khám bệnh

Nghị định 146 quy định bổ sung đối tượng tham gia BHYT nhằm bảo đảm tính công bằng. Ảnh: Đức Việt.

Còn vướng mắc trong triển khai thực hiện

Theo ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), Nghị định 146/2018/NĐ-CP (Nghị định 146) hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT ra đời, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, trong đó có việc quy định bổ sung đối tượng tham gia BHYT nhằm bảo đảm tính công bằng, tiến tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.

Cụ thể, bổ sung nhóm do ngân sách nhà nước đóng bao gồm: Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975...; nhóm do người sử dụng lao động đóng BHYT (thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu).

Về giảm trừ mức đóng, không bắt buộc toàn bộ thành viên hộ gia đình phải tham gia BHYT cùng một thời điểm; thực hiện giảm trừ mức đóng khi thành viên thứ 2 tham gia trong năm tài chính. Quy định này thuận lợi cho người tham gia BHYT theo hộ gia đình, góp phần mở rộng đối tượng BHYT. Nhờ những chính sách mới này, tính đến ngày 31/8/2019, cả nước có khoảng 85 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số (hết năm 2018 có 83,5 triệu người tham gia BHYT).

Ông Khảm cho biết, về cơ bản, việc thực hiện nghị định đang được triển khai đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số cơ sở KCB cũng như cơ quan BHXH chưa hiểu đầy đủ các nội dung của nghị định, dẫn đến việc áp dụng không nhất quán. Ví như, nhiều người không hiểu trường hợp đi KCB trái tuyến, sau đó chuyển lên tuyến trên được hưởng quyền lợi như thế nào, họ vẫn nghĩ được hưởng quyền lợi như trước.

Ngoài ra, khi phân nhóm các đối tượng tham gia BHYT chưa chi tiết, ghi chung một số nhóm đối tượng dẫn đến khó khăn trong xác định mức hưởng BHYT, như ghi nhóm “người có công với các mạng, cựu chiến binh…” thì hiện nay phân nhóm rõ hơn gồm “nhóm đối tượng người có công”, “nhóm đối tượng là cựu chiến binh”. Với quy định mới này trong Nghị định 146, cơ quan BHXH đã có hướng dẫn bổ sung trong thực hiện để xác định mức hưởng đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Liên quan đến hoạt động BHYT trường học, trước đây quy định để lại 7% cho hoạt động KCB tại trường, Nghị định 146 quy định giảm chỉ còn 5% cho đơn vị khám sức khỏe ban đầu. Vướng mắc hiện nay là một số nhà trường không sử dụng được nguồn quỹ này, do nghị định yêu cầu chứng chỉ hành nghề của người KCB ở trường học, nhiều trường không có bác sỹ, người có chứng chỉ hành nghề, vì vậy quỹ này không sử dụng được. Do vậy, rất nhiều trường học có ý kiến điều chỉnh nội dung này, hoặc có hướng dẫn bổ sung để tận dụng nguồn lực cho hoạt động y tế trường học.

Một điểm quan trọng nữa là việc quy định các điều khoản liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB BHYT, làm cơ sở pháp lý và kỹ thuật để cơ quan BHXH, cơ sở KCB triển khai thực hiện, giúp giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, tăng hiệu quả quản lý, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

ông khảm

Ông Lê Văn Khảm

Bổ sung đối tượng, đảm bảo công bằng chính sách BHYT

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đề nghị hướng dẫn chi tiết hơn tổng mức thanh toán của các đơn vị và các chi phí phát sinh so với năm trước. Các cơ sở KCB kiến nghị Bộ Y tế có hướng dẫn chi tiết hơn việc xác định các chi phí phát sinh này. Còn về trường hợp chuyển dịch vụ kỹ thuật đến đơn vị khác để thực hiện, BHXH Việt Nam đề nghị bổ sung thêm danh mục cụ thể để giám định và thực hiện thanh toán.

Phương hướng giải quyết thời gian tới

Để giải quyết những vướng mắc trên, ông Khảm cho hay, Bộ Y tế tiếp tục phổ biến, tập huấn Nghị định 146 cho các cơ sở KCB và cơ quan BHXH hiểu đúng nội dung và tinh thần của nghị định, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể những trường hợp có cách hiểu khác nhau.

Cùng với đó, đến kiểm tra tại các cơ sở KCB xem việc triển khai nội dung thế nào, để tìm hiểu những vướng mắc, thắc mắc đến từ đâu, từ cách hiểu văn bản hay quá trình triển khai về mặt kỹ thuật.

Từ đó, những đề xuất nào của cơ sở KCB hoặc của các ngành liên quan thấy cần thiết bổ sung thì tiến hành bổ sung ngay. Đơn cử như các trường học không có người có chứng chỉ hành nghề KCB, thì nhà trường phải hợp đồng với trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa khu vực để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu ở nhà trường, mới sử dụng được nguồn quỹ đó.

Đồng thời, yêu cầu bổ sung hướng dẫn về quản lý điều trị bệnh tật, vừa phục vụ công tác chuyên môn, ngoài ra làm công cụ để cơ sở KCB chuyển gửi các dịch vụ xét nghiệm phù hợp với phạm vi chuyên môn mà không cần thiết phải chuyển bệnh nhân đi.

“Với vai trò và trách nhiệm của Bộ Y tế,thì Bộ ghi nhận những kiến nghị của người bệnh có thẻ BHYT về quyền lợi, để điều chỉnh danh mục thuốc, vật tư thuộc phạm vi thanh toán của BHYT theo thẩm quyền” - ông Khảm cho biết./.

Đức Việt