Ngày 7/11/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị giao lưu trực tuyến với nhân dân và doanh nghiệp năm 2016, với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhân dân và doanh nghiệp”.
Nhiều thủ tục hành chính đã được cắt giảm
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian qua nhiều thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ đã được rà soát, đơn giản hóa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cắt giảm chi phí tuân thủ các thủ tục của xã hội.
Trong đó, nhiều thủ tục hành chính trong các lĩnh vực có liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp đã được cắt giảm, đơn giản hóa mạnh, như: Lĩnh vực quản lý đất đai giảm 30 thủ tục đối với nơi đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai; giảm 9 thủ tục đối với nơi chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai.
Đồng thời, một số thủ tục con hoặc công việc không cần thiết trong giao đất, cho thuê đất và đăng ký, cấp giấy chứng nhận đã được bãi bỏ; thời gian thực hiện thủ tục giảm so với quy định trước đây đối với tất cả các thủ tục; đơn giản hóa thành phần hồ sơ và số lượng hồ sơ phải nộp; lĩnh vực khoáng sản đã cắt giảm gần 40% thủ tục hành chính không cần thiết...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thẳng thắn nhìn nhận, “một số cơ chế, chính sách hiện vẫn còn bất cập, chưa theo kịp thực tiễn, chưa bắt kịp cơ chế thị trường và yêu cầu của quá trình hội nhập dẫn đến hiệu quả giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn chưa kịp thời, nhất là trong các lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường, quản lý tài nguyên nước”.
Bên cạnh đó, công tác triển khai trên thực tế còn nhiều bất cập. Còn nhiều người dân và doanh nghiệp chưa nắm vững quy trình thủ tục dẫn đến chưa đến đúng nơi phải nộp hồ sơ hoặc phải bổ sung hồ sơ làm phát sinh chi phí tuân thủ thủ tục. Ở một số cơ quan, một số địa phương còn có cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu năng lực; vẫn còn cán bộ, công chức lợi dụng chức trách nhiệm vụ, yêu cầu nộp thêm giấy tờ, hồ sơ ngoài quy định của pháp luật gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
“Đợt giao lưu trực tuyến này, ngoài việc giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nhân dân và doanh nghiệp, còn là dịp để Bộ TN&MT lắng nghe ý kiến phản hồi chính sách từ thực tiễn của người dân, doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về các lĩnh vực TN&MT. Đồng thời, qua giao lưu trực tuyến sẽ nhận được nhiều ý kiến của người dân và doanh nghiệp để tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh, kiến tạo cho phát triển, phục vụ tốt hơn nữa yêu cầu của người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
64% câu hỏi liên quan tới đất đai
Tại buổi giao lưu trực tuyến có nhiều câu hỏi của doanh nghiệp liên quan tới quy định thu hồi các dự án treo. Đại điện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định của Luật Đất đai, trường hợp đất đã được giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không sử dụng trong 12 tháng liên tục hoặc tiến độ chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ ngày bàn giao đất ngoài thực địa, thì chủ đầu tư được gia hạn tiến độ sử dụng thêm 24 tháng và phải nộp cho nhà nước một khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian này. Hết thời hạn 24 tháng được gia hạn này mà chủ đầu tư vẫn không đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất và không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp bất khả kháng do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bên cạnh đó, một số nội dung khác cũng được quan tâm như quy định về giao đất, cho thuê đất bồi thường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất qua mạng…
Buổi giao lưu trực tuyến cho thấy, đa phần các câu hỏi của người dân liên quan tới lĩnh vực đất đai. Trao đổi với báo chí, ông Tăng Thế Cường, Chánh Văn phòng Bộ TN&MT cho biết, từ nhiều năm nay Bộ TN&MT đã thực hiện giao lưu trực tuyến nhằm hoàn thiện những chính sách về tài nguyên và môi trường, tạo điều kiện tháo gỡ những vướng mắc cho người dân trên cả nước.
“Bộ tiếp nhận 116 câu hỏi và các Sở TN&MT tiếp nhận 358 câu hỏi. Lĩnh vực quản lý đất đai vẫn chiếm tỷ lệ câu hỏi cao nhất, chiếm 64%, tiếp đến là vấn đề môi trường (15%), địa chất khoáng sản là 6%, tài nguyên nước và các lĩnh vực đo đạc chiếm 4% mỗi lĩnh vực, vấn đề biển đảo hiện chưa có câu hỏi, vấn đề thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo hiện có 8% câu hỏi...”, ông Cường thông tin.
Lý giải về việc đất đai luôn là vấn đề nóng trong lĩnh vực quản lý của Bộ, ông Cường cho biết do đất đai là vấn đề liên quan sát sườn tới cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời đây cũng là lĩnh vực có nhiều nội dung như vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng, khiếu kiện, giao đất cho thuê đất, cấp sổ đỏ...
Ông Cường thông tin thêm, qua các lần giao lưu trực tuyến Bộ TN&MT coi đây là một kênh thông tin để tháo gỡ vướng mắc của người dân và doanh nghiệp, ngoài ra Bộ cũng thường xuyên thanh tra kiểm tra thực tế tại địa phương để nắm bắt những vướng mắc cụ thể, qua đó hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp./.
Hồng Quyên