Kỳ vọng sức bật khả quan từ khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ
Thị trường bảo hiểm khởi sắc với doanh thu phí tăng 5,4%, ngân hàng đồng loạt nhập cuộc

Đối thoại tìm giải pháp để thị trường bảo hiểm chuyển mình mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Điểm lại tình hình tăng trưởng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2024 tăng 10,21%; ước tính 5 tháng đầu năm 2025 tăng 10,43% so với cùng kỳ.

Triển khai hàng loạt chính sách mới

Tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng cập nhật tiến độ xây dựng các văn bản pháp luật mới có nội dung liên quan tới lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp chặt chẽ, nhằm đảm bảo các chính sách khi được xây dựng và ban hành sẽ phù hợp thực tiễn, khả thi và sớm đi vào cuộc sống.

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng vượt bậc

"Theo kế hoạch đăng ký của 32 doanh nghiệp bảo hiểm và 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, ước tăng trưởng năm 2025 đạt 9,77%, tương đương khoảng 85.938 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp dự kiến mức tăng trưởng trên 10%, thậm chí có doanh nghiệp tăng tới 26%" - lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nêu rõ.

Đơn cử, theo Nghị định 105/2025/NĐ-CP ngày 15/5/2025 hướng dẫn Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, mức thu từ doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong năm tài chính nâng lên 2% tổng số phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thực tế thu được của các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm tài chính trước liền kề.

Hàng năm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm nộp số tiền này vào tài khoản của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Bảo hiểm phi nhân thọ đón loạt chính sách mới, gỡ khó đưa doanh thu vượt 80.000 tỷ đồng
Lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chủ trì cuộc họp. Ảnh: Ánh Tuyết.

Cùng với đó, quy định về việc điều chỉnh tăng hoặc giảm tối đa 25% phí bảo hiểm dựa trên mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm với tổng số tiền bảo hiểm dưới 1.000 tỷ đồng cũng được bãi bỏ.

Thông tư 219/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 hướng dẫn tiêu chí xác định tổ chức bảo hiểm có uy tín trong lĩnh vực hàng hải cũng dự kiến trình ban hành tháng 10/2025. Theo đó, dự kiến nâng mức vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm từ 300 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng trở lên, nâng biên khả năng thanh toán...

Bên cạnh đó, một số quy định khác cũng được đề cập như: Cục Nghị định số 104/2025/NĐ-CP ngày 15/5/2025 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng; Nghị định bảo hiểm nông nghiệp sửa đổi dự kiến trình Chính phủ tháng 5/2026, danh mục tài sản công phải mua bảo hiểm…

Đẩy mạnh cải cách, gỡ khó cho doanh nghiệp

Tại cuộc họp, ông Phạm Văn Đức nhấn mạnh, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Cục tiếp tục tiến hành rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục thông qua bãi bỏ 4 nội dung thuộc phạm vi quản lý; đề xuất phân cấp, giao quyền xử lý 7 thủ tục nhằm chủ động triển khai, rút ngắn thời gian xử lý cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng lưu ý các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường thực hiện các biện pháp quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ; tăng cường hoạt động kiểm tra, đánh giá định kỳ hàng năm, đột xuất việc tuân thủ quy định pháp luật theo quy định tại Thông tư 70/2022/TT-BTC ngày 16/11/2022, trong đó, đặc biệt lưu ý tới hoạt động tái bảo hiểm, khai thác, giám định bồi thường; rà soát điều kiện của các nhân sự là người quản lý, người kiểm soát.

Cùng với đó, yêu cầu các doanh nghiệp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị nội bộ, công tác khai thác, giải quyết bồi thường, thống kê dữ liệu phục vụ quản trị rủi ro, định phí sản phẩm bảo hiểm…

Bảo hiểm phi nhân thọ đón loạt chính sách mới, gỡ khó đưa doanh thu vượt 80.000 tỷ đồng
Đại diện doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thẳng thắn đối thoại, đề xuất giải pháp khả thi phát triển thị trường. Ảnh: Ánh Tuyết.

Trong quá trình triển khai các sản phẩm bảo hiểm và hoạt động đầu tư, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ tiếp tục ghi nhận những vướng mắc, đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển bền vững.

Trao đổi tại cuộc họp, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tích cực đóng góp nhiều ý kiến, để giúp các đơn vị tăng tốc phát triển. Theo đó, doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh quy định trích lập dự phòng đối với bảo hiểm sức khỏe để phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động.

Về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, doanh nghiệp mong muốn quy định mới được triển khai theo hướng hài hòa hơn cho khách hàng và doanh nghiệp. Riêng với bảo hiểm nông nghiệp, doanh nghiệp đề xuất nâng mức hỗ trợ phí bảo hiểm, nhằm tăng khả năng tiếp cận và chia sẻ rủi ro.

Các ý kiến cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc rà soát quy định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành nhằm tái cơ cấu nợ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đề xuất tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nhằm củng cố niềm tin của người dân đối với ngành bảo hiểm.

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng nhất trí cao với ý kiến chỉ đạo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm và sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để vừa đạt mục tiêu tăng trưởng, nhưng vẫn đảm bảo an toàn tài chính, quản trị rủi ro và tuân thủ quy định pháp luật.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm ghi nhận những đề xuất về các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, trong đó, tập trung vào việc triển khai hiệu quả các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc; xây dựng triển khai các sản phẩm bảo hiểm mới; hoạt động tái bảo hiểm; hoạt động đầu tư, dự phòng nghiệp vụ; các giải pháp trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách…từ phía các doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam.