Chuyển đổi số ngành Tài chính - Thách thức lớn nhất là “đuổi kịp” khoa học công nghệ
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

PV: Ông đánh giá như thế nào về thực trạng số hóa của ngành Tài chính?

Chuyển đổi số ngành Tài chính - Thách thức lớn nhất là “đuổi kịp” khoa học công nghệ

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Ngành Tài chính đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội, góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán... giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Một số thống kê của các ngành trực thuộc đã khẳng định nhận định này.

Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, đến nay, đã có trên 99% doanh nghiệp trên toàn quốc đã sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử; trên 99% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thuế điện tử; hơn 9,6 tỷ hóa đơn điện tử đã được xuất ra, trong đó có tới 684 triệu hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền. 106 tổ chức nước ngoài nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử dành cho các nhà cung cấp nước ngoài (hơn 16.800 tỷ đồng). Mới đây nhất, đã có hơn 5,7 triệu lượt cá nhân sử dụng tài khoản VNeID vào hệ thống thuế điện tử eTax Mobile.

Về hải quan, những tháng đầu năm 2024, cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành, kết nối xấp xỉ 7,43 triệu bộ hồ sơ của hơn 72 nghìn doanh nghiệp. Đồng thời, kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Hải quan số cũng đã được xác định sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Về chứng khoán, giao dịch trên thị trường chứng khoán đã hoàn toàn chuyển sang hình thức trực tuyến. Lũy kế 8 tháng năm 2024, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng hơn 1,41 triệu tài khoản, lên hơn 8,7 triệu, tiệm cận mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030 theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã đặt ra.

Trong khi đó, 100% thủ tục hành chính của Kho bạc Nhà nước đã thực hiện toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối dịch vụ công trực tuyến với phần mềm kế toán của 25% tổng số đơn vị sử dụng ngân sách.

Đó chỉ là một số ví dụ tiêu biểu để dẫn chứng cho những thành tựu về chuyển đổi số của ngành Tài chính thời gian qua.

PV: Chiến lược Tài chính đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nhấn mạnh việc đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số đã được xác định là một trong ba đột phá. Quá trình thực hiện bước đột phá này, liệu ngành Tài chính có phải đối diện với thách thức gì không, thưa ông?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Để chuyển đổi số tới đây, ngành Tài chính vẫn còn phải giải quyết nhiều vấn đề đặt ra.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, doanh nghiệp chuyển dịch hoạt động kinh doanh sang nền tảng số, lúc này, một trong những thách thức lớn nhất của ngành Tài chính là “đuổi kịp” doanh nghiệp về áp dụng khoa học công nghệ, nền tảng mới, để có thể bao quát hết được các hình thức kinh doanh, các nguồn thu của doanh nghiệp…

PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Nhìn cụ thể vào từng lĩnh vực, chúng ta đều có thể thấy đang có những thách thức từ thực tiễn cần phải có giải pháp hiệu quả để tăng chất lượng hoạt động. Trong chuyển đổi số, dữ liệu điện tử luôn đóng vai trò quan trọng. Chẳng hạn như, việc triển khai hóa đơn điện tử được xem là một bước đột phá để thu thập nguồn dữ liệu về mua, bán hàng hóa, dịch vụ, có giá trị phân tích, góp phần đưa ra các quyết định quan trọng trong quản lý, xây dựng chính sách, quản lý rủi ro… Tuy nhiên, hiện nay triển khai hóa đơn điện tử vẫn còn những vướng mắc, khó khăn như tình trạng lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách, đã phát sinh hiện trạng trục lợi, mua bán hoá đơn; khả năng đồng bộ dữ liệu; phân quyền khai thác, tra cứu dữ liệu…

Hình thành Bộ Tài chính số năm 2025

Theo TS. Nguyễn Như Quỳnh, để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số ngành Tài chính, cần phát triển Bộ Tài chính số một cách tổng thể, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Bộ Tài chính điện tử và hình thành Bộ Tài chính số vào năm 2025.

Bên cạnh đó, các hệ thống công nghệ thông tin qua thời gian sử dụng dài, đã phát sinh những hạn chế và khoảng cách về công nghệ. Ví dự như, Hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống vệ tinh là nền tảng của quá trình vận hành hoạt động thủ tục, kiểm tra giám sát hải quan, chưa lường trước được xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu, chưa dự báo được sự gia tăng không ngừng của kim ngạch xuất nhập khẩu nên quá trình giải quyết thủ tục, kiểm tra giám sát hải quan còn một số tồn tại, hạn chế. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử chưa phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số, khả năng kết nối trao đổi thông tin giữa các cơ quan, bộ, ngành còn hạn chế.

Hay Hệ thống TABMIS hiện nay cũng phát sinh một số hạn chế và khoảng cách về công nghệ, đặt ra nhu cầu thực hiện công cuộc hiện đại hóa theo tiến trình để hình thành một nền tảng số toàn diện.

Một số hệ thống quản lý trong lĩnh vực chứng khoán mới chỉ đảm bảo cung cấp thông tin, số liệu cơ bản phục vụ tác nghiệp cho chính đơn vị nghiệp vụ. Hầu hết các hệ thống, chương trình độc lập riêng lẻ, chưa có sự liên kết, để hình thành một kho dữ liệu lớn.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể nhắc đến một số khó khăn khác như: thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là về công nghệ thông tin; nguồn lực đầu tư cho hạ tầng công nghệ còn hạn chế; mặt bằng trình độ công nghệ của người dân, doanh nghiệp còn chưa đồng đều, chưa sẵn sàng thay đổi…

PV: Xin cảm ơn ông!

Định hướng mở để người dân, doanh nghiệp tương tác với Bộ Tài chính

Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số ngành Tài chính đến năm 2030, phù hợp yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) chia sẻ, ngành Tài chính đã xác định các định hướng giải pháp.

Trước tiên là tập trung hướng đến nền tài chính số hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, giúp lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó là phát triển Bộ Tài chính số một cách tổng thể, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Bộ Tài chính điện tử và hình thành Bộ Tài chính số vào năm 2025.

Đặc biệt, định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của Bộ Tài chính, tương tác với các cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội; Bộ Tài chính cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đối với lĩnh vực tài chính. Kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu.

Cuối cùng là phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt các cấp hành chính để có thể sử dụng tại mọi nơi. Các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ quy mô quốc gia phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung.