Ngành Thuế chuyển đổi số hiệu quả, doanh nghiệp hưởng lợi Ngành Thuế chuyển đổi số triệt để phục vụ người dân và doanh nghiệp Chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn
Chuyển đổi số ngành thuế, hải quan tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Phương Anh

Đẩy mạnh kết nối

2023 là năm thứ 3, ngành Thuế triển khai Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch 5 năm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, hệ thống CNTT của ngành Thuế đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý thuế ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Điểm nổi bật nhất trong công tác chuyển đổi số của ngành Thuế, là việc triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT). Cộng đồng doanh nghiệp (DN) cho rằng, HĐĐT không chỉ góp phần đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng DN và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.

Sau gần 2 năm từ ngày triển khai hệ thống HĐĐT trên toàn quốc, đã có trên 851 nghìn DN và trên 65 nghìn hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo quy định; cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý trên 5 tỷ HĐĐT.

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ DN, người nộp thuế, đến nay Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai 103/235 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và tích hợp 97 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhờ đó, người dân và DN có thể thực hiện thêm các dịch vụ thuế điện tử một cách thuận lợi hơn.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã hoàn thành kết nối hệ thống tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này đảm bảo việc định danh chính xác được thông tin người nộp thuế là cá nhân, giảm thiểu sai sót trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính của người nộp thuế, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT là ưu tiên hàng đầu của các DN để mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, việc áp dụng HĐĐT giúp các DN tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian, công sức trong việc lập, hạch toán, đối chiếu dữ liệu, nhận, gửi hóa đơn và giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc mất mát hóa đơn.

Phục vụ ngày càng tốt hơn

Trong lĩnh vực hải quan, đến nay, tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử với 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc; 99% DN tham gia, xử lý hơn 99,6% tờ khai thông quan, với thời gian thông quan luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây.

Ngày 8/11/2023, TBTCVN phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Thuế - Hải quan 2023 với chủ đề: "Chuyển đổi số ngành Thuế và Hải quan, tạo thuận lợi cho người dân, DN”. Đây là sự kiện thường niên uy tín hàng năm do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức đã được Lãnh đạo Bộ Tài chính đồng ý cho triển khai thực hiện.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các DN và Hiệp hội DN sẽ tập trung thảo luận, đánh giá những bước tiến vượt bậc, làm rõ kết quả chuyển đổi số của ngành Tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và hải quan. Đây cũng là dịp để cơ quan thuế, cơ quan hải quan đưa ra thông điệp về tiếp tục chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước trong giai đoạn tiếp theo, với phương châm lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ.

Nhằm phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn, Hải quan Việt Nam đã cung cấp 200/236 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm 84,7% số thủ tục hành chính do Hải quan Việt Nam thực hiện, trong đó có 194 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 bao gồm các thủ tục hành chính cốt lõi liên quan đến thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Hải quan cũng đã hoàn thành việc tích hợp 72 dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hải quan lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Theo khảo sát của VCCI số thời gian và chi phí DN thực hiện thủ tục qua cổng Cơ chế một cửa quốc gia giảm so với thực hiện bằng phương thức truyền thống, cụ thể: thời gian giảm từ 5 - 25 giờ tùy theo từng thủ tục. Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia cũng giúp tiết kiệm chi phí cho DN ở hầu hết các thủ tục so với hình thức làm thủ tục truyền thống trước đây.

Hải quan Việt Nam cũng đã nghiên cứu và từng bước ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý nhà nước về hải quan. Cụ thể, Tổng cục Hải quan đã ứng dụng thành công công nghệ kết nối internet vạn vật trong triển khai Hệ thống seal định vị để giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng container. Tổng cục Hải quan cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo điều hành qua mạng nội bộ...

Có thể nói, kết quả chuyển đổi số ngành Thuế và Hải quan đã góp phần đắc lực trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương và quốc gia, tạo thuận lợi cho người dân và DN.

PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ ĐẶNG NGỌC MINH:

Lấy người nộp thuế làm trung tâm để phục vụ

Chuyển đổi số ngành thuế, hải quan tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Nhiệm vụ chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, DN tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, chính vì vậy ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, phục vụ người nộp thuế thực hiện pháp luật thuế được tốt nhất.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành Thuế triển khai là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai phần mềm HĐĐT đáp ứng các chính sách mới về HĐĐT và mở rộng xây dựng hệ thống Cổng kết nối tiếp nhận dữ liệu HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền; xây dựng kho cơ sở dữ liệu về HĐĐT và triển khai các giải pháp, công cụ phân tích, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro về thuế.

Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thuế tích hợp, tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn,…; phát triển và cung cấp các dịch vụ thuế số cho người nộp thuế, qua đó, giúp tăng trải nghiệm cho người dân và DN.

Với phương châm lấy người nộp thuế làm trung tâm để phục vụ, việc triển khai thành công các nhiệm vụ nêu trên sẽ đem lại hiệu quả to lớn trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính thuế, góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ngành Thuế nói riêng và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung.

PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN NGUYỄN VĂN THỌ:

Đầu tư cho nguồn lực con người để chuyển đổi số thành công

Chuyển đổi số ngành thuế, hải quan tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Hải quan Việt Nam rất coi trọng và xem việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của toàn ngành.

Nằm trong chiến lược chung của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số, Hải quan Việt Nam đã đề ra mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số đến năm 2025, tiến tới chuyển đổi số hoàn toàn và thực hiện hải quan thông minh vào năm 2030, đạt trình độ ngang bằng với hải quan các nước tiên tiến.

Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh nỗ lực nội tại của Hải quan Việt Nam, chúng tôi rất cần sự hợp tác từ các bộ, ngành liên quan; sự ủng hộ, phối hợp từ phía người dân, DN và sự chia sẻ kinh nghiệm từ hải quan các nước cũng như các tổ chức quốc tế, các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ để có thể giúp cho Hải quan Việt Nam tiếp cận với các cách thức, giải pháp ứng dụng công nghệ hiệu quả, phù hợp; đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, thực hiện hải quan số, hải quan thông minh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam cũng coi trọng yếu tố con người và coi yếu tố con người là yếu tố quan trọng, then chốt cần cân nhắc khi ứng dụng công nghệ mới.

Con người là chủ thể của đổi mới, sáng tạo và quyết định sự thay đổi; con người lựa chọn công nghệ, là chủ thể ứng dụng công nghệ đó và cũng là người hưởng lợi ích từ công nghệ. Sự thành bại của việc đổi mới do con người quyết định.

Do đó, cần phải có chiến lược cụ thể, rõ ràng về đầu tư nguồn lực con người trong ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để đảm bảo quá trình này diễn ra thành công.

Đông Mai (ghi)