Bổ sung cơ chế để chống biến tướng, chống lợi ích nhóm

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) cho rằng, xã hội hoá, liên doanh liên kết là chủ trương rất đúng đắn, góp phần bù đắp những thiếu hụt về ngân sách dành cho y tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai thời gian qua cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Cử tri phản ánh tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, lạm dụng chỉ định dịch vụ cao quá mức cần thiết, gây tốn kém cho người dân, và bảo hiểm y tế. Đặc biệt, qua theo dõi các vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế, đại biểu nhận thấy, việc “thổi giá” không chỉ xảy ra trong các vụ án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, mà còn được phát hiện qua việc triển khai các đề án liên doanh liên kết, hợp tác đặt máy móc thiết bị khám chữa bệnh tại một số bệnh viện.

Nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều, nhưng theo các chuyên gia, thì một trong những nguyên nhân quan trọng là hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng, dẫn đến vừa khó khăn cho các bệnh viện trong triển khai, vừa dễ gây rủi ro, nhất là dễ bị lợi dụng, cấu kết nhóm lợi ích, gây thiệt hại cho bệnh nhân và gây thiệt hại cho nhà nước. Để khắc phục tồn tại bất cập này, phải sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Nguyễn Thị Thủy
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp băn khoăn khi dự thảo chỉ duy nhất có điều 90 quy định về xã hội hoá, liên doanh liên kết, lại chỉ quy định chung chung, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra. “Nguồn lực trong xã hội còn rất lớn, nếu ban hành quy định cụ thể, đầy đủ về xã hội hoá liên doanh liên kết sẽ giúp cho các bệnh viện có thêm nhiều trang thiết bị hiện đại, mang lại lợi ích cho bệnh nhân, cho nền y tế nước nhà” - đại biểu cho hay.

Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị phải quy định cụ thể trong dự thảo luật nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hoá trong lĩnh vực y tế; bổ sung các cơ chế để chống biến tướng, chống lợi ích nhóm; bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hoá liên doanh liên kết ở các địa phương.

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) cho rằng, việc liên doanh, liên kết hiện nay chủ yếu là bệnh viện công, liên doanh, liên kết với bệnh viện tư. Theo đại biểu, có nhiều khó khăn trong vấn đề liên doanh, liên kết xảy ra trong thời gian qua: khó khăn về định giá quyền sử dụng đất, định giá tài sản trên đất; khó khăn về thương hiệu của cơ sở y tế công lập để tính tỷ lệ phân chia giữa bệnh viện công và bệnh viện tư; khó khăn liên quan đến định giá tài sản của bệnh viện tư liên doanh liên kết; khó khăn liên quan đến thời gian hợp đồng thực hiện liên doanh, liên kết. Vì vậy, trong thời gian qua có tình trạng lạm dụng các chi phí xét nghiệm, chi phí liên quan đến người bệnh trong sử dụng tài sản liên doanh, liên kết.

Đại biểu cho biết, vì chưa có quy định rõ về nội dung này, không quy định rõ công tư phân định trong Điều 90, dẫn đến làm thủ tục hành chính còn rườm rà, cụ thể là nếu bệnh viện công lập muốn liên doanh, liên kết với một bệnh viện tư thì cần phải lập đề án trình UBND tỉnh, UBND tỉnh xin ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh dẫn đến rất rườm rà trong cải cách hành chính. Đại biểu đề nghị Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần phải quy định rõ nội dung này.

Quy định lạc hậu, nhiều bất cập

Đây cũng là vấn đề được đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên Huế) đề nghị điều chỉnh. Mục 3 của Điều 90 đề cập hoạt động liên doanh, liên kết, thuê dịch vụ hoặc cho thuê dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước. Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho rằng, điều này cần phải phân tích cụ thể hơn để tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở y tế hoạt động. Theo đó, vấn đề ở chỗ là người đứng đầu bệnh viện phải có kiến thức quản lý hoạt động liên kết như thế nào phù hợp. Trước đây, có Thông tư 15 của Bộ Y tế nhưng quá trình thực hiện cho thấy đã lạc hậu và phát hiện có nhiều bất cập. Người quản lý của các hoạt động liên kết này phải làm thế nào để có sự giám sát, kiểm tra và việc đánh giá trong từng giai đoạn để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của bệnh viện, bệnh nhân và nhà đầu tư. Có như vậy, hoạt động liên doanh, liên kết mới tiếp tục phát triển được.

Bên lề
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi cùng các đại biểu bên lề phiên họp

Phát biểu giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong điều kiện nước ta là một nước đang phát triển vươn lên có thu nhập trung bình, nước ta được rất nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức chuyên về chăm sóc sức khỏe và y tế đánh giá là nước có các mặt công tác y tế tốt hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập trên thế giới. Kết quả đó không chỉ đến từ những nỗ lực trong công tác xây dựng pháp luật, thể chế, chính sách, sự điều hành của cả hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương, mà còn đến từ sự nỗ lực đáng trân trọng của đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là trong thời khắc khó khăn và sự tham gia của đông đảo người dân.

Liên quan đến đề xuất được nhiều đại biểu quan tâm và các bệnh viện rất quan tâm là việc xã hội hóa, liên doanh, liên kết các bệnh viện công, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, vấn đề này cần phải có các giải pháp đột phá. Hiện nay mặc dù chúng ta thực hiện Luật 2009 đã có bước chuyển rất lớn, nhưng đến giờ mới có 318 bệnh viện tư thục, 38 nghìn các phòng khám tư nhân, đáp ứng 5,16% tổng số gường bệnh. Đây là một tỷ lệ rất thấp, chúng ta cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến nhiều luật khác nên cần có sự phối hợp chặt chẽ.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), tròn 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ đại biểu thấy luật pháp về y tế bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật như bây giờ. Đặc biệt, hơn 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã càn quét làm sức khỏe nhân dân bị tổn thương nặng nề, yêu cầu chống dịch như chống giặc đã bộc lộ bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Cán bộ y tế đã và đang gồng mình chống dịch, họ đã làm ngày làm đêm bất chấp nguy hiểm, khó khăn. Những quy định của luật pháp không còn phù hợp khiến hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở xin thôi việc hay những vụ việc tiêu cực đang được đưa ra ánh sáng…, và thiệt hại thòi lớn nhất tại xảy ra cho chính người bệnh.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự, về cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế về các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y và đặc biệt hơn là cả hoàn thiện thể chế, đồng bộ những vấn đề về pháp lý trong ngành y tế.