Hàng hóa, thực phẩm thiết yếu tăng mạnh

Khảo sát thị trường Hà Nội cho thấy, người dân chịu thêm áp lực lớn do giá nhiều hàng hóa, thực phẩm thiết yếu tăng mạnh theo giá xăng dầu.

Chị Nguyễn Liên Hương - cư trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, hàng ngày đi chợ mà giá cả mặt hàng nào cũng tăng "chóng cả mặt". Chưa khi nào giá cả tiêu dùng lên cao như vậy. Đụng cái gì cũng tăng giá, mà thu nhập vẫn giữ nguyên.

Nhiều mặt hàng như rau củ quả tăng từ 5.000-7.000 đồng. Đơn cử như rau muống tăng từ 20.000 đồng/mớ lên mức 25.000 đồng/mớ, bắp cải tăng từ 18.000 đồng/kg lên khoảng 22.000 đồng/kg... trứng gà cũng tăng từ 5.000-7.000 đồng/chục, lên mức 35.000 đồng/chục.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Hồng Vân

Mỗi lần xăng dầu tăng giá lại khiến cho người dân lo lắng bởi giá xăng tăng 500 đồng - 1.000 đồng nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng tăng mạnh đến 20%- 30%. “Một số sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khác cũng tăng giá như dầu ăn Simply tăng 15.000 đồng, lên mức 79.000 đồng/chai 1 lít; mì tôm Omachi tăng 20.000 đồng, lên mức 250.000 đồng/thùng (30 gói) - chị Liên Hương nói.

Không chỉ người dân bị tác động mạnh do giá tăng mà các tiểu thương kinh doanh cũng đau đầu vì giá đầu vào tăng. Một chủ quán bán bún, miến, phở trên phố Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay, nhiều năm luôn giữ ở mức giá 30.000 đồng/bát nay phải tăng thêm 5.000 đồng/bát để bù giá.

Giá xăng dầu tăng cao cũng khiến cho hoạt động kinh doanh vận tải và giới tài xế chạy xe công nghệ cũng khốn khó.

Anh Tuấn Anh - shipper của Grab cho biết, trước đây mỗi ngày có ít nhất 25 đơn hàng, giá cước mỗi đơn trung bình khoảng 15.000 đồng, trừ đi tiền xăng còn khoảng 10.000 đồng. Tính ra mỗi ngày thu nhập ít nhất được hơn 200.000 đồng. Nhưng hiện nay thu nhập chỉ còn khoảng phân nửa do giá xăng liên tục, trong khi các app vẫn chưa có động thái chia sẻ với tài xế.

Ứng phó với thách thức trong điều hành giá

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế do lực đẩy của giá xăng liên tục tăng dẫn tới chỉ số lạm phát (CPI) 5 tháng đầu năm 2022, tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng 4, tăng 2,86% so với tháng 5/2021. Thực tế này, Chính phủ và các bộ, ngành đã và đang triển khai quyết liệt các biện pháp giảm nhiệt giá xăng, kiềm chế lạm phát, giảm gánh nặng cho người dân.

Ngày 22/6, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 179/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp ngày 13/6/2022 về điều hành giá một số nhóm mặt hàng. Trong đó, đề cao các giải pháp điều hành giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao cho Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo, xây dựng trước các kịch bản cụ thể, sát với tình hình thực tế giúp cho công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành.

Chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo các bộ quản lý ngành phối hợp UBND các tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Mục đích để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật Giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp.

Đặc biệt, tại kết luận, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu. Về các giải pháp liên quan đến xăng dầu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, nước ta đã đảm bảo đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của người dân, mặc dù sản xuất trong nước, đặc biệt là ở Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang gặp khó khăn. Trong thời gian tới, Bộ Công thương khẳng định, sẽ ưu tiên nguồn xăng dầu trong nước nhưng doanh nghiệp phải có cam kết rõ ràng và phải công bố cụ thể. Phần còn lại sẽ bổ sung từ nguồn nhập khẩu.

Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công thương cho biết thêm, Bộ Công thương đã có văn bản để chỉ đạo 10 doanh nghiệp đầu mối trong việc tăng cường nhập khẩu, duy trì nguồn cung xăng dầu trong nước. Thời gian gần đây, cùng với việc sử dụng cơ sở dữ liệu, công nghệ thông tin, Bộ Công thương đã nắm bắt được rõ ràng nguồn cung xăng dầu trên thị trường, từ đó đảm bảo cân đối cung cầu trong nước. Đối với vấn đề giảm thuế xăng dầu, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính và các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu trong nước để nắm bắt kịp thời tình hình thị trường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vấn đề giảm thuế.