Phải chủ động giành quyền đánh thuế
Có tham luận gửi đến hội thảo, bà Hương Vũ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn EY Việt Nam cho rằng, gần tới thời điểm áp dụng của các Quy tắc Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu, nhiều quốc gia đã và đang thể hiện những phản ứng rất nhanh chóng và tích cực trong việc thực thi các quy tắc này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Đức Minh. |
Xem xét ảnh hưởng của các quy tắc này đến các quốc gia, cần phân biệt theo hai nhóm đối tượng: Nhóm các nước đi đầu tư (xuất khẩu vốn) và Nhóm các nước nhận đầu tư (nhập khẩu vốn). Việt Nam thuộc nhóm thứ hai. Trong cuộc chơi này, mỗi quốc gia đều có sự tự chủ nhưng đều phải rất chủ động để bảo về quyền lợi của chính mình, vì không có cách nào để đứng ngoài cuộc.
Có cơ chế bù đắp phần nào những thiệt thòi trong ngắn hạn của doanh nghiệp “Về hướng dẫn thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, cần phải tham khảo kinh nghiệm các nước. Chúng ta cần có cơ chế chính sách, để bù đắp phần nào những thiệt thòi ngắn hạn của các doanh nghiệp FDI khi phải bổ sung phần thuế không nhiều đó” - TS. Cấn Văn Lực thẳng thắn nói. |
Đối với các nhà đầu tư thuộc đối tượng áp dụng của Trụ cột 2, các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mà Việt Nam cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài vốn được coi như một công cụ thu hút đầu tư rất hiệu quả từ trước tới nay, sẽ không còn phát huy tác dụng như trước nữa.
“Vì vậy, với vị trí là một nước tiếp nhận đầu tư, bài toán về chính sách đặt ra cho Việt Nam tại thời điểm này cần đạt được hai mục tiêu quan trọng: Việt Nam cần chủ động giành quyền đánh thuế và Việt Nam cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi để đảm bảo cạnh tranh hiệu quả trong thu hút đầu tư nước ngoài” - bà Hương Vũ nhận định trong bài viết của mình.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế chung trên toàn cầu cùng lúc các quy tắc mới về thuế tối thiểu được áp dụng, đây có thể xem như là tác động kép đối với các doanh nghiệp. Đối tượng ảnh hưởng của các quy tắc này lại là các doanh nghiệp lớn mà Việt Nam đang muốn thu hút. Theo bà Hương Vũ, tại thời điểm này sự đồng hành của Chính phủ với nhà đầu tư là yếu tố đặc biệt quan trọng hơn bao giờ hết để giữ chân và thu hút “đại bàng”.
Theo các chuyên gia, Chính phủ cần có những đàm phán, trao đổi với các nhà đầu tư bị ảnh hưởng để họ tự nguyện từ bỏ việc áp dụng các điều khoản ổn định tài khóa và nộp thuế tại Việt Nam; đồng thời cũng cần có các biện pháp hỗ trợ hiệu quả, kịp thời để đảm bảo lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp khi tiếp tục hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Cân nhắc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn
Theo bà Vũ Thu Ngà - Phó Tổng giám đốc Tư vấn thuế, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, câu chuyện trở nên rõ ràng và đơn giản hơn: Cải cách thuế toàn cầu với thông điệp “tạo ra một sân chơi bình đẳng về thuế”, “ngăn chặn cuộc đua xuống đáy”, “chống lại dịch chuyển lợi nhuận và xói mòn cơ sở thuế của các tập đoàn đa quốc gia do kỹ thuật số hóa nền kinh tế” là một công cụ chính trị thành công để các nước lớn giành lại nguồn thu và giá trị đầu tư của mình.
Vậy Việt Nam nên làm gì? Theo bà Vũ Thu Ngà, trong bối cảnh động thái rõ ràng của các nước đang phát triển và các nước là đối thủ cạnh tranh đầu tư như trên, nếu Việt Nam không làm gì (không tham gia vào cuộc cạnh tranh mới) thì chắc chắn sẽ đối mặt với 2 vấn đề: Thứ nhất, mất đi nguồn thu thuế bổ sung tiềm năng từ thu nhập phát sinh tại quốc gia của mình mà sau đó rồi cũng sẽ bị đánh thuế bổ sung ở bất kỳ quốc gia khác. Thứ hai, ảnh hưởng lợi thế cạnh tranh đầu tư một cách tiêu cực nếu các nước khác thay đổi chính sách đầu tư và chính sách thuế mà đem lại lợi ích tài chính cho các công ty hơn.
Phiên thảo luận nhận được sự đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức quốc tế. Ảnh: Đức Minh. |
Do đó, theo các chuyên gia, để đảm bảo đủ năng lực để tiếp tục tham gia cuộc cạnh tranh mới, Việt Nam nên cân nhắc rất nhiều vấn đề, trong đó cân nhắc áp dụng Cơ chế Thuế tối thiểu bổ sung nội địa theo chuẩn (QDMTT) từ 2024; cân nhắc các chính sách hỗ trợ/ưu đãi đầu tư mới nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp hơn với bối cảnh hậu Trụ cột 2.
“Dưới bất kỳ hình thức nào, nếu Việt Nam chỉ giữ lại quyền đánh thuế hoặc thu thêm phần thuế bổ sung mà không có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng thì sẽ gây bất lợi cho vị thế cạnh tranh thu hút đầu tư” - bà Vũ Thu Ngà nhận định.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, bà Hương Vũ đề xuất Việt Nam nên luật hóa thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn (QDMTT) áp dụng đối với các đối tượng bị ảnh hưởng của Trụ cột 2 và Việt Nam nên có các chính sách hỗ trợ đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo bà Hương Vũ, trong cuộc chơi mới mang tính toàn cầu, Chính phủ nên chấp nhận việc phải đối điện với những khó khăn và thách thức, đồng thời chủ động và mạnh dạn trong việc sử dụng các nguồn lực để tiếp cận và hội nhập với các tiêu chuẩn quốc tế. Các đơn vị tư vấn quốc tế luôn sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ, OECD cũng sẵn sàng có các hỗ trợ về kỹ thuật và khuyến nghị phù hợp với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vì một mục tiêu chung trong việc thực hiện các quy tắc này.
Theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019, mục tiêu vốn đăng ký đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 – 300 tỷ USD (40 - 50 tỷ USD/năm), theo đó nếu không có phương án xử lý tốt, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng đến việc đạt được mục tiêu trên.
Có ý kiến cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề như: Bao nhiêu thuế bổ sung thêm sẽ được dùng để hỗ trợ doanh nghiệp? Đối tượng doanh nghiệp nào sẽ được hưởng ưu đãi này? Cũng như mức hỗ trợ tính toán trên cơ sở chi phí nào và mức bao nhiêu là phù hợp? Ngoài ra, cần lưu ý các biện pháp bù đắp hoặc hỗ trợ dù theo hình thức nào nên được thiết kế hợp lý để không bị xem là lợi ích liên quan trực tiếp đến đối tượng của Trụ cột 2, đặc biệt trong trường hợp Việt Nam áp dụng QDMTT.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, hội thảo là hết sức cần thiết, nhìn từ đánh giá tác động, kinh nghiệm các nước và bài học cho Việt Nam về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo bà Nguyễn Vân Chi, tính toán tác động là rất quan trọng, cái gốc phải đi từ tác động của các doanh nghiệp FDI. Khi tính toán tác động, quan trọng là cách tính mức thuế suất hiệu quả. Chính sách phải đảm bảo hài hòa, công bằng và dễ thực hiện. Ngoài ra, cần phải tham khảo kinh nghiệm của các nước, nhất là các chính sách đã được các nước áp dụng trên thực tế.
Hiến kế tại hội thảo, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực khẳng định, có 3 tác động lớn tác động đến Việt Nam, đó là: cuộc đua xuống đáy về thuế của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam; tăng thêm một chút phần thu thuế (các nước đã phát triển được hưởng lợi nhiều hơn); cơ hội cải cách (cải cách thuế và cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, các nước phải phối hợp).
Về kiến nghị giải pháp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nên thực hiện quyền đánh thuế và chủ động trong thực hiện. “Về hướng dẫn thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, cần phải tham khảo kinh nghiệm các nước. Chúng ta cần có cơ chế chính sách, để bù đắp phần nào những thiệt thòi ngắn hạn của các doanh nghiệp FDI khi phải bổ sung phần thuế không nhiều đó” - TS. Cấn Văn Lực thẳng thắn nói.
Về hỗ trợ, theo vị chuyên gia này cần phải thực hiện theo 4 nguyên tắc cụ thể sau: chuẩn của OECD; không cào bằng, phải gắn với lĩnh vực, quy mô và công nghệ; phải khả thi trong hỗ trợ; phải phù hợp với chiến lược đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, chúng ta cần phải rà soát một số luật liên quan. Quốc hội cần ban hành nghị quyết về vấn đề này. Bên cạnh đó, liệu có cần đặt ra sửa một số luật, như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các luật thuế… Đồng thời, chúng ta cần chủ động nâng cao năng lực nội địa, chỉ khi mạnh hơn mới thu hút đầu tư, đặc biệt liên quan đến cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; sớm kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý thuế; cần có lộ trình triển khai cụ thể, từ nay đến 31/12/2023./.
Rất nhiều ưu đãi hút vốn nước ngoàiĐể thu hút vốn đầu nước ngoài, Việt Nam áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (thuế TNCN), tiền thuê đất, thuê mặt nước… cao hơn doanh nghiệp Việt Nam. Tuy hiện nay, không còn chính sách ưu đãi thuế khác biệt giữa doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng ưu đãi thuế của Việt Nam còn ở mức hấp dẫn đối với đầu tư mới theo địa bàn hoặc lĩnh vực đầu tư, gồm ưu đãi về thuế suất và ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế. Thuế suất thuế TNDN mức phổ thông là 20%, nhưng thuế suất ưu đãi là 10%, ưu đãi miễn 4 năm… Riêng đối với dự án đầu tư đặc biệt còn được áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi 9% trong thời gian 30 năm; 7% trong thời gian 33 năm; 5% trong thời gian 37 năm. Ngoài ra dự án đầu tư đặc biệt còn được miễn thuế TNDN từ 5 đến 6 năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp từ 10 đến 13 năm. |