Chuyên gia chỉ ra những điểm sáng của thị thường bất động sản trong năm 2023
Nhiều yếu tố kích thích thị trường bất động sản 2023. Ảnh: Kỳ Phương

Nhiều yếu tố lạc quan

Dù 2023 đuợc dự báo là là một năm khó khăn đối với thị trường bất động sản nhưng ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam vẫn chỉ ra những điểm sáng kinh tế vĩ mô và coi đây sẽ là nền tảng, đà bật của thị trường bất động sản trong năm 2023.

Theo ông Đính, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 đạt mốc 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn trụ hạng ở vị trí thứ 2 trong các ngành thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1%. Dòng vốn chủ yếu tập trung vào thị trường bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn.

Thị trường M&A bất động sản ghi nhận tín hiệu tích cực khi tiếp tục tăng nhiệt với dòng vốn ngoại. Nguồn vốn của thị trường tiếp tục được bổ sung với tổng lượng kiều hối đổ về Việt Nam được dự báo vẫn tăng so với năm 2021, đạt 19 tỷ USD.

Về hành lang pháp luật, ông Đính cho biết các vướng mắc pháp luật đang trong quá trình tháo gỡ và hoàn thiện. Cụ thể, Chính phủ và Quốc hội đã có nhiều giải pháp rất tổng thể để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản như thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; dự thảo sửa đổi NĐ 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 21/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng mở hơn, lộ trình phù hợp hơn; Công điện 1164/CĐ-TTg về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở... Loạt động thái này đã và đang vực dậy niềm tin cho các nhà đầu tư và người mua ở thực.

Về nhu cầu thị trường nhà ở giai đoạn 2021-2030 dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại các khu vực đô thị. Tỷ lệ dân số đô thị hiện khoảng 40% và sẽ tăng lên khoảng 45% vào năm 2030, đòi hỏi mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển dự án phù hợp với nhu cầu ở thực.

Về tài chính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn, làm cơ sở để các doanh nghiệp tiếp tục phát hành trái phiếu.

Tính đến cuối năm 2022, 12 bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 80%, thậm chí có nơi đã giải ngân đạt đến 100%. Gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng được thông qua, là động lực phát triển nhà ở xã hội. Chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, trong đó nhóm dự án hạ tầng chiếm tỷ trọng lớn sẽ tạo ra nhiều khu kinh tế, du lịch, đô thị..., kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng, dịch vụ, văn phòng,... Đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp trong xu thế chuyển dịch các cơ sở công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia của thế giới.

“Tất cả những yếu tố chuyển biến này sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam có sự khởi sắc trong năm 2023” - ông Đính nhấn mạnh.

Chuyên gia chỉ ra những điểm sáng của thị thường bất động sản trong năm 2023
Bất động sản du lịch được kỳ vọng trong năm 2023. Ảnh: Kỳ Phương

Những loại hình đầu tư được kỳ vọng

TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savill Việt Nam cho rằng, với bối cảnh hiện tại, nếu các nhà đầu tư bất động sản ít sử dụng đòn bẩy tài chính và dùng bằng tiền tài sản có sẵn thì đây là một cơ hội để mua được những sản phẩm tốt, giá vừa phải.

Song song đó, với những nhà đầu tư dùng những đòn bẩy tài chính lớn, vay mượn nhiều thì cần cân nhắc được khả năng chi trả lãi gốc hàng tháng, hàng năm và tính toán thời gian thị trường bất động sản hồi phục. Vì nếu không, người mua sẽ rơi vào "bẫy tài chính" và mất khả năng chi trả dẫn đến việc bán tháo bán lỗ.

Nhìn chung, với thị trường bất động sản như nước ta khi dân số cả trăm triệu người và như TP. Hồ Chí Minh hơn 10 triệu dân được xem là siêu đô thị. Như vậy, nhu cầu nhà ở rất lớn. Vì thế, bài toán đầu tư vào bất động sản nhà ở đối với người đầu tư cá nhân luôn là điểm hút.

“Bản thân chúng ta thấy rằng, đối với thị trường mới nổi như Việt Nam, bất động sản luôn là câu chuyện của dân số trẻ, luôn là của những người ở các tỉnh thành về sống, học tập và làm việc. Đây là một cơ hội nhưng bài toán tài chính là cần phải cân nhắc” - TS. Sử Ngọc Khương nói.

Nhận định về cơ hội tiềm năng phát triển trong năm 2023, TS. Sử Ngọc Khương thông tin, khi đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và hệ thống giao thông đồng bộ, cũng như các sản phẩm về du lịch rất tốt thì bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là một câu chuyện được kỳ vọng rất lớn.

Ngoài ra, với bất động sản công nghiệp, nước ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng trong quá trình mời gọi nhà đầu tư. Đây là một cơ hội lớn khi mà nhà đầu tư có nguồn nhân lực trình độ cao, cơ sở hạ tầng từng bước được cải thiện.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn trụ hạng ở vị trí thứ 2 trong các ngành thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1%.