Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mến cho biết, khó khăn lớn nhất trong năm 2021 là tác động của đại dịch Covid-19. Theo đó, hoạt động các lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Chủ động tiếp cận đối tượng thụ hưởng

Qua rà soát, thống kê, TP. Hồ Chí Minh có 81.641 đơn vị, doanh nghiệp (DN) thụ hưởng gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116 của Chính phủ, bao gồm các nhóm đối tượng: phía đơn vị sử dụng lao động được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ 1% xuống còn 0%; người lao động được hưởng khoản tiền hỗ trợ trực tiếp vào tài khoản cá nhân với 6 mức hưởng tùy vào thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhiều hay ít tháng (từ 1,8 - 3,3 triệu đồng).

Dốc toàn lực, kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp
Hội nghị giao ban BHXH thành phố với các đơn vị trực thuộc. Ảnh: CTV

Theo BHXH TP. Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dịch vụ, vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng trên địa bàn tiếp tục cho người lao động nghỉ không lương và nghỉ việc. Người dân bị mất thu nhập, không có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH và có xu hướng nhận trợ cấp 1 lần, không quan tâm đến việc đóng BHXH tự nguyện để hưởng lâu dài…

Triển khai việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid -19 theo Nghị quyết 09 của HĐND Thành phố; Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định số 23/QĐ-TTg và Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ, BHXH TP.Hồ Chí Minh đã tập trung chỉ đạo BHXH 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức quyết liệt triển khai các giải pháp, chủ động tiếp cận đối tượng thụ hưởng để hỗ trợ một cách nhanh nhất, chính xác nhất.

Lãnh đạo BHXH TP.Hồ Chí Minh cho biết, để tạo điều kiện giúp người lao động và người sử dụng lao động sớm được nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ một cách thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả, BHXH thành phố đã khai thác triệt để việc sử dụng các hình thức giao dịch trực tuyến trong việc nộp hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp với các bước thực hiện đơn giản, tiện lợi đã giúp người lao động và đơn vị sử dụng lao động không phải trực tiếp đến cơ quan BHXH. Từ đó, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động, đồng thời góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 do không phải tiếp xúc trực tiếp trong các giao dịch với cơ quan BHXH, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Tính đến ngày 12/10/2021, BHXH TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ 1% xuống bằng 0% cho 81.590 đơn vị và 1.715.568 người lao động với số tiền xấp xỉ 1.900 tỷ đồng.

Giải quyết chi hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hường bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/10/2021 đến ngày 31/12/2021cho 2.389 đơn vị và 46.056 lao động (trong đó 21.425 lao động đang tham gia và 3.930 lao động bảo lưu quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp). Tổng số tiền chi hỗ trợ là 106,9 tỷ đồng (trong đó, chi cho người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 94,2 tỷ đồng, chi cho người lao động đang bảo lưu quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 12,7 tỷ đồng).

Chi trả hỗ trợ nhanh chóng và chính xác nhất

Khối lượng công việc chuyên môn kết hợp với nhiệm vụ đột xuất của 3 tháng cuối năm 2021 là rất lớn, theo Phó Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Thanh, để giải quyết nhanh chóng và chính xác nhất, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với cán bộ BHXH phải bám sát kế hoạch giải quyết công việc cụ thể từng ngày, từng tuần cho linh hoạt, cán bộ phải chủ động sáng tạo hơn trong việc tiếp cận với người dân, người lao động và doanh nghiệp nhằm giải đáp kịp thời vướng mắc của họ.

“Người lao động luôn mong mỏi nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 116/TTg-CP, nên lực lượng cán bộ tại BHXH Quận 1 đã làm xuyên suốt tất cả các ngày trong tuần kể cả ngày cuối tuần để làm sao người lao động nhận được tiền hỗ trợ nhanh nhất…” – Giám đốc BHXH Quận 1 Phạm Văn Phát chia sẻ.

TP.Thủ Đức hiện có hơn 1 triệu người, trong đó có trên 400.000 lao động đang làm việc tại hơn 12.000 đơn vị, DN. Những ngày này, tập thể BHXH TP.Thủ Đức đang căng sức làm việc để người lao động trên địa bàn kịp nhận khoản tiền hỗ trợ ý nghĩa từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Tổng hợp hồ sơ NLD và DN tại BHXH TP Thủ Đức. Ảnh: CTV
Tổng hợp hồ sơ người lao động và DN tại BHXH TP. Thủ Đức. Ảnh: CTV

Ông Huỳnh Văn Trung - Phó Giám đốc BHXH TP.Thủ Đức chia sẻ: "Mấy ngày qua, chúng tôi phải xem và ký (chữ ký số) trên dưới 1.500 hồ sơ. Trong đó, phần lớn hồ sơ liên quan đến đề nghị nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Đây là những người đã tạm hoãn, hoặc đã ngưng làm việc tại DN, nên tự thực hiện hồ sơ trên ứng dụng VssID, hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Đối với các đơn vị, DN, từ ngày 5/10 BHXH TP.Thủ Đức đã hoàn tất gửi danh sách người lao động (Mẫu 1) để đơn vị, DN rà soát, điều chỉnh, bổ sung thông tin".

Những ngày qua, áp lực công việc tại BHXH TP. Hồ Chí Minh cũng như mạng lưới BHXH trên cả nước đều tăng cao. Áp lực này là đương nhiên bởi gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp không chỉ rộng mở với hơn 12 triệu lao động cả nước, mà còn phải nhanh chóng, kịp thời để người lao động thêm điều kiện tài chính vượt khó tiếp tục tham gia sản xuất. Với trách nhiệm và truyền thống “hết việc không hết giờ”, BHXH TP.Hồ Chí Minh đều rất cật lực để hoàn thành sứ mệnh an sinh một cách nhanh chóng nhất, kịp thời nhất.

Ghi nhận phản ánh từ các DN và người lao động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho thấy đều đánh giá cao gói hỗ trợ kịp thời, đầy tính nhân văn của Quốc hội và Chính phủ đúng thời điểm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Đặc biệt, gói hỗ trợ này được đơn giản tối đa về thủ tục hành chính, thời gian thực hiện. Nhờ có hệ thống dữ liệu tập trung, cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp đã trực tiếp xử lý các thủ tục và hoàn tất việc giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho từng doanh nghiệp./.

Đa số các doanh nghiệp đều phấn khởi vì không bị bất kỳ một rào cản nào khi tiếp cận gói hỗ trợ này của Quốc hội, Chính phủ. Số tiền giảm đóng đến đúng lúc khó khăn đã giúp doanh nghiệp có thêm kinh phí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiếp tục chuỗi cung ứng lao động, qua đó thể hiện rõ tính nhân văn, ưu việt của chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Đảng và Nhà nước.