Gia tăng buôn lậu cả đường bộ và đường thủy

Thời gian qua, tại các tỉnh Tây Nam, buôn lậu thuốc lá và đường cát gia tăng cả trên tuyến đường bộ và đường thủy. Trên tuyến đường bộ, các đối tượng lợi dụng đường mòn, lối mở để đưa hàng hóa đến điểm tập kết rồi thuê người dân địa phương vác hàng lậu tuồn qua biên giới. Trên tuyến biển, các đối tượng sử dụng tàu tốc độ cao đưa hàng lậu vào đất liền, nội địa tiêu thụ.

Đáng chú ý, đối tượng buôn lậu hoạt động với nhiều phương thức như lợi dụng ban đêm, mang vác, vận chuyển không theo quy luật, thường chia nhỏ hàng hóa qua các đường mòn biên giới, thuê người mua hàng tại cửa hàng miễn thuế và xuất khẩu sang Campuchia sau đó tìm cách thẩm lậu vào Việt Nam. Các đối tượng đầu nậu còn thông qua các mạng xã hội zalo, facebook...và sử dụng các thiết bị công nghệ di động lập ra các đường dây khép kín từ đặt hàng, vận chuyển đến giao nhận hàng lậu tại nhiều địa điểm khác nhau; dùng dùng hóa đơn, chứng từ quay vòng để đối phó với cơ quan chức năng.…gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm.

Biên giới Tây Nam: Thuốc lá và đường cát nhập lậu chưa có dấu hiệu giảm nhiệt
Thuốc lá và đường cát nhập lậu chưa có dấu hiệu giảm nhiệt tại biên giới Tây Nam. Ảnh: TL

Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ việc lớn. Đơn cử, tại Kiên Giang - tỉnh có đường biên giới trên bộ và cả trên biển giáp với Campuchia, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới khá phức tạp, nhất là tại TP Hà Tiên, huyện Giang Thành và Phú Quốc. Chỉ riêng trong tháng 2/2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã bắt giữ hơn 50 vụ vi phạm, xử lý và thu nộp NSNN gần 3 tỷ đồng, thu giữ gần 8.000 gói thuốc lá lậu…

Tại địa bàn Tây Ninh, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tuy không tổ chức thành quy mô, đường dây, nhưng thủ đoạn hoạt động khá phức tạp, tinh vi. Trong tháng 2 đầu năm, lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 Tây Ninh đã phát hiện và bắt giữ 86 vụ với 77 đối tượng, thu giữ nhiều hàng hóa, trong đó có 29.340 bao thuốc lá điếu, 2 tấn đường cát…nộp NSNN trên 3,1 tỷ đồng.

Tại Đồng Tháp, trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng cũng liên tục bắt giữ nhiều vụ buôn lậu đường cát và thuốc lá. Mới đây nhất, ngày 22/3, Cục Hải quan Đồng Tháp đã phối hợp phát hiện, bắt giữ 1.000 gói thuốc lá ngoại hiệu NELSON tại khu vực tuyến đường nhựa cặp bờ sông biên giới Sở Thượng. Trước đó, trên tuyến đường lộ liên xã thuộc khu vực ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự và đường đan dọc bờ sông Tiền, lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ gần 3.000 gói thuốc lá ngoại, 1 tấn đường kết tinh do Thái Lan sản xuất, không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp do các đối tượng buôn lậu vận chuyển từ biên giới về để rải rác ven đường, chờ cơ hội thuận lợi chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Tăng cường phối hợp, siết chặt kiểm soát địa bàn trọng điểm

Theo đánh giá của lực lượng Hải quan Tây Nam, công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu tại Tây Nam còn gặp nhiều khó khăn do đường biên giới kéo dài, nhiều đường mòn lối mở, kênh rạch. Hơn thế nữa, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi quy luật để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhằm trốn tránh sự kiểm tra, giám sát. Đến nay, dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh được phục hồi. Do đó, tình hình buôn lậu tại Tây Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trước tình hình đó, lực lượng hải quan sẽ siết chặt kiểm soát, tập trung cao độ triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi tình trạng buôn lậu thuốc lá, đường cát tại cửa khẩu. Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Hùng Anh đã yêu cầu các đơn vị chủ động tổ chức lực lượng, tập trung nguồn lực, phương tiện nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tuần tra, kiểm soát để chủ động phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời những vụ việc; đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm tại khu vực biên giới Tây Nam; quyết liệt đấu tranh với các hành vi lợi dụng chính sách, thủ tục đối với việc từ chối nhận hàng và tái xuất để buôn lậu...

Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng khác trong công tác phát hiện, bắt giữ, xử lý đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm qua biên giới.

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa chỉ đạo Bộ Công an và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng thuốc lá và đường cát.

Trong đó yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với các lực lượng chức năng là Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường xác minh, làm rõ những thông tin phản ánh có cơ sở của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đấu tranh triệt phá các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới và tàng trữ, buôn bán trái phép mặt hàng thuốc lá điếu và đường cát để xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong quý 3/2022.

Đối với Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới cửa khẩu (nhất là khu vực đường mòn, lối mở), thị trường nội địa để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là mặt hàng thuốc lá điếu và đường cát./.