PV: Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2023, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP (Nghị định số 12), với các chỉ đạo cụ thể về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2023… Ở thời điểm doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn hiện nay, chính sách này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

Chính sách tài khóa trợ lực hiệu quả để doanh nghiệp phục hồi, phát triển
Ông Đậu Anh Tuấn

Ông Đậu Anh Tuấn: Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 12 có ý nghĩa rất quan trọng. 2023 tiếp tục là một năm cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng ta đã thấy rõ được phần nào qua các chỉ số phát triển kinh tế của quý I/2023.

Khi doanh nghiệp khó khăn thì các nhóm giải pháp như gia hạn thuế và các nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn, chính là một sự trợ lực từ Nhà nước cho doanh nghiệp. Khi sản phẩm ra thị trường khó khăn, nguồn tiền khó khăn, thanh khoản chật vật thì giãn được các khoản thuế, phí thực ra là một giải pháp rất có ý nghĩa cho doanh nghiệp.

PV: Trong những năm qua, Bộ Tài chính có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những chính sách hỗ trợ này?

Ông Đậu Anh Tuấn: Trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, Chính phủ triển khai nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp. Phải nói là nhóm chính sách tài khóa thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính có ý nghĩa rất quan trọng với doanh nghiệp và được triển khai rất hiệu quả.

Trước hết là các chính sách được ban hành kịp thời. Tôi lấy ví dụ như chính sách giảm thuế GTGT 2% để thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội trong năm vừa rồi. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43 vào ngày 11/1/2022 thì chính sách được ban hành đầu tiên là giảm thuế GTGT, có hiệu lực ngay từ 1/2/2022, chỉ sau khi Quốc hội họp có hơn 2 tuần.

Việc giảm thuế này đã tác động rất tích cực đến sự phục hồi của tiêu dùng, kinh doanh trong năm 2022. Lưu ý thêm rằng, nhiều chính sách trong Nghị quyết 43 phải mất nửa năm sau mới được ban hành và có hiệu lực.

Chính sách tài khóa trợ lực hiệu quả để doanh nghiệp phục hồi, phát triển
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Thứ hai là các chính sách thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính được doanh nghiệp nhận biết rộng rãi và triển khai rộng khắp. Điều tra doanh nghiệp diện rộng của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại 63 tỉnh, thành phố trong 2 năm (2021 và 2022) đều cho thấy rằng, các chính sách giảm, giãn, hoãn thuế phí được các doanh nghiệp nhận biết nhiều nhất, được hưởng lợi nhiều nhất và đánh giá cao nhất.

PV: Từ kinh nghiệm xây dựng và ban hành chính sách những năm trước, để việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhanh và hiệu quả, cần lưu ý điều gì trong triển khai thực hiện Nghị định số 12/2023/NĐ-CP thưa ông?

Ông Đậu Anh Tuấn: Để triển khai hiệu quả Nghị định số 12, chúng tôi cho rằng hệ thống cơ quan thuế các cấp cần tăng cường hơn nữa phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh được biết. Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy chính sách rất tốt, hữu ích nhưng có thể nhiều doanh nghiệp không có đủ thông tin, không khai thác được hiệu quả các chính sách này.

Chính sách tài khóa hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp từ khi dịch Covid-19 xuất hiện

Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, có hiệu lực từ ngày 8/4/2020. Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, có hiệu lực từ ngày 9/4/2021. Nghị định 34/2022/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022, có hiệu lực từ ngày 28/5/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Mới đây nhất là Nghị định 12/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, có hiệu lực từ ngày 14/4/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Một đặc điểm quan trọng của doanh nghiệp Việt Nam là quy mô nhỏ, siêu nhỏ rất lớn và mức độ quan tâm, hiểu biết về chính sách chưa thực sự cao. Chính vì thế cùng với việc ban hành chính sách tốt, cần có những chính sách để thúc đẩy thực thi chính sách hiệu quả hơn nữa.

PV: Mặc dù còn phải chờ những bước đi cụ thể hơn nữa, nhưng với một loạt những chỉ đạo đã được Chính phủ đưa ra gần đây và đặc biệt là những giải pháp tại Nghị định số 12/2023/NĐ-CP, ông nhận định thế nào về triển vọng phục hồi của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thời gian tới?

Ông Đậu Anh Tuấn: Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục bất ổn với nhiều yếu tố bất trắc khó lường. Chiến tranh, xung đột vũ trang có thể tiếp tục leo thang với những hệ quả xấu với kinh tế. Thị trường tài chính, ngân hàng thế giới có những dấu hiệu rất đáng lo lắng ngay từ những tháng đầu năm.

Với doanh nghiệp xuất khẩu thì việc thị trường mua giảm sút mạnh là một khó khăn rất lớn. Rất nhiều ngành hàng phải đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm mạnh. Trong nước thì năm 2023 này tiếp cận vốn vẫn là một thách thức lớn khi lãi suất vốn vay ngân hàng ở mức cao, các kênh tiếp cận vốn khác từ trái phiếu, thị trường chứng khoán cũng không hề dễ dàng…

Như vậy triển vọng phục hồi của doanh nghiệp sau thời kỳ khó khăn vì Covid-19 đang gặp rất nhiều thách thức. Với bối cảnh như vậy, chúng tôi cho rằng cần có những chính sách trợ lực từ Chính phủ, từ các bộ, ngành mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Chúng tôi đánh giá rất cao gần đây đề xuất của Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ để trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế GTGT 2%. Các chính sách khác cùng cần theo định hướng hỗ trợ phục hồi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Khẩn trương triển khai thực hiện gia hạn nộp thuế

Để triển khai Nghị định 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2023 sớm đi vào cuộc sống, ngày 14/4/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công điện 02/CĐ-TCT chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện có hiệu quả các nội dung nêu tại Nghị định và chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Nghị định 12/2023/NĐ-CP quy định thời gian gia hạn như sau: Gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 5/2023 và quý I/2023; gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6/2023 và quý II/2023; gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7/2023; gia hạn 3 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8/2023.

Gia hạn 3 tháng đối với số thuế TNDN tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính thuế TNDN năm 2023; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế GTGT, thuế TNCN năm 2023 chậm nhất là ngày 30/12/2023; gia hạn 6 tháng đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023.

Người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất một lần cho toàn bộ số thuế, tiền thuê đất phát sinh trong các kỳ tính thuế được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế thì thời hạn chậm nhất là ngày 30/9/2023.