Phó Thủ tướng chỉ đạo chưa xem xét điều chỉnh tăng giá điện Giảm hơn 1.170 tỷ đồng tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh phía Nam Bộ Công thương đề xuất cho EVN tăng giá điện Giá điện gần tăng gấp đôi, trở thành hàng hoá đắt đỏ nhất ở Italy

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/1, đại diện các bộ ngành đã trả lời nhiều câu hỏi về các vấn đề đang được quan tâm như điều chỉnh giá điện, chính sách xây dựng nhà ở xã hội...

Điều chỉnh giá điện hợp lý, hạn chế tác động đến đời sống người dân

Trả lời câu hỏi về quan điểm của Bộ Công thương trước đề nghị của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) xin cơ chế điều chỉnh giá điện như giá xăng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay giá xăng dầu được điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày. Đối với giá điện, tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định hàng quý EVN cập nhật chi phí phát điện của quý trước liền kề, dự kiến thông số đầu vào của khâu phát điện của các quý còn lại trong năm để tính toán lại giá bán lẻ điện bình quân. Nếu thông số đầu vào trong khâu phát điện thay đổi, làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.

Chi phí tăng, giá điện đã 4 năm chưa điều chỉnh

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải

Tuy nhiên, giá điện có đặc trưng khác với giá xăng dầu. Vào giai đoạn mùa mưa, lượng nước về các hồ thủy điện nhiều, các nhà máy thủy điện (có chi phí phát điện thấp) được huy động điều độ phát nhiều, dẫn đến tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện thấp hơn so với trong mùa khô khi phải huy động nhiều hơn các nguồn nhiệt điện có giá đắt hơn do nhà máy thủy điện không có đủ lượng nước để phát nhiều, đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế và nhu cầu của người dân.

Chính vì vậy, trong Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg đã quy định rõ thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, để phản ánh sự biến động khách quan của chi phí nêu trên. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất là vào ngày 20/3/2019. Như vậy, đã gần 4 năm giá điện chưa được điều chỉnh.

Trong khi đó, giai đoạn vừa qua, thế giới chứng kiến sự biến động khó lường của giá năng lượng, giá điện tăng cao ở nhiều nước trên thế giới, một số quốc gia đã phải cắt giảm điện luân phiên. Bên cạnh đó, tác động cộng hưởng của căng thẳng địa chính trị tại châu Âu, biến động tỷ giá giữa đồng USD và nhiều đồng tiền khác, áp lực của lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh điện nói riêng và chi phí sản xuất kinh doanh nói chung trên toàn cầu, đã tác động mạnh làm giá điện tăng cao ở nhiều nước trên thế giới.

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, số liệu thống kê cho thấy giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện bình quân 10 tháng đầu năm 2022 tăng hơn 150% so với bình quân năm 2021, giá than trộn trong nước cho đến hết quý III/2022 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc đã tăng so với đầu năm khoảng hơn 50%. Những điều này đã làm cho chi phí sản xuất và mua điện tăng cao so với dự kiến đầu năm.

Hiện tại, Chính phủ đã giao Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý phương án đề xuất của EVN theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg để xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện trên cơ sở đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, đầy đủ tác động đến lạm phát và đặc biệt là đời sống người dân đang còn gặp nhiều khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh vừa qua và trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường trong thời điểm hiện nay.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương sẽ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định để việc điều chỉnh giá điện hợp lý, hạn chế tác động ở mức thấp nhất đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân khi điều chỉnh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Tháo gỡ vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội

Đối với câu hỏi tháo gỡ vướng mắc cho việc xây dựng nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, trước việc nhiều doanh nghiệp phải chờ đợi rất lâu trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để thúc đẩy đầu tư các dự án nhà ở nói chung, trong đó có các dự án nhà ở xã hội. Qua đó nhiều giải pháp đã được đưa ra.

Thứ nhất, sửa đổi các quy định pháp luật, trong đó Chính phủ đã sửa đổi một số điều tại Nghị định 100 về đầu tư phát triển nhà ở xã hội; Nghị định 49 cũng đã sửa đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, làm rõ các quy định theo hướng dễ thực hiện. Cùng với đó, Chính phủ cũng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tại thông báo Kết luận số 242 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ các nhiệm vụ của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương phải tích cực triển khai thực hiện các dự án nhà ở, bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Chi phí tăng, giá điện đã 4 năm chưa điều chỉnh

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Về nguồn lực cho nhà ở xã hội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, có 2 nguồn lực cho nhà ở xã hội. Nguồn thứ nhất là từ ngân sách nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, ngân sách đã cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội gần 3.163 tỷ đồng. Nguồn thứ hai là theo chương trình phục hồi kinh tế-xã hội, theo đó giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, với con số 15 nghìn tỷ đồng.

Từ 2 nguồn này, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay được gần 10.000 tỷ đồng, cho 27.894 khách hàng vay để mua nhà ở xã hội. Ngoài ra, có nguồn ngân hàng thương mại cho vay những lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ người dân mang tính chất thương mại nhưng giá rẻ, trực tiếp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân./.