Cân bằng các sức ép, tỷ giá và lãi suất sẽ sớm ổn định
Theo giới phân tích, tỷ giá USD/VND chịu ảnh hưởng lớn từ các biến động kinh tế toàn cầu. Ảnh tư liệu

PV: Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND biến động trong tháng 2/2025, nhà điều hành liên tục “thả nổi” giá bán USD cho các ngân hàng thương mại, thấp hơn 50 VND so với giá trần, thay vì neo cứng tỷ giá USD liên ngân hàng và bán quỹ dự trữ ngoại hối như giai đoạn trước đó. Ông đánh giá thế nào về công tác điều hành chính sách tỷ giá trong bối cảnh còn nhiều sức ép?

Cân bằng các sức ép, tỷ giá và lãi suất sẽ sớm ổn định
Ông Đinh Đức Quang

Ông Đinh Đức Quang: Trong những tuần đầu năm 2025, theo đánh giá của UOB, tỷ giá giao dịch USD/VND trên thị trường tiếp tục diễn biến bình thường, với các biến động tăng/giảm theo nhu cầu mua bán tùy từng thời điểm. Chúng tôi ghi nhận tỷ giá giao dịch trên thị trường quanh mức 25.400 - 25.500 VND/USD vào cuối năm 2024 và đến ngày 25/2/2025, tiếp tục được giao dịch quanh mức 25.450 - 25.550 VND/USD.

Tỷ giá bán niêm yết tại các ngân hàng thương mại có thể cao hơn một chút nhưng thường được áp dụng cho các giao dịch nhỏ lẻ, trong khi các khách hàng mua bán số lượng lớn vẫn tiếp tục được các ngân hàng chào giá cạnh tranh. Thị trường cũng có thông tin trạng thái ngoại hối tổng thể tại các ngân hàng thương mại đang có mức dương khá lớn, điều này cho thấy cung - cầu ngoại tệ đang ổn định.

Chúng tôi nhiều lần phân tích về chính sách quản lý ngoại hối của cơ quan quản lý, trong đó, nhấn mạnh trọng tâm quản lý tỷ giá USD/VND ổn định trên cơ sở hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, hỗ trợ xuất khẩu và phù hợp với diễn biến tỷ giá, lãi suất so với các đồng tiền từ các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Cơ quan quản lý không cố định hay neo cứng tỷ giá này, vì Việt Nam đang tiến đến nền kinh tế thị trường, do vậy không có lý do gì để chúng ta cố định tỷ giá bằng cách luôn luôn sử dụng dự trữ ngoại hối can thiệp.

Ngoài công cụ bán can thiệp từ dự trữ ngoại hối, cơ quan quản lý còn nhiều cách thức và công cụ khác như lãi suất, can thiệp ngoại hối kỳ hạn và các giải pháp mang tính dài hạn như thu hút giải ngân FDI, FII, M&A…

Chúng tôi cũng ghi nhận tỷ giá USD/VND ổn định, tức là tiền đồng chưa lên giá so với USD trong vài tuần đầu năm 2025, trong khi một số đồng tiền khác trong khu vực (Rupie Indonesia, Yên Nhật, Won Hàn Quốc, Thái Bat, Đôla Singapore…) tăng khoảng 1 - 3% so với USD.

Dự báo biến động tỷ giá 2 - 3% nhờ những nhân tố tích cực

Với dự báo lãi suất USD có thể chỉ giảm từ nửa sau năm 2025, dự báo tỷ giá USD/VND có thể đạt mức 26.000 VND vào quý II, quý III và sẽ giảm nhẹ vào cuối năm 2025. Mức biến động 2-3% này dựa trên tổng thể tích cực từ dự báo Việt Nam tiếp tục có được thặng dư thương mại, thu hút đầu tư FDI, vốn vay nước ngoài, nguồn thu kiều hối và nguồn thu ngoại tệ từ khách du lịch quốc tế.

Điều này phù hợp với các báo cáo phân tích trước đó của chúng tôi với nhận định Việt Nam (kinh tế, đồng tiền…) vẫn tiếp tục chịu áp lực trước các chính sách thương mại khó đoán định từ Mỹ trong năm 2025, trong khi Việt Nam thuộc các quốc gia có thặng dư thương mại lớn từ Mỹ và tăng trưởng của chúng ta dựa rất lớn vào hoạt động thương mại quốc tế.

Một diễn biến khác cũng cần chú ý là các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên thị trường chứng khoán cho thấy, chúng ta cần tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ để giải quyết bài toán này.

PV: Theo ông, từ góc độ quốc tế, nhân tố nào khiến căng thẳng tỷ giá vẫn tiếp diễn năm 2025 và khiến Ngân hàng UOB từng dự báo tỷ giá USD/VND có thể lên tới 26.000 VND trước khi quay đầu giảm?

Ông Đinh Đức Quang: Dựa vào các số liệu kinh tế từ Mỹ, chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm rằng lãi suất USD sẽ được cắt giảm rất chậm trong năm 2025, với mức cắt giảm khoảng 0,25% sớm nhất vào giữa năm 2025. Như vậy, mặt bằng chung lãi suất USD sẽ tiếp tục ở mức cao quanh mức 4%. Đây là mức lợi tức hấp dẫn cho một đồng tiền dự trữ quốc tế với mức độ an toàn và thanh khoản rất cao.

Chính quyền mới tại Mỹ đang đề cập nhiều đến các biện pháp thuế quan, tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy điều này vẫn đang ở mức độ thăm dò nhằm mục đích đẩy nhanh các đàm phán thương mại trên cơ sở các bên đều có lợi. Biện pháp áp thuế cao vẫn có tác dụng ngược, khi làm tăng giá cả hàng hóa, qua đó, gây áp lực lên lạm phát tại Mỹ làm chậm đi mong muốn cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn. Chính quyền mới cũng nhiều lần đưa ra quan điểm ủng hộ chính sách lãi suất USD thấp hơn (đồng USD yếu hơn) để thúc đẩy tiêu dùng, thị trường nhà ở và xuất khẩu.

Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng ổn định và vượt trội so với phần còn lại (EU, Nhật Bản, Trung Quốc…) trong khi lạm phát tại Mỹ vẫn chưa giảm xuống mức thấp như kỳ vọng. Đây là các yếu tố then chốt để cơ quan quản lý tại Mỹ cân nhắc khi nào cắt giảm lãi suất chính sách.

Khi thị trường Mỹ chưa thực sự bắt đầu nới lỏng tiền tệ thì các thị trường còn lại sẽ chưa thể mạnh tay cắt giảm lãi suất. Tất cả các thị trường trên thế giới đều cố gắng giữ dòng vốn USD ở lại thị trường mình trong tổng thể cân bằng các yếu tố lợi tức từ lãi suất và tỷ giá; Việt Nam không nằm ngoài tổng thể đó.

PV: Ông đưa ra lời khuyên thế nào với doanh nghiệp khi tỷ giá USD/VND biến động khó dự đoán như hiện nay?

Ông Đinh Đức Quang: Một lần nữa chúng tôi nhấn mạnh quan điểm từ cơ quan quản lý với mục tiêu ổn định lãi suất, tỷ giá nhưng không cố định hay neo cứng, vì kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng theo hướng kinh tế thị trường vốn rất cần sự linh hoạt.

Do vậy, giải pháp tốt nhất chúng tôi cũng khuyến nghị đến các doanh nghiệp là việc quản lý dòng tiền chặt chẽ. Trên cơ sở có được kế hoạch sử dụng dòng tiền, dòng vốn chi tiết, các ngân hàng và doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng được kế hoạch huy động vốn, chuyển đổi ngoại tệ đúng thời điểm có lợi nhất.

Chúng tôi cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xây dựng quy chế tài chính chi tiết hóa việc sử dụng các sản phẩm, công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất một cách hợp lý để tối ưu hóa quá trình vận hành hoạt động kinh doanh, đầu tư của mình.

PV: Xin cảm ơn ông!