gia vang hom nay

Sau khi chỉ giảm nhẹ 10 ngàn đồng/lượng trong ngày hôm qua (24/7), bước sang phiên giao dịch hôm nay (25/7), giá vàng SJC tiếp tục giảm thêm 50 ngàn đồng/lượng.

Cụ thể, đầu giờ giao dịch sáng ngày 25/7, giá vàng SJC niêm yết trên hệ thống bảng giá trực tuyến của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn đứng ở mức 36,56 – 36,68 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 50 ngàn đồng/lượng so với giá chốt cuối ngày 24/7.

Mức giá này hầu như không có biến động và giữ nguyên cho đến lúc 14 giờ 01 chiều và so với mức giá chốt cuối tuần trước, giá vàng SJC hiện tại đã giảm 170 ngàn đồng/lượng.

Cùng thời điểm đầu giờ chiều nay, giá vàng SJC niêm yết tại hiệu vàng Phú Nhuận cũng đứng ở mức 36,60 – 36,67 triệu đồng/lượng. Còn tại hệ thống DOJI toàn quốc, giá vàng SJC ở chiều mua vào đứng ở mức giá 36,60 triệu đồng/lượng, còn giá bán ra ở giao dịch buôn là 36,64 triệu đồng/lượng – thấp hơn giao dịch lẻ 10 ngàn đồng/lượng và thấp hơn mức giá niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn tới 40 ngàn đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng trên thị trường thế giới hiện đã giảm khá xa mốc 1.300 USD/ouce. Cụ thể, vào lúc 14 giờ 06 chiều nay (26/7), giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch Singapore đứng ở mức giá 1.292,02 USD/ouce – tương đương 33,11 triệu đồng/lượng (qui đổi theo tỷ giá ngân hàng thương mại), thấp hơn giá vàng SJC bán ra khoảng gần 3,6 triệu đồng/lượng.

Mức chênh lệch này hiện đã doãng thêm gần 300 ngàn đồng/lượng so với cuối tuần trước.

vang sjc
Diễn biến giá vàng SJC trong tuần từ 21 - 25/7. Nguồn: sjc.com.vn

Trong phiên giao dịch trước đó (ngày 24/7), giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch Singapore có lúc đã từng rơi xuống 1.287,46 USD/ounce - mức thấp nhất kể từ 19/6. Phiên đêm qua (24/7) trên Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX), giá vàng giao tháng 8/2014 giảm 13,9 USD, giao dịch ở mức 1.290,8 USD/ounce.

Theo thống kê sơ bộ, tính chung từ đầu tuần đến nay, giá vàng trên thị trường thế giới đã mất gần 1,4% giá trị và đang hướng đến tuần giảm giá thứ hai liên tiếp.

Diễn biến này của thị trường vàng được giới phân tích nhìn nhận là do có áp lực sau khi hàng loạt số liệu về thực trạng các nền kinh tế chủ chốt được công bố. Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006, cho thấy thị trường lao động đang dần phục hồi.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng Bảy của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 18 tháng đã tạo lực đẩy cho thị trường chứng khoán toàn cầu, khiến sức hấp dẫn của vàng trở nên lu mờ.

Ở một diễn biến khác, thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên hôm qua cũng không biến động nhiều so với phiên trước đó. Đóng cửa phiên 24/7, hai trong ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall giảm nhẹ, trong đó Dow Jones Industrial Average giảm nhẹ 2,83 điểm (0,02%) xuống 17.083,80 điểm; Nasdaq Composite mất 1,59 điểm (0,04%) xuống 4.472,11 điểm. Riêng S&P 500 vẫn tăng tiếp 0,97 điểm (0,05%) lên 1.987,98 điểm - nhích lên kỷ lục cao mới phiên thứ hai liên tiếp.

Còn tại thị trường chứng khoán châu Âu, đóng cửa phiên 24/7, cả ba chỉ số chủ chốt của khu vực đều tăng điểm, trong đó FTSE 100 của Anh tăng 0,34% lên 6.821,46 điểm; DAX 30 của Đức tăng 0,42% lên 9.794,06 điểm, trong khi CAC 40 của Pháp tiến 0,78% lên 4.410,65 điểm.

Sang phiên sáng 25/7 trên thị trường châu Á, các sàn chứng khoán chủ chốt trong khu vực đang phân hóa trái chiều. Theo đó, thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) đang tăng 0,31%; Tokyo cũng nhích tăng 0,57% và Seoul tăng 0,22%. Các thị trường Hong Kong lại giảm 0,11% và Sydney đang tạm giảm 0,27%./.

Đỗ Minh (tổng hợp)