Chính sách gia hạn thuế - "mũi tên trúng nhiều đích"

Đến thời điểm này có thể khẳng định, năm 2022 Việt Nam đã kịp thời đưa ra điều chính chính sách tài khóa mới, có tính bao trùm và tổng thể hơn để nhanh chóng đưa nền kinh tế thoát khỏi các ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra, chủ động ứng phó hiệu quả hơn với các rủi ro, thách thức mới.

Chính sách tài khóa đã được thực hiện chủ động, linh hoạt, chú trọng đến yêu cầu nâng cao tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình trong việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN). Về điều hành dự toán thu NSNN, năm qua đã chú trọng nhiều đến thực hiện thu đúng, thu đủ nguồn lực cho NSNN trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Nhờ đó, kết quả thu NSNN năm 2022 vượt dự toán ở mức cao nhất so với nhiều năm trở lại đây. Chi NSNN đảm bảo cân đối đủ nguồn lực cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Trên thực tế, việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất tuy không tác động đến cân đối NSNN nhưng đã tạo điều kiện thuận lợi, sự chủ động cho các doanh nghiệp trong bố trí dòng tiền, nhất là vào những thời điểm khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Từng đánh giá cao việc gia hạn tiền thuế, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc gia hạn thuế với số tiền lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng có tác dụng còn hơn cả việc miễn, giảm thuế. Số tiền lớn đó giúp doanh nghiệp có thể quay vòng, tổ chức sản xuất kinh doanh, cuối năm vẫn nộp thuế đủ cho NSNN. Chính sách này như là một "mũi tên trúng nhiều đích", vừa hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng ngược lại NSNN không bị ảnh hưởng, vẫn có đủ nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Nguồn: Bộ Tài chính     Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, các chính sách tài khóa năm 2022 đã coi trọng yêu cầu về đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia, trong bối cảnh vừa phải cân đối nguồn lực thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội và cho việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Điểm nổi bật trong điều hành chính là các giải pháp chi NSNN vừa linh hoạt, vừa chặt chẽ, được tính toán phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực và khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Phải đảm bảo an ninh tài khóa trong trung, dài hạn

Năm 2023 đặt ra rất nhiều thách thức. Việc thực hiện những chính sách để phòng, chống dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia trong những năm qua đã làm bội chi ngân sách và nợ công tăng cao, đặt ra các yêu cầu mới về đảm bảo an ninh tài khóa trong trung và dài hạn. Là quốc gia có độ mở lớn, các biến động từ bên ngoài đều có các ảnh hưởng nhanh, tức thì đến kinh tế của Việt Nam, nên sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới việc động viên nguồn lực cho NSNN.

Tình hình tài khóa của Việt Nam mặc dù đã có những cải thiện quan trọng, nhưng chưa thực sự bền vững. Thu NSNN hai năm gần đây tuy vẫn đạt mục tiêu đề ra, nhưng cơ cấu thu vẫn đang phụ thuộc vào các khoản chi không tái tạo, các khoản thu có tính chất một lần như thu từ giao quyền sử dụng đất. Thặng dư ngân sách thường xuyên có xu hướng giảm, kéo theo là mức độ tiết kiệm của NSNN cho đầu tư phát triển giảm so với trước. Trong khi đó, việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế củng cố thêm sự bền vững của quy mô và cơ cấu động viên NSNN theo các mục tiêu, định hướng được xác định trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đòi hỏi cần phải có thời gian thực hiện và phát huy hiệu quả trên thực tiễn.

Bội chi, nợ công được kiểm soát tốt

Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách tài khóa, các cân đối lớn về ngân sách nhà nước (NSNN) tiếp tục được đảm bảo. Điểm sáng là bội chi NSNN và nợ công được kiểm soát, chỉ số tín nhiệm quốc gia tiếp tục được cải thiện. Đến cuối năm 2022, bội chi ước đạt 3,8% GDP (thấp hơn so với mức dự kiến trước đó là khoảng 4,5% GDP), dư nợ công ước đạt 38% GDP, nợ chính phủ ước đạt 34,7% GDP, nợ vay nước ngoài của quốc gia ước đạt 36,8%, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ ước đạt 16,3% tổng thu NSNN, trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một thách thức khác, đó là giữa đòi hỏi phải tiếp tục có các chính sách hỗ trợ về tài khóa khuyến khích sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế và phục hồi tăng trưởng sau đại dịch và yêu cầu giảm dần bội chi NSNN đảm bảo bền vững tài khóa trong trung và dài hạn. Các vấn đề như ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo cũng cần phải có thêm nguồn lực từ NSNN để xử lý. Cùng với đó, các rủi ro liên quan đến thiên tai và các nghĩa vụ nợ dự phòng tiềm ẩn cũng đang đặt ra những thách thức mới cho yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn nền tài chính công.

Theo gợi ý của một số chuyên gia kinh tế, trong ngắn hạn, cần tiếp tục ưu tiên thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và trong việc ứng phó với các bất ổn kinh tế vĩ mô từ bên ngoài. Trong trung và dài hạn, các giải pháp về chính sách tài khóa cần được gắn với các yêu cầu về cơ cấu lại NSNN theo hướng bền vững; tăng cường hiệu quả, trách nhiệm giải trình của chi tiêu công, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Mở rộng không gian tài khóa để ứng phó với các bất ổn

Triển vọng tăng trưởng trong ngắn và trung hạn đối Việt Nam theo đánh giá của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế là tương đối tích cực. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 đã đạt mức kỷ lục của giai đoạn 10 năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn trong khi tình hình kinh tế, chính trị quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, khó lường và khó dự báo đòi hỏi chính sách tài khóa phải tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời đảm bảo được sự bền vững tài khóa trong trung và dài hạn. Các giải pháp về tài khóa phải đồng thời xử lý được các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài.

Trong trước mắt, chúng ta cần thực hiện điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong đó, Việt Nam cần coi đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố cốt lõi, là tiền đề quan trọng để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính ngân sách; kịp thời tháo gỡ các nút thắt, rào cản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, một mặt kích thích tổng cầu trong ngắn hạn, mặt khác góp phần nhanh chóng cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng trong nước, thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn; tiếp tục thực hiện các biện pháp đồng bộ để kiểm soát, tiết giảm chi thường xuyên, tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Về dài hạn, cần tiếp tục cải cách hệ thống chính sách thuế theo các định hướng đề ra; nâng cao hiệu quả và cơ cấu lại chi NSNN, ưu tiên phân bổ nguồn lực, tăng chi đầu tư phát triển. Ngoài ra, cần có lộ trình giảm dần mức bội chi NSNN khi nền kinh tế phục hồi ổn định, thu NSNN tăng trưởng khá, nhờ đó, đảm bảo duy trì được “không gian tài khóa” đủ rộng, ứng phó hiệu quả các biến động bất lợi của tình hình kinh tế vĩ mô trong tương lai.