Bộ Tài chính sẽ cố gắng kiểm soát bội chi giúp ổn định kinh tế vĩ mô
Thứ trưởng Võ Thành Hưng khẳng định: Năm 2022 Việt Nam tự tin hơn, chủ động hơn về nguồn lực phòng chống dịch.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Thành Hưng đã chia sẻ một số thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và điều hành tài chính - ngân sách của Việt Nam thời gian qua.

Cụ thể, vừa qua, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Năm 2021, trước tình hình dịch bệnh, ngân sách nhà nước phải điều chỉnh chính sách thu, thực hiện miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân với khoảng 125 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó là tăng chi ngân sách cho các hoạt động phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, với sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và sự chủ động của ngành Tài chính, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công vẫn được quản lý ổn định. Việt Nam đã chủ động cân đối nguồn lực từ năm 2020; dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 thận trọng hơn nên khi kết thúc năm vẫn vượt thu lớn so với dự toán, giúp kiểm soát bội chi ngân sách.

Năm 2022, nhận định tình hình dịch bệnh vẫn có thể tiếp tục gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Vì vậy, Việt Nam phải dành nguồn lực cho phòng chống dịch ngay trong dự toán 2022.

"Nhờ đó, năm 2022 Việt Nam tự tin hơn, chủ động hơn về nguồn lực phòng chống dịch. Ngay từ đầu năm, Quốc hội đã quyết định gói hỗ trợ khoảng 350 nghìn tỷ đồng cho phục hồi và phát triển kinh tế, hướng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động, củng cố hệ thống y tế, đầu tư hạ tầng thiết yếu, cung cấp tín dụng cho các đối tượng khó khăn... Đến nay, thu ngân sách của Việt Nam tương đối ổn định. Đến hết tháng 5/2022, thu ngân sách nhà nước đạt 57% dự toán năm" - Thứ trưởng Võ Thành Hưng chia sẻ.

Trong bối cảnh còn nhiều thách thức khách quan như biến động tình hình thế giới, xung đột Nga - Ukraine, việc các nước đã rút dần các gói hỗ trợ, tăng lãi suất, Bộ Tài chính vẫn đánh giá, tình hình kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, cân đối ngân sách được đảm bảo, lạm phát có tăng nhưng chậm hơn nhiều nước; bội chi ngân sách sẽ tăng so với 2021...

"Chúng tôi sẽ cố gắng kiểm soát bội chi ngân sách ở mức vừa phải, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn" - Thứ trưởng nói.

Nhân buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cảm ơn ADB đã hỗ trợ Việt Nam trong suốt thời gian qua. Nhiều dự án do ADB hỗ trợ đã được triển khai thành công và mang lại nhiều hiệu quả lớn.

Thứ trưởng mong muốn ADB tiếp tục có sự hỗ trợ cho Việt Nam để phục hồi và phát triển kinh tế, đặc biệt là thực hiện các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu đã cam kết tại COP 26.

Bộ Tài chính sẽ cố gắng kiểm soát bội chi giúp ổn định kinh tế vĩ mô
Hai bên trao đổi nhiều vấn đề xung quanh nguồn vốn vay của ADB cho Việt Nam trong thời gian tới.

Vui mừng trước những chia sẻ của lãnh đạo Bộ Tài chính, ông Takahiro Yasui cho rằng, tốc độ tăng trưởng dương là bài học thành công của Việt Nam so với các quốc gia khác có tăng trưởng âm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đại diện ADB cũng nhận định rằng, trong năm nay, kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc để đạt những bước tiến mới.

Cũng theo ông Takahiro Yasui, trong khi nhiều quốc gia phải tăng nợ công thì Việt Nam đã thành công trong điều hành chính sách tài khóa, quản lý nợ công, xếp hạng tín nhiệm tăng hơn 1 bậc so với trước kia là những thành công rất lớn mà Việt Nam đã đạt được.

Các quốc gia khác phải gánh chịu nợ tăng, dư địa tài khóa hạn chế nhưng Việt Nam lại có nhiều dư địa để thực hiện các chính sách của mình. Việc quản lý tài khóa hiệu quả đã giúp Việt Nam có vị thế tài khóa và trạng thái nợ rất tốt trong giai đoạn hiện nay.

"Chúng tôi mong muốn được góp sức mình đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và chúc Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa thành công hơn nữa"- ông Takahiro Yasui bày tỏ.

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Thành Hưng đã giải đáp nhiều vấn đề do Giám đốc điều hành ADB ở các khu vực khác tham gia trong đoàn về các nội dung như nguồn vốn vay của ADB cho Việt Nam trong thời gian tới, nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu, phát hành trái phiếu xanh, khả năng quản lý ngân sách và các nguồn vốn vay của địa phương, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn nay nước ngoài.../.