Đây là những đánh giá tại hội nghị chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh, do Bộ Công thương tổ chức mới đây.

Thách thức trong phát triển các nguồn năng lượng

Theo ông Rahul Kitchlu, Việt Nam đã chuyển mình, trong một thế hệ, từ một trong những quốc gia có thu nhập thấp nhất thế giới thành một nền kinh tế năng động mới nổi. Lĩnh vực năng lượng, với vai trò cung cấp tiếp cận điện năng cho toàn dân, đóng vai trò quan trọng cho quá trình chuyển đổi kinh tế xanh.

Cơ hội rộng mở cho Việt Nam chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh
Cơ hội rộng mở cho Việt Nam chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh. Ảnh: TL

Tuy nhiên, chuyên gia của WB cũng cảnh báo, sự phát triển về kinh tế và năng lượng vẫn đang cho thấy sự phụ thuộc lớn vào than, từ đó đưa đến nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên đầu người tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Trong bối cảnh này, những cam kết của Việt Nam tại COP-26 được tổ chức tại Glasgow về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đóng vai trò quan trọng toàn cầu.

Trong bối cảnh thách thức nêu trên, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển hướng đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. WB đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về phát triển năng lượng tái tạo, với hơn 20 GW năng lượng tái tạo và huy động 17 tỷ USD đầu tư tư nhân trong vòng 2 năm qua. Đây là một nỗ lực vô cùng đáng ghi nhận và là những bước đi nghiêm túc hướng tới đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng sạch và loại bỏ carbon khỏi nền kinh tế.

Việt Nam may mắn có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh năng lượng mặt trời, gió, Việt Nam còn có tiềm năng to lớn về gió thổi từ đất liền ra biển. Phân tích cho thấy khoảng 370 GW năng lượng tái tạo có thể được tạo ra thêm vào năm 2040 để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Những kinh nghiệm gần đây của Việt Nam cho thấy, có thể hiện thực hóa điều này chủ yếu qua đầu tư tư nhân.

Tuy nhiên, chuyên gia WB cũng cho rằng, phía trước Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức, làm sao để cân bằng giữa chuyển dịch năng lượng và đảm bảo an sinh xã hội, cũng như giá thành hợp lý của nguồn cung năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng, song hành với việc chuyển đổi thành một nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045 của Chính phủ.

Tháng 7/2022, WB đã công bố Báo cáo Khí hậu và phát triển của Việt Nam khảo sát về mức độ thích nghi và các thách thức nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu mà Việt Nam đang phải đối mặt. Đồng thời, báo cáo cũng đề xuất giải pháp hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Để tiếp tục duy trì sự tăng trưởng này đối với năng lượng tái tạo, cần có các cải tiến trong việc hoạch địch mở rộng hệ thống năng lượng, khung pháp lý đối với việc thu mua để đảm bảo nguồn cung năng lượng tái tạo có chi phí thấp.

Đặc biệt, những chính sách hàng rào thương mại đã góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo nên được thay thế bởi cơ chế dựa trên cạnh tranh một cách hệ thống và minh bạch, từ đó giúp mang đến các dự án năng lượng tái tạo từ nguồn vốn tư nhân hoạt động hiệu quả với chi phí thấp, giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của Việt Nam một cách bền vững.

Giải bài toán phân bổ nguồn năng lượng

Chuyên gia của WB đưa ra lưu ý, việc tích hợp nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhanh chóng sẽ đòi hỏi việc tăng cường đầu tư vào lưới điện. Mặc dù Việt Nam đã rất thành công trong việc mở rộng quy mô của các dự án tư nhân trong năng lượng tái tạo, vẫn còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực này.

Hiện có tới 25% năng lượng tái tạo tại khu vực miền trung và miền nam cần phải được hạn chế hoặc dừng sản xuất, trong khi đó nguồn cung cho khu vực miền Bắc thiếu tới 2 GW dẫn tới tạm ngừng cung cấp điện ở một số khu vực.

Cơ hội rộng mở cho Việt Nam chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh
Ông Rahul Kitchlu phát biểu tại hội thảo Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh. Ảnh: Hải Anh

"Điều này rõ ràng là không tốt đối với phát triển kinh tế. Việc hạn chế năng lượng tái tạo trong khi lại ngừng cung cấp điện ở một số khu vực khác xuất phát từ việc thiếu tính linh hoạt cũng như hạn chế về tải lượng của lưới điện. Từ đó, xuất phát một nhu cầu mạnh mẽ trong việc gia tăng đầu tư công cho mạng lưới truyền tải và phân phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) để nâng cao công suất của lưới điện và xây dựng năng lực dự trữ để tăng tính linh hoạt của hệ thống giúp tích hợp các nguồn điện tái tạo"- chuyên gia WB nhấn mạnh.

Về giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, chuyên gia WB gợi ý, Việt Nam có thể phát triển nguồn khí tự nhiên như nguồn nhiên liệu trong quá trình chuyển dịch giúp thay thế việc sản xuất điện từ than thông qua việc đầu tư có chọn lọc trong các dự án nhập khẩu khí hóa lỏng.

Mặc dù phía trước còn nhiều thách thức, cộng đồng quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện thành công việc chuyển dịch năng lượng xanh. WB luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực của Việt Nam nhằm chuyển dịch năng lượng.

Tiếp nối những cam kết của Việt Nam tại COP-26 về phát thải ròng bằng 0, khối G-7 đang đưa ra hiệp định đối tác chuyển dịch năng lượng với mục tiêu phối hợp chặt chẽ với nhóm đối tác năng lượng Việt Nam và hỗ trợ việc huy động các giải pháp tài chính để giảm carbon trong ngành năng lượng.