chứng khoánCuộc chiến “sữa”?

Cổ phiếu thu hút chú ý của toàn thị trường mấy hôm nay là VNM, vốn đang chờ đợi đến ngày đấu giá 9% vốn nhà nước vào đầu tháng 12 tới. Giá thị trường của VNM được coi là một trong các yếu tố liên quan đến giá đấu giá. Do đó khi VNM tụt giảm mạnh mẽ với áp lực bán khổng lồ từ phía nhà đầu tư nước ngoài, các "thuyết âm mưu" có vẻ như đang được dịp tung hoành.

VNM đã có phiên giảm giá thứ 3 liên tục và hôm nay mất thêm 1,61%. Chỉ trong 3 phiên cuối tuần VNM đã giảm 4,5%. Trong hơn 2 tháng qua, VNM cũng đã có nhiều chuỗi 3 phiên giảm giá, nhưng đây là mức giảm mạnh nhất.

Đặc biệt lần giảm này đi kèm với quy mô bán ra rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài. Như hôm nay khối ngoại bán ra khoảng 252 tỷ đồng với VNM. Chỉ trong 3 ngày liên tục, quy mô bán ra đã là trên 536 tỷ đồng với hàng triệu cổ phiếu.

Khối ngoại bán đúng vào dịp VNM chuẩn bị đấu giá cổ phần thoái vốn trong khi giá thị trường được sử dụng bổ sung để tham chiếu giá đấu – dù không hẳn là quyết định – nên có giả thuyết cho rằng VNM đang bị khối ngoại ép giá để có thể mua rẻ trên sàn đấu giá.

Thực ra điều này cũng có thể đúng trong trường hợp giá thị trường của VNM cao hơn giá sàn của SCIC. Tuy nhiên do chưa biết được giá sàn của SCIC là bao nhiêu, nên khó có thể nói rằng kịch bản trên đang diễn ra. Nếu thị giá trên sàn thấp hơn giá sàn quy định của SCIC đưa ra, thì việc ép giá cũng không có ý nghĩa.

VNM đang có nhiều tổ chức nước ngoài đăng ký thoái vốn công khai. Ví dụ nhóm quỹ của Dragon Capital đăng ký mua bán và mức bán ròng khoảng 1,2 triệu cổ phiếu. Khối lượng này không đủ lớn để lý giải hàng triệu cổ phiếu đang được khối ngoại giao dịch ở VNM gần đây.

Như thế, có khả năng là nhiều quỹ đầu tư nước ngoài khác cũng đang giao dịch năng động tại VNM. Kể từ khi VNM mở room 100%, khối ngoại giao dịch rất thoải mái vì không còn phải tranh nhau. Giá cao thì họ chốt lời ngắn hạn, giá giảm lại mua về. Chính vì vậy quy mô mua bán hàng ngày với VNM là tương đối lớn, thậm chí có thể do cùng một tổ chức.

VNM giảm giá một phần do ảnh hưởng của hoạt động thoái vốn, một phần do cổ phiếu này đang trong một xu thế giảm giá. VNM từ khi đạt đỉnh cuối tháng 8 đến nay đã hình thành một xu thế giảm ngắn hạn. Mức thấp nhất trong đợt điều chỉnh này là 133.000 đồng và mức thấp nhất hôm nay mới là 133.700 đồng.

Nhà đầu tư bắt đáy

VN-Index hôm nay giảm khoảng 0,34% so với tham chiếu với gần 240 cổ phiếu giảm giá. Cứ mỗi mã giảm chỉ có 0,75 mã tăng. Nói cách khác, thị trường đang chứng kiến một ngày điều chỉnh khá rộng.

Thông thường thị trường hay yếu đi vào ngày cuối tuần do nhu cầu chốt lời ngắn hạn. Hôm nay có lúc VN-Index giảm tới gần 1%, tức là rất mạnh so với một phiên điều chỉnh thông thường. Nhà đầu tư đã giao dịch mua vào khá mạnh, cho thấy một sự tin tưởng nhất định.

Điển hình là cổ phiếu VNM, vốn đang bị khối ngoại xả rất lớn. Hôm nay VNM giao dịch khoảng 370 tỷ đồng giá trị thì khối ngoại bán 252 tỷ đồng và chỉ mua 22,7 tỷ đồng. Như vậy gần 94% giá trị giao dịch của VNM hôm nay là vốn của nhà đầu tư trong nước.

Đó là con số rất lớn và không hề dễ dàng khi VNM đã sụt giảm liền 3 phiên với mức giảm rất mạnh. Lực cầu bắt đáy phải đủ mạnh mới có thể “hứng” được hàng trăm tỷ đồng xả ra của nhà đầu tư nước ngoài lẫn các nhà đầu tư trong nước bán.

HPG cũng là một trường hợp rất điển hình, khi nhà đầu tư nước ngoài cũng bán tới 26,8 tỷ đồng trong tổng giá trị giao dịch 135,6 tỷ đồng. HPG vẫn tăng giá nhẹ và khối lượng giao dịch khá cao. Nhà đầu tư trong nước đã tham gia bắt đáy rất khỏe.

Hay như VIC, cổ phiếu bị khối ngoại xả hơn 1,1 triệu cổ phiếu trong tổng số 1,65 triệu cổ được giao dịch. VIC vẫn vững chắc ở tham chiếu dù hầu như chỉ có nhà đầu tư trong nước mua.

Tổng giá trị giao dịch của thị trường hôm nay khoảng 3.213,8 tỷ đồng, tăng gần 16% so với hôm qua. Không phải tất cả các cổ phiếu đều có thanh khoản tốt, nhưng những mã bị khối ngoại xả lớn nhất đều là các mã có thanh khoản rất cao. Đó là do nhà đầu tư trong nước đã tham gia bắt đáy mạnh mẽ, chớp cơ hội mua hàng "khuyến mãi".

biểu đồ giao dịch chứng khoán 25-11

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

2.314 tỷ đồng (+3%)

108,5 triệu (-8%)

280,9 tỷ đồng (+2%)

40,5 triệu (+29%)

Khánh Nhi