hiểm giảm tới 44% trong vòng một thập kỷ. Nhiều khách hàng hủy hợp đồng, trong khi số lượng tư vấn viên rời bỏ nghề cũng tăng cao" - bà Phương bày tỏ. Trước thực trạng này, việc cấp phép hoạt động cho các công ty bảo hiểm, yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên cẩn trọng hơn. Trong bối cảnh đó, AIA nhận ra, đầu tư vào chất lượng nhân lực là hướng đi then chốt. Thay vì chỉ tập trung vào việc bán sản phẩm, công ty chuyển sang phương pháp tư vấn dựa trên bức tranh tài chính cá nhân của từng khách hàng, giúp họ hiểu rõ cách phân bổ và phân phối tài sản hợp lý. Sự thay đổi này đã mang lại hiệu quả tích cực, khách hàng không chỉ được tư vấn về bảo hiểm, mà còn được hỗ trợ hoạch định tài chính cá nhân toàn diện và thực tế hơn. Tuy nhiên, so với các quốc gia phát triển, khung pháp lý tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khoảng trống, đòi hỏi phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với thực tiễn, đồng thời nâng cao tính minh bạch trong hoạt động tư vấn tài chính. Bên cạnh đó, quy trình cấp chứng chỉ hành nghề cho tư vấn viên cũng cần được siết chặt hơn, nhằm đảm bảo về nền tảng chuyên môn vững chắc và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, cũng như kinh nghiệm thực tiễn. |