Tham dự cuộc họp còn sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, các Sở giao dịch chứng khoán, cùng lãnh đạo một số công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ gặp khó

Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, từ đầu năm đến nay, các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan. Dự kiến năm 2022, GDP vẫn đạt mức tăng trưởng khoảng 8%, thu ngân sách nhà nước khả năng tăng trên 14%, CPI trong tầm kiểm soát dưới 4%, nợ công, nợ chính phủ trong hạn mức cho phép,...

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh khoản dòng tiền và niềm tin của nhà đầu tư suy giảm. Điều này cần sớm có giải pháp để các thị trường này hồi phục, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững trong trung và dài hạn, hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.

Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Minh.
“Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp như giảm thuế (233 nghìn tỷ đồng), thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin,… để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch. Tuy nhiên, không ai hiểu rõ thực trạng và khó khăn của mình bằng chính các doanh nghiệp, những đề xuất của doanh nghiệp cũng sẽ mang tính thực tiễn cao; do vậy, chúng ta cần chung sức, đồng lòng để tháo gỡ khó khăn, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, giúp thị trường vốn nói chung và TPDN nói riêng hồi phục, từ đó hỗ trợ thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Bộ trưởng cho biết, thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2022 đã trải qua những phiên điều chỉnh giảm mạnh bắt đầu từ tháng 4 và tiếp tục nằm trong xu hướng giảm điểm cho tới nay, trong đó có những nhịp phục hồi ngắn hạn vào tháng 5 và tháng 8. Tính đến ngày 21/11/2022, chỉ số VN-Index đạt 960,65 điểm, giảm 6,5% so với cuối tháng trước và giảm 35,9% so với cuối năm 2021. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 21/11/2022 ước đạt 4.967 nghìn tỷ đồng, giảm 36,1% so với cuối năm 2021, tương đương 58,6% GDP.

Cùng với điểm số, thanh khoản của thị trường cũng có xu hướng giảm, với giá trị giao dịch bình quân giảm từ 26.299 tỷ đồng/phiên trong tháng 4 xuống còn 12.124 tỷ đồng/phiên trong tháng 11. Lũy kế từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 20.735 tỷ đồng/phiên, giảm 22,1% so với bình quân năm trước.

Thông tin tại buổi họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã nhấn mạnh tới những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ. Khối lượng phát hành có xu hướng giảm, tính đến ngày 11/11/2022, tổng khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ là 329.296 tỷ đồng, giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tại thời điểm 30/9/2022, tổng dư nợ TPDN riêng lẻ đang lưu ký là 1.260,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản chiếm 35,8% (451.159 tỷ đồng), trái phiếu của các tổ chức tín dụng chiếm 32,26% (406.545 tỷ đồng), các doanh nghiệp sản xuất chiếm 9,05%; các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ và xây dựng chiếm lần lượt 8,12% và 4,8%.

Về kế hoạch đáo hạn trái phiếu, tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022 là 55.989 tỷ đồng; đáo hạn năm 2023 là 282,16 nghìn tỷ đồng; năm 2024 là 362,9 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng cũng cho rằng, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường TPDN đã suy giảm và hiện đang ở mức thấp. “Một số cá nhân, tổ chức sai phạm bị cơ quan chức năng xử lý và kết hợp với việc nhiều tin đồn thất thiệt đã tác động mạnh tới tâm lý của nhà đầu tư trái phiếu. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã tiến hành rút vốn ồ ạt TPDN trước hạn, gây khó khăn cho doanh nghiệp phát hành và tạo rủi ro cho thị trường chung” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Chính vì vậy, Bộ trưởng mong muốn các thành viên thị trường, các doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp cụ thể thiết thực để lấy lại niềm tin trên thị trường, cùng chung tay kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ “điểm nghẽn” về thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế, hỗ trợ kinh tế đất nước tăng trưởng ổn định.

Gỡ khó về thanh khoản dòng tiền và niềm tin của nhà đầu tư

Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp đã phát biểu ý kiến về những khó khăn đang hiện hữu trên thị trường và đề xuất giải pháp đối với các cơ quan quản lý. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, thị trường vốn, bao gồm cả thị trường chứng khoán và TPDN đang gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi bật hai vấn đề lớn là thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế đang bị “ngưng tắc” và niềm tin của nhà đầu tư đã bị suy giảm.

Cũng theo chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp, hiện các doanh nghiệp đang gặp khó trong việc tiếp cận các kênh vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn từ kênh ngân hàng rất khó khăn do room tín dụng đã hết, đồng thời, lãi suất vay đã tăng rất cao. Thị trường chứng khoán thời gian qua suy giảm nên doanh nghiệp cũng khó huy động vốn qua kênh này. Đối với kênh TPDN, sau các vụ việc đơn lẻ xảy ra tại Tân Hoàng Minh và An Đông, niềm tin của nhà đầu tư giảm mạnh, hành động rút vốn ồ ạt diễn ra, gây sức ép rất lớn cho việc trả nợ trước hạn của doanh nghiệp, đặc biệt lại trong bối cảnh thanh khoản dòng tiền gặp khó khăn.

Chính vì vậy, tại cuộc họp, các doanh nghiệp đều đồng thuận đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ cần sớm có giải pháp để tạo thanh khoản dòng tiền cho nền kinh tế và lấy lại niềm tin đối với nhà đầu tư, để hỗ trợ thị trường chứng khoán và TPDN hồi phục, tăng trưởng trở lại.

Tại cuộc họp, đại diện các thành viên thị trường và doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, dòng vốn lưu động của các ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng, do vậy các ngân hàng cần nới room tín dụng để hỗ trợ dòng tiền ngắn hạn cho doanh nghiệp vượt khó khăn trước mắt.

Cũng tại cuộc làm việc, đại diện nhiều doanh nghiệp khẳng định, mặc dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng đang tìm nhiều giải pháp để huy động vốn đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo dòng tiền và đặc biệt sẽ ưu tiên cho việc trả gốc, lãi TPDN cho nhà đầu tư.

Cùng với đó, phần lớn các ý kiến đều thống nhất, cần đẩy mạnh truyền thông cải thiện niềm tin trên thị trường vốn, đặc biệt là TPDN riêng lẻ. Đánh giá của các doanh nghiệp cho thấy, định hướng của Nghị định 65/2022/NĐ-CP là phù hợp với xu thế phát triển dài hạn của thị trường TPDN riêng lẻ; tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cần nghiên cứu để nới lỏng hoặc có lộ trình áp dụng một số quy định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề xuất các cơ quan quản lý tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành TPDN ra công chúng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần xem xét việc sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN để các ngân hàng có thể tham gia mua lại trái phiếu đã phát hành, vì hiện nay lượng trái phiếu các ngân hàng đang nắm giữ là rất lớn.

Đại diện nhiều doanh nghiệp khẳng định, mặc dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng đang tìm nhiều giải pháp để huy động vốn đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo dòng tiền và đặc biệt sẽ ưu tiên cho việc trả gốc, lãi TPDN cho nhà đầu tư.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBCKNN, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, các Sở giao dịch chứng khoán cũng phát biểu chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Đồng thời, các đơn vị này cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, cũng như đề nghị các doanh nghiệp đẩy mạnh truyền thông để cải thiện niềm tin cho nhà đầu tư. Về phía UBCKNN, lãnh đạo Ủy ban cam kết sẽ tạo mọi điều kiện, cải cách thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu ra công chúng đảm bảo đúng với quy định pháp luật.

Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi hop. Ảnh: Đức Minh.

Cùng doanh nghiệp gỡ khó và bảo vệ lợi ích hợp pháp nhà đầu tư

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, việc phát triển thị trường TPDN là chủ trương đúng đắn và cần tiếp tục khơi thông kênh dẫn vốn quan trọng này cho doanh nghiệp. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước và chính các doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để công chúng đầu tư hiểu rõ về bản chất của thị trường, cũng như chính hoạt động và sức khỏe của doanh nghiệp.

Đối với vấn đề hoàn thiện pháp lý, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, nghiên cứu tổng thể các văn bản pháp lý, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của thị trường.

Riêng với Nghị định 65, Bộ sẽ đánh giá, xem xét, nghiên cứu và nếu cần sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng nới quy định hoặc lộ trình áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ.

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đề nghị các doanh nghiệp tìm mọi giải pháp để đảm bảo khả năng trả nợ trái phiếu đúng hạn cho nhà đầu tư. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tập trung cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, các dự án khả thi, hiệu quả, tránh đầu tư vốn dàn trải để có nguồn vốn cho việc thanh toán TPDN cho nhà đầu tư.

Người đứng đầu ngành Tài chính cũng khẳng định, cơ quan quản lý sẽ tạo mọi điệu kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng đảm bảo đúng quy định pháp luật; tuy nhiên, về phía doanh nghiệp cũng cần quan tâm hơn tới kênh phát hành hiệu quả này.

Cũng liên quan tới đề xuất của doanh nghiệp về room tín dụng và các khó khăn về pháp lý dự án trên thị trường bất động sản, Bộ trưởng cho biết sẽ có trao đổi với các bộ, ngành liên quan và báo cáo với Chính phủ./.