Chủ động, "3 cùng" để không bỏ lỡ  những dự án tỷ đô
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đồ họa: Văn Chung

PV: Những năm gần đây, ngày càng nhiều tập đoàn lớn, tập đoàn công nghệ quan tâm đến việc phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Tại Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ các doanh nghiệp FDI gần đây, các nhà đầu tư tiếp tục đánh giá Việt Nam một thành tố rất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Chủ động, "3 cùng" để không bỏ lỡ  những dự án tỷ đô
TS. Phan Hữu Thắng

TS. Phan Hữu Thắng: Tôi thấy rất mừng vì ngày càng nhiều các nhà sản xuất lớn, nằm trong chuỗi cung ứng của toàn cầu đã đến và chọn Việt Nam. Đó là các “đại bàng” mà chúng ta đã thấy xuất hiện rất nhiều trên truyền thông thời gian qua. Có thể kể đến nhưng tên tuổi như: Intel, Bosch, Panasonics, Kyocera, Foxconn, Samsung, LG… ở những năm trước 2020 và từ 2021 đến nay là những tên tuổi đỉnh cao mới như: ASML (Hà Lan), Amkor (Hàn Quốc), Lam Research (Mỹ), Seojin (Hàn Quốc), Infineon Technologies AG (Đức), Victory Giant Technology (Trung Quốc), Synopsys (Mỹ), BOE (Trung Quốc)…

Như vậy họ đã đánh giá năng lực của doanh nghiệp Việt Nam đã cao hơn trước. Sự có mặt của Samsung Intel, Foxconn... cũng cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta đã có nhiều cải thiện. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rất tích cực tham gia và hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù chúng ta cũng tự thấy còn nhiều vấn đề cần cải thiện, nhưng dưới con mắt các nhà đầu tư thì họ thấy đến Việt Nam đầu tư yên tâm hơn.

Hợp tác phát triển chuỗi sản xuất thông minh

Ngày 26/3 tới đây, ISC cùng nhóm các doanh nghiệp phát triển bất động sản công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ sẽ tổ chức Hội nghị - Diễn đàn về chuỗi sản xuất thông minh & Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 (VGMF2024). VGMF2024 nhằm mục tiêu tạo ra một nền tảng giao lưu và báo cáo kiến nghị cho các cơ quan Chính phủ; sân chơi giao lưu giữa các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một điều mừng nữa là khi càng nhiều các nhà đầu tư chọn chúng ta, thì ta cũng có quyền lựa chọn ai vào đầu tư, chứ không chỉ thụ động đợi các nhà đầu tư chọn chúng ta.

PV: Cùng với sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, đây có thể coi là một giai đoạn mới trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài, theo tinh thần của Nghị quyết 50-NQ/TW hay không, thưa ông?

TS. Phan Hữu Thắng: Trong gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong thu hút đầu tư nước ngoài, với những kết quả rất tích cực nhưng cũng có những khía cạnh chưa như kỳ vọng.

Trong bối cảnh hiện nay, xu thế đầu tư cũng khác trước rất nhiều. Vì thế Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 (Nghị quyết 50) của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, chứ không phải là nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài.

Quan điểm được nhấn mạnh tại Nghị quyết 50 là hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đây cũng chính là xu hướng chủ đạo trong sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu. Việt Nam không thể thay đổi hay đứng ngoài xu hướng. Vì vậy, chúng ta phải chủ động càng sớm càng tốt để đón nhận các dòng đầu tư mà chúng ta mong muốn. Chỉ khi chủ động biết đón nhận thì chúng ta mới giữ được chất lượng, giữ được định hướng, giữ được hợp tác quốc tế với tất cả các nước trong khu vực. Những sự hợp tác, liên kết này sẽ mang lại lợi ích, bảo đảm quyền lợi của tất cả các bên tham gia, bảo đảm nguyên tắc cùng thắng "win-win".

PV: Để có thể chủ động lựa chọn dòng đầu tư theo mong muốn, theo ông chúng ta cần tập trung vào vấn đề gì?

TS. Phan Hữu Thắng: Mỗi giai đoạn trong thu hút đầu tư nước ngoài đều có thuận lợi, khó khăn khác nhau. Giai đoạn hiện nay, bên cạnh các vấn đề đã được nhắc đến như cải thiện môi trường đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển các khu công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài trong một giai đoạn mới nhiều thách thức. Xu thế hiện nay, các nhà đầu tư sẽ chủ yếu chọn đặt nhà máy trong các khu công nghiệp, khu kinh tế chứ không còn đặt ở ngoài. Vai trò của các khu công nghiệp hiện nay rất lớn, riêng với đầu tư nước ngoài thì chiếm đến khoảng 70% lượng vốn, chưa kể về xuất khẩu, thu hút lao động và còn có các đóng góp khác.

Việc tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư hình thành một hệ thống khu công nghiệp hiện đại theo xu thế mới như là khu công nghiệp sinh thái, khu công nghệ cao, khu công nghiệp chuyên biệt/chuyên sâu… là rất cần thiết trong giai đoạn mới. Có như vậy chúng ta mới không bỏ lỡ các dự án tỷ đô công nghệ cao.

Ở trong nước có không ít doanh nghiệp lớn đủ tiềm lực, năng lực để xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp hiện đại, xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các tập đoàn lớn. Vấn đề là làm sao có được tinh thần "3 cùng" như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp FDI mới đây “Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để phát triển kinh tế nói chung và phát triển xanh nói riêng; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển”.

PV: Xin cảm ơn ông!