Chuẩn hóa và thống nhất quy định

Dự thảo thông tư quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là văn bản pháp luật được Tổng cục Hải quan dày công nghiên cứu, soạn thảo và lấy ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp và đơn vị có liên quan.

Theo Tổng cục Hải quan, thông tư mới này sẽ thay thế Thông tư số 38/2018/TT-BTC, Thông tư số 62/2019/TT-BTC, Thông tư số 47/2020/TT-BTC, Thông tư số 07/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và bổ sung hướng dẫn về kiểm tra xuất xứ hàng hóa của Hiệp định RCEP. Trong đó, rất nhiều quy định mới tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, phù hợp với thực tiễn và khắc phục được vướng mắc hiện tại.

Điển hình như, quy định về hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), dự thảo cho phép doanh nghiệp nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc bản scan từ bản gốc/bản chính thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Trường hợp C/O được cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN hoặc được cấp trên trang thông tin điện tử theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu, người khai hải quan không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ.

Về thời điểm nộp được sửa đổi theo hướng kéo dài thời hạn được nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, đối với hàng hóa áp dụng thuế ưu đãi đặc biệt, dự thảo cho phép thời hạn nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ là 1 năm, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Doanh nghiệp được nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan dưới dạng dữ liệu điện tử. Ảnh: Châu  Anh
Doanh nghiệp được nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan dưới dạng dữ liệu điện tử. Ảnh: Châu Anh

Việc ban hành thông tư mới cũng nhằm chuẩn hóa và thống nhất quy định về việc kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế. Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Đào Duy Tám, tại thời điểm Thông tư 38/2018/TT-BTC được ban hành, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP,...) chưa được ký kết để triển khai nên chưa có hướng dẫn tại thông tư này. Bên cạnh đó, cần pháp lý hoá một số hướng dẫn của Bộ Tài chính như về thời điểm nộp C/O, trừ lùi C/O cho hàng hóa gửi kho ngoại quan đang ở dạng công văn hướng dẫn. Do đó, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính để ban hành thông tư hợp nhất các thông tư nêu trên.

Trên cơ sở đánh giá rà soát tổng thể quá trình thực hiện các thông tư, đã có nhiều bất cập trong quản lý về xuất xứ hàng hóa như: cách thức quản lý kiểm tra chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho các doanh nghiệp được cấp phép theo mã REX (Hiệp định EVFTA), mã EORI (UKVFTA), CE (Hiệp định ATIGA sửa đổi và Hiệp định RCEP),…. Bên cạnh đó, nhiều yêu cầu quản lý theo cách tiếp cận mới như áp dụng bảo lãnh cho hàng hóa nợ, chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ, hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cần được bổ sung và hướng dẫn cụ thể ở thông tư để cơ quan hải quan có cơ sở pháp lý thực hiện...

Công cụ giúp thúc đẩy thương mại

Theo bà Bùi Kim Thùy - Đại diện cấp cao tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, chuyên gia Dự án Liên minh toàn cầu về tạo thuận lợi thương mại, xuất xứ hàng hóa có thể sử dụng như một phương tiện, công cụ giúp thúc đẩy hoạt động thương mại hợp pháp, hợp lý, tiết kiệm nguồn lực thay vì được sử dụng như là công cụ để cản trở thương mại và vô hình trung tạo thành rào cản trong hoạt động thương mại.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đánh giá rất cao các hoạt động của ban soạn thảo cũng như Hải quan Việt Nam trong quá trình tham vấn lấy ý kiến các bên liên quan để có bản dự thảo với nhiều điều khoản theo hướng tạo thuận lợi thương mại. Trong rất nhiều điểm cải cách phải kể đến việc điều chỉnh cụm từ “ngày” thành “ngày làm việc” tại dự thảo thông tư. Cụm này tuy nhỏ nhưng rất có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị hồ sơ chứng từ trong trường hợp phải nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan.

Thêm quy định mới đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hải quan

Tổng cục Hải quan nhận định, dự thảo thông tư mới sẽ đáp ứng yêu cầu triển khai các hoạt động liên quan đến hiện đại hóa hải quan, tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các hình thức mới về chứng nhận xuất xứ. Đồng thời, hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Hải quan, Nghị định số 59/NĐ-CP về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; Nghị định số 31/2018/NĐ-CP về xuất xứ hàng hóa và thực hiện theo các cam kết quốc tế về xuất xứ mà Việt Nam là thành viên.

Góp ý về xây dựng thông tư mới, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, Hiệp định RCEP có ý nghĩa rất lớn với ngành dệt may, để được hưởng thuế suất ưu đãi thì việc cấp C/O hết sức quan trọng. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhiều ý kiến của doanh nghiệp đã được ban soạn thảo tiếp thu. Hiệp hội mong rằng khi thông tư được ban hành và có hiệu lực, cần có sự thống nhất trong cách hiểu và cách thực thi của các cục hải quan tỉnh, thành phố.

Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan hải quan trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn thương mại, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện các thông tư quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hiện nay Tổng cục Hải quan đã tổng hợp các ý kiến đóng góp và hoàn thiện dự thảo trình các cấp có thẩm quyền xem xét.