Chủ động ứng phó với các thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại
Lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển ma túy lớn đầu năm 2023. Ảnh: Hải quan Quảng Trị

Phức tạp trên tất cả các tuyến

Trên tuyến biên giới đất liền, ông Lê Thanh Hải - Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho hay, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa của các đối tượng trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc giảm đáng kể, do hoạt động rào chắn trên toàn tuyến biên giới; hoạt động gian lận thương mại, trốn thuế chuyển hướng qua các cửa khẩu trọng điểm.

Tuyến biên giới Việt Nam – Lào nổi lên các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, động thực vật hoang dã, đường cát, nội tạng động vật đông lạnh, rượu, mỹ phẩm… qua biên giới các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Trong khi đó, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia chủ yếu là các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại; buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ, đường cát, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, thực phẩm qua các tuyến biên giới các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.

Cũng theo ông Hải, trên biển và địa bàn liên quan, các đối tượng lợi dụng hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, động vật hoang dã, hàng điện tử đã qua sử dụng; buôn lậu, vận chuyển hàng hóa có lợi nhuận cao như dầu (DO, FO), than, quặng, phế liệu, dược phẩm, thực phẩm chức năng… tại các cảng biển như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, vùng biển Đông Bắc, Tây Nam... có chiều hướng gia tăng sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 28.028 vụ việc vi phạm

Quý I/2023, các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 28.028 vụ việc vi phạm (giảm 11,24% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 1.345 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 68,34% so với cùng kỳ năm 2022); 25.595 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 14,54% so với cùng kỳ năm 2022); 1.088 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 30,93% so với cùng kỳ năm 2022).

Thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 28.037 vụ việc vi phạm. Trong đó, xử lý 25.167 vụ vi phạm hành chính; 2.179 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 7.932 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 1.325 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ.

Qua đường hàng không và bưu chính quốc tế, các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, các loại hàng hóa, tiền tệ… như ma túy tổng hợp, vũ khí, vật liệu nổ, thuốc lá điếu ngoại, sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, các loại hàng hóa có giá trị cao…

Trong nội địa, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ vẫn còn diễn ra.

Các đối tượng làm giả các loại hàng hóa tiêu dùng phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 như bánh kẹo, mỳ chính, rượu, xăng dầu, thuốc, thuốc tân dược... Các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, mua sắm trên trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện… để mua bán, vận chuyển, trà trộn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng trên nhiều tỉnh, thành phố.

Đối tượng vi phạm chủ yếu là người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa, xe mô tô, chủ các hộ, cơ sở kinh doanh cố định, lưu động… Hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, thực phẩm không rõ nguồn gốc (nội tạng động vật, đồ ăn chế biến sẵn đông lạnh…), quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em… gia tăng, diễn biến phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tại một số tỉnh, thành phố, hoạt động mua bán trái phép hóa đơn với số lượng đặc biệt lớn có dấu hiệu gia tăng.

Tiếp cận những thủ đoạn mới

Phát biểu tại hội nghị giao ban công tác quý I/2023 và tổng kết Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tổ chức ngày 11/5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Chỉ đạo ghi nhận, biểu dương những thành tích mà các lực lượng đã đạt được trong thời gian qua.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị phải tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực của các cán bộ. “Ví dụ trong thương mại điện tử, hiện nay phát triển từng ngày từng giờ, ta phải giỏi, phải cập nhật mới có đủ khả năng phát hiện được các vi phạm” - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các lực lượng, nhất là trong việc trao đổi thông tin vừa đảm bảo kịp thời, vừa đảm bảo bí mật. Phó Thủ tướng yêu cầu trong 10 ngày tới, các đơn vị, bộ, ngành, địa phương tổng hợp những kiến nghị cụ thể về những nội dung cần điều chỉnh, sửa đổi trong quy chế phối hợp, các quy định để tạo điều kiện cho công tác phối hợp, gửi về Văn phòng thường trực tổng hợp tham mưu tới Ban chỉ đạo 389 quốc gia.

Khen ngợi công tác truyền thông về hoạt động này vừa qua đã làm khá tốt, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy, tuyên truyền tích cực hơn nữa về các vụ việc để cảnh báo; đồng thời tập trung tuyên truyền về tiêu dùng thông minh để định hướng người dân hướng tới sử dụng hàng hóa chất lượng, không tiếp tay cho hàng lậu, gian lận và hàng giả.

Ghi nhận những khó khăn mà các lực lượng phải đối diện trong quá trình đấu tranh, Phó Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các đơn vị sát sao hơn. “Phải quản lý được anh em, những người trực tiếp tiếp xúc với sự cám dỗ. Mình làm không tròn vai sẽ phải chịu trách nhiệm với tư cách người đứng đầu’ – Trưởng ban Chỉ đạo 389 nhấn mạnh.

Kiên quyết thu thập thông tin trước để chống buôn lậu hiệu quả

Trong những tháng đầu năm 2023, hoạt động mua bán, vận chuyển các chất ma túy qua đường hàng không quốc tế gia tăng cả về số vụ việc và khối lượng tang vật vi phạm. Đặc biệt là hoạt động vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp trên các chuyến bay từ châu Âu, Hoa Kỳ qua các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất vào Việt Nam có chiều hướng tăng.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, tính đến 10/5/2023, riêng tuyến hàng không, lực lượng hải quan đã bắt trên 500kg ma túy với gần 60 đối tượng. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Tài chính, hai lực lượng đã phối hợp bắt giữ không chỉ tang vật, hàng hóa mà còn quyết liệt truy bắt được các đối tượng.

Theo lãnh đạo ngành Hải quan, đây là việc “rất vất vả” vì các đối tượng liên quan đến ma túy thường rất manh động, trang bị vũ khí nóng. Ngoài ra, việc truy bắt phải trải qua nhiều tỉnh, thành phố, yêu cầu lực lượng hải quan và công an các địa phương phải phối hợp rất chặt chẽ.

Vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có kiến nghị tới các địa phương, nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có các sân bay quốc tế trọng điểm, kiên quyết yêu cầu các hãng hàng không, các hãng vận chuyển thực hiện cung cấp các thông tin về hàng hóa, hành khách, hành lý trước cho lực lượng chức năng thông qua Cơ chế Một cửa quốc gia để phân loại, đánh giá phân tích, kết hợp với các thông tin nghiệp vụ khác để nâng cao hiệu quả đấu tranh bắt giữ.

Trong các sân bay, hải quan sẽ tăng cường soi chiếu, phát hiện vi phạm. Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội để bổ sung máy soi cho lực lượng hải quan để phục vụ nhiệm vụ này.