Bình Dương: Kết nối tiêu thụ nông sản đi vào thực chất nhờ diễn đàn
Bình Dương: Kết nối tiêu thụ nông sản đi vào thực chất nhờ diễn đàn. Ảnh: PN

Ngày 9/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn trực tuyến "Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Dương năm 2021". Diễn đàn gồm 2 phiên, phiên toàn thể diễn ra trong sáng 9/10, buổi chiều là phiên giao thương do Sở NN&PTNT Bình Dương chủ trì.

Bình Dương mở 20 điểm kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua tổ công tác

Tại diễn đàn, ông Phạm Văn Bông - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Dương cho biết, Tổ công tác hỗ trợ sản xuất, kết nối cung cầu và tiêu thụ nông sản của tỉnh đã triển khai bán hàng tại 20 điểm. Lượng hàng cung ứng hàng ngày khoảng 6 tấn rau, củ, quả; 300 - 350kg thịt; 27.000 trứng/điểm. Đồng thời tổ chức các chuyến xe bán hàng lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố.

Tỉnh đã hỗ trợ các hợp tác xã, trang trại triển khai kênh bán lẻ online trên facebook/zalo, giao hàng trực tiếp đến các đầu mối đặt hàng, đã hỗ trợ tiêu thụ nông sản tồn cục bộ với 150 tấn chuối; 250 tấn dưa lưới; 250 tấn bưởi; 50 tấn rau; 90 tấn nấm bào ngư.

Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho hay, trong quá trình thực hiện các quy định phòng chống Covid-19, ngành sản xuất nông nghiệp đã gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian qua, được sự quan tâm Bộ NN&PTNT, đặc biệt là Tổ công tác 970 đã thường xuyên cập nhật tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh, kết nối hỗ trợ các tỉnh đảm bảo nguồn cung ứng nông sản và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của các tỉnh.

Vì vậy, ông Mai Hùng Dũng bày tỏ thông qua diễn đàn, việc kết nối cung cầu nông sản đi vào thực chất hơn và mang lại lợi ích cho mọi người bởi đây là nơi để người sản xuất giới thiệu những sản phẩm ưu tú, là nơi để người sản xuất lắng nghe yêu cầu của thị trường để có cơ sở điều chỉnh quá trình sản xuất, tiếp tục cải tiến, điều chỉnh để tiếp tục cung ứng cho thị trường những sản phẩm chất lượng hơn, tính cạnh trạnh cao hơn.

Tỉnh Bình Dương cũng xác định sản xuất nông nghiệp vẫn luôn là ngành sản xuất quan trọng, cần tiếp tục phát triển ổn định bền vững trong thời gian tới.

Mặc dù là một tỉnh công nghiệp với tỷ trọng GDP nông nghiệp chỉ hơn 3%, nhưng Bình Dương rất quan tâm tới ngành nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững. Hiện tỉnh có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao, trên 69% tổng đàn gia cầm, 65% tổng đàn gia súc và 5.435ha trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trong có gần 600ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ.

Tỉnh đã thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả quan trọng và triển khai chính sách phát triển nông nghiệp đều có những bước đột phá...

Cần có một doanh nghiệp đứng ra làm vai trò kết nối

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã kết hợp rất nhiều với tỉnh Bình Dương để phát triển nông nghiệp hữu cơ, chưa kể đến tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng của nhiều địa phương trong tỉnh.

Ông Trần Thanh Nam đề nghị tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai cấp mã số vùng trồng, đáp ứng được các tiêu chuẩn GAP ở những vùng nguyên liệu, phấn đấu đến năm 2025 trở thành điểm đến tin tưởng của các doanh nghiệp bán lẻ, xuất khẩu, có thể các đối tác có thể yên tâm ký kết bao tiêu sản phẩm.

Để tăng cường việc kết nối các sản phẩm nông sản vào tiêu thụ trong các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho rằng qua mỗi diễn đàn, cần có một doanh nghiệp đứng ra làm vai trò kết nối để đem lại những kết quả cụ thể hơn trong thời gian tới. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp tháo gỡ nhanh nhất có thể nếu địa phương gặp khó khăn.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cũng cho rằng tại diễn đàn, có nhiều thông tin giữa hai phía thu mua và sản xuất nông sản nhưng vẫn còn thiếu thông tin để kết nối một cách mạnh mẽ hơn. "Chúng ta phải chỉ được vùng nào trồng cây gì, giống gì, sản lượng ra sao và được chứng nhận cấp nào(?) Sau diễn đàn, các bên cần gặp gỡ nhau và liên hệ với Cục Trồng trọt để cung cấp thông tin. Qua đó, chúng tôi sẽ phân tích và xem doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại nào có thể hợp tác với siêu thị nào, chứ không phải thăm dò ý kiến của nhau" - ông Lê Thanh Tùng nêu rõ.