![]() |
Luật Thuế thu nhập cá nhân đã bộc lộ các tồn tại về cơ sở thuế, đối tượng chịu thuế. Ảnh minh họa |
PV: Xin ông cho biết kinh nghiệm các nước trên thế giới xác định mức giảm trừ gia cảnh để tính nộp thuế TNCN ra sao?
![]() |
PGS.TS Lê Xuân Trường: Mức giảm trừ gia cảnh của các quốc gia trên thế giới khá khác biệt, trải dài trong khoảng tương đương từ 0,03 đến 1,5 lần GDP bình quân đầu người; nếu tính thêm giảm trừ cho người phụ thuộc thì mức giảm trừ gia cảnh thường tương đương khoảng từ 0,1 đến 2 lần GDP bình quân đầu người.
Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh ở một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và một số nước phát triển trên thế giới như sau: Ở Thái Lan, mức giảm trừ áp dụng cho từng nhóm thu nhập chịu thuế TNCN với nhiều ngưỡng và giới hạn. Mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân (Personal Allowance) áp dụng chung cho năm tính thuế 2024 là 60.000 Baht, tương đương khoảng 1.700 USD. Thêm vào đó, biểu thuế lũy tiến từng phần của Thái Lan quy định mức thuế suất 0% áp dụng đối với phần thu nhập tính thuế từ 150.000 Baht trở xuống.
Có thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh mà không chờ Luật“Trong khi trình Quốc hội xem xét Luật Thuế TNCN (thay thế), thì năm 2025 này cần xem xét mức độ biến động chỉ số giá tiêu dùng CPI nếu đáp ứng quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, mà không chờ điều chỉnh trong Dự án Luật”. PGS. TS. Lê Xuân Trường đề xuất |
Xét về bản chất, mức giảm trừ thực sự cho bản thân mỗi người nộp thuế (NNT) là 210.000 Baht, tương đương 6.150 USD. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc là con cái hoặc cha mẹ là 30.000 Baht/người, tương đương khoảng 850 USD. Tuy nhiên, nếu là con thứ hai và sinh từ năm 2018 trở đi thì mức giảm trừ là 60.000 Baht. Mức giảm trừ cho người phụ thuộc là vợ/chồng là 60.000 Baht.
Như vậy, với mức GDP bình quân đầu người của Thái Lan năm 2024 là 7.352 USD thì mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân NNT bằng khoảng 0,83 lần GDP bình quân đầu người. Tùy theo số lượng người phụ thuộc và điều kiện cụ thể mà mức giảm trừ gia cảnh có thể bằng từ 1 lần đến 2 lần GDP bình quân đầu người.
Ở Indonesia, giảm trừ gia cảnh cho bản thân NNT hiện hành là 54 triệu Rupiah, tương đương khoảng 3.482 USD, mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 4,5 triệu Rupiah/người, tương đương khoảng 290 USD.
Indonesia quy định người phụ thuộc được giảm trừ bao gồm vợ hoặc chồng của NNT và con của NNT. Tuy vậy, Indonesia giới hạn giảm trừ tối đa cho 3 con. Với GDP bình quân đầu người của Indonesia năm 2024 là 4.981 USD thì mức giảm trừ giảm trừ gia cảnh cho bản thân NNT bằng khoảng 0,7 lần GDP bình quân đầu người. Nếu tính cả mức giảm trừ cho người phụ thuộc thì tùy theo hoàn cảnh gia đình của NNT mà mức giảm trừ gia cảnh ở Indonesia bằng khoảng từ 0,7 lần đến 1,1 lần GDP bình quân đầu người.
Đối với các nước phát triển, cụ thể ở Anh, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân NNT cho năm tính thuế 2024/2025 là 12.570 Bảng Anh (khoảng 15.838 USD). Với GDP bình quân đầu người năm 2024 khoảng 52.423 USD thì mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân ở Anh bằng khoảng 0,3 lần GDP bình quân đầu người. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân NNT ở Anh có điểm đặc biệt là, khi NNT có thu nhập chịu thuế trong năm tính thuế vượt quá 100.000 Bảng Anh thì khi thu nhập tăng 2 Bảng Anh, mức giảm trừ giảm 1 Bảng Anh. Điều này có nghĩa là khi NNT có thu nhập chịu thuế từ 125.140 Bảng Anh trở lên thì mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân bằng 0.
Ở Hoa Kỳ, mức giảm trừ đối với bản thân NNT năm 2024 là 14.600 USD, đối với hai vợ chồng kê khai chung tờ khai thuế TNCN thì mức giảm trừ là 29.200 USD, đối với chủ hộ kinh doanh thì mức giảm trừ là 21.900 USD. Với GDP bình quân đầu người của Hoa Kỳ là 86.601 USD thì mức giảm trừ bản thân NNT bằng khoảng 0,17 lần GDP bình quân đầu người, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân NNT là chủ hộ kinh doanh bằng 0,25 lần GDP bình quân đầu người.
PV: Ông đánh giá ra sao về thực trạng xác định giảm trừ gia cảnh ở Việt Nam?
PGS. TS Lê Xuân Trường: Để có cùng mặt bằng so sánh, cần đặt mức giảm trừ gia cảnh của Việt Nam trong tương quan với GDP bình quân đầu người và để đơn giản hóa, chỉ cần so sánh mức giảm trừ của bản thân NNT với GDP bình quân đầu người.
Theo đó, tại thời điểm năm 2009, mức giảm trừ bản thân của NNT bằng khoảng 2,25 lần GDP bình quân đầu người. Đến thời điểm trước khi điều chỉnh năm 2013 thì mức giảm trừ của bản thân bằng khoảng 1,17 lần GDP bình quân đầu người.
Sau khi điều chỉnh thì mức giảm trừ bản thân năm 2013 bằng khoảng 2,64 lần GDP bình quân đầu người. Năm 2019, tức là trước lần điều chỉnh gần nhất, mức giảm trừ của bản thân bằng khoảng 1,37 lần GDP bình quân đầu người. Sau khi điều chỉnh năm 2020, mức giảm trừ của bản thân bằng khoảng 1,52 lần GDP bình quân đầu người. Năm 2024, mức giảm trừ của bản thân bằng khoảng 1,15 lần GDP bình quân đầu người.
Như vậy, có thể thấy, khi so sánh mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân của Việt Nam với GDP bình quân đầu người, thì mức giảm trừ bản thân của Việt Nam khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Điển hình so với Indonesia, một nước trong khu vực Đông Nam Á và ở trình độ phát triển tương đương (GDP đầu người của Indonesia năm 2024 là 4.981 USD, còn GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2024 là 4.700 USD) thì mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân NNT của Việt Nam cao hơn khoảng 50%.
Xin nhấn mạnh rằng, việc so sánh trên chỉ mang tính tham khảo vì để xác định mức giảm trừ gia cảnh có phù hợp không, có công bằng không cần xét nhiều yếu tố có liên quan khác như các mức thuế suất cụ thể và các ngưỡng trong biểu thuế, các khoản giảm trừ khác ngoài giảm trừ gia cảnh, GDP theo ngang giá sức mua…
PV: Ông có đề xuất, góp ý gì đối với việc xác định mức giảm trừ gia cảnh ở Việt Nam trong thời gian tới?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Từ những phân tích trên về bản chất của giảm trừ gia cảnh, thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam, trong thời gian tới khi sửa đổi Luật Thuế TNCN có thể cân nhắc áp dụng một số giải pháp như:
Thứ nhất, trong khoảng 5 năm tới nước ta vẫn ở nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình nên cần chấp nhận xác định mức giảm trừ gia cảnh tương đối cao so với GDP. Theo đó, cần xác định mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân NNT sao cho đảm bảo tương đương khoảng 1,5 lần GDP bình quân đầu người (nếu so với GDP theo ngang giá sức mua thì mức giảm trừ này chỉ bằng khoảng 0,6 lần, tức là tương đương với các nước có trình độ phát triển tương đồng). Đồng thời, giữ nguyên nguyên tắc giảm trừ mỗi người phụ thuộc bằng 40% giảm trừ bản thân NNT.
Thứ hai, bổ sung giảm trừ thêm một mức so với giảm trừ chung cho đối tượng NNT là người khuyết tật và người phụ thuộc của NNT là người khuyết tật.
Thứ ba, sau lần đầu tiên được quy định trong luật, cần quy định mức giảm trừ gia cảnh được xác định hàng năm theo nguyên tắc điều chỉnh tương đương với chỉ số CPI và giao quyền cho Chính phủ quyết định mức giảm trừ gia cảnh hàng năm.
PV: Xin cảm ơn ông!