hdbank

NHNN cũng đang xem xét, tính toán để xác định mức chi trả BHTG phù hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Ảnh: Trần Việt.

“Vừa vặn” hơn trong mô hình mới

Theo Vụ Pháp chế (NHNN) , với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và căn cứ vào tiêu chí phân loại theo thông lệ quốc tế, việc Chính phủ quyết định lựa chọn “Mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng” cho BHTG Việt Nam là hoàn toàn phù hợp. Đó là trao cho BHTG Việt Nam chức năng tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG và bổ sung thêm cho BHTG một số quyền hạn của mô hình giảm thiểu rủi ro.

Đây là mô hình phù hợp với khuôn khổ pháp lý hiện tại về thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng Việt Nam. Lợi thế trước nhất của mô hình này là phù hợp hơn với thực tiễn Việt Nam.

Mô hình này cũng loại bỏ được sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan trong việc thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng (TCTD). “Việc có hai cơ quan cùng thực hiện chức năng thanh tra, giám sát an toàn hoạt động của các TCTD sẽ không những gây tốn kém chi phí xã hội khi hai cơ quan cùng thực hiện một chức năng; mà còn tạo gánh nặng cho các TCTD khi phải chịu sự thanh tra của hai cơ quan khác nhau”, Vụ Pháp chế cho hay.

Linh hoạt hơn về phí và hạn mức chi trả

Theo quy định tại Nghị định 68 của Chính phủ, phí BHTG được áp dụng với mức 0,15% trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm cho tất cả các tổ chức tham gia BHTG. Quy định này theo đánh giá của Vụ Pháp chế là cào bằng và không đảm bảo nguyên tắc thị trường, bởi TCTD nào có mức độ rủi ro cao thì phải đóng phí cao và ngược lại.

Khắc phục hạn chế này, Luật BHTG 2012 quy định, Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí BHTG theo đề nghị của NHNN. Căn cứ vào khung phí BHTG, NHNN sẽ quy định phí BHTG cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại tổ chức này.

Tuy nhiên Vụ Pháp chế cũng lưu ý, việc áp dụng thu phí theo mức độ rủi ro cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là phải xem xét hoàn thiện hệ thống đánh giá xếp hạng các TCTD theo phương pháp CAMELS (công cụ phân tích tình hình hoạt động và rủi ro của TCTD).Cùng với đó trách nhiệm bảo mật thông tin đánh giá xếp hạng cũng phải được đảm bảo, tránh trường hợp lợi dụng để cạnh tranh không lành mạnh gây tổn hại đến hệ thống ngân hàng.

Về hạn mức chi trả bảo hiểm cũng đã quy định linh hoạt hơn.Luật BHTG 2012 đã trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của NHNN trong từng thời kỳ.

Theo thông lệ quốc tế, hạn mức chi trả BHTG thường được tính trên cơ sở GDP tính trên đầu người nhân với hệ số nhất định. Mức chi trả bảo hiểm ở từng nước là khác nhau và tại một nước cũng có thể thay đổi tùy từng thời điểm.

Hiện tại, theo quy định tại Nghị định 68 của Chính phủ, hạn mức BHTG hiện hành là 50 triệu đồng. NHNN cũng đang xem xét, tính toán để xác định mức chi trả BHTG phù hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Ngô Kiến