Đây là nhận định của bà Nguyễn Lý Thu Ngà - Chuyên gia cao cấp phân tích chiến lược Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research), khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Thị trường chứng khoán tháng 11 vẫn duy trì xu hướng giảm, tuy nhiên, thị trường có dấu hiệu tích cực hơn vào giai đoạn cuối tháng. Bà đánh giá thế nào về diễn biến của thị trường chứng khoán tháng 11/2022?

Cơ hội xuất hiện ở các doanh nghiệp đầu ngành với vị thế tài chính lành mạnh
Bà Nguyễn Lý Thu Ngà

Bà Nguyễn Lý Thu Ngà: Tiếp nối đà giảm từ tháng 9-10, thị trường chứng khoán trong nước chịu áp lực rất lớn trong nửa đầu tháng 11 và đã chuyển biến tích cực hơn sau đó. Tính đến hết ngày 29/11, sắc xanh đã quay trở lại với mức tăng nhẹ 0,41% trên VN-Index so với thời điểm cuối tháng 10. Chỉ số cũng đã vượt lại mốc tâm lý 1.000 điểm và tăng 18% từ mức thấp nhất 873,78 điểm.

Hoạt động bán giải chấp ở một số cổ phiếu bất động sản, kèm theo đó là động thái giảm tỷ lệ cho vay ký quỹ nhằm kiểm soát rủi ro từ các công ty chứng khoán đã gia tăng sức ép lớn lên thị trường. Tuy nhiên, áp lực bán chủ yếu đến từ khối cá nhân, trong khi khối tổ chức đã có tháng mua ròng kỷ lục.

Diễn biến trong tháng 11 cho thấy tính biến động mạnh, đặc thù của một thị trường do lực lượng đông đảo nhà đầu tư cá nhân chi phối, tuy nhiên cũng rất hấp dẫn nhờ nhiều cơ hội từ biến động do khối này tạo ra.

PV: Tâm lý nhà đầu tư có phần được cải thiện khi vừa qua Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã có động thái tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Bà có chia sẻ gì về tác động tâm lý này lên thị trường?

Bà Nguyễn Lý Thu Ngà: Các động thái hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan quản lý đang nghiêng về hướng ổn định tâm lý của thị trường. Thực tế, tâm lý nhà đầu tư đã phần nào ổn định hơn trong ngắn hạn. Bên cạnh sự quan tâm của Chính phủ, còn có những nỗ lực của các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính nhằm phần nào cải thiện tình hình.

Về trung và dài hạn, để thật sự lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư thì cần các giải pháp cụ thể hơn từ Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh khoản trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Những bước đi chính sách tiếp theo, mang tính chất tiếp tục siết chặt, hay hỗ trợ các điều kiện tài chính trên thị trường sẽ là yếu tố ảnh hướng tới dòng tiền đầu tư vào thị trường vốn.

Cơ hội xuất hiện ở các doanh nghiệp đầu ngành với vị thế tài chính lành mạnh

Nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở các doanh nghiệp có tài chính lành mạnh. Ảnh: Duy Dũng

PV: Tâm lý nhà đầu tư ít nhiều đã có cải thiện, áp lực bán giải chấp cũng đã giảm đáng kể, song dòng tiền vẫn chưa tăng. Bà lý giải thế nào về điều này? Bà đánh giá thế nào về cơ hội thanh khoản sẽ cải thiện trong tháng cuối năm?

Bà Nguyễn Lý Thu Ngà: Như đã đề cập, nhà đầu tư cần nhìn thấy những động thái từ các cơ quan quản lý liên quan tới giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt liên quan tới vấn đề thanh khoản. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất tăng mạnh (lãi suất huy động hiện tại dao động phổ biến ở vùng 9-10%/năm cho kỳ hạn trên 6 tháng) cũng là yếu tố khiến dòng tiền chuyển hướng sang kênh tiết kiệm, thay vì kênh đầu tư. Tuy nhiên, thị trường giảm mạnh trong tháng 10 cũng đã kích hoạt dòng tiền giải ngân từ khối ngoại và đây là yếu tố chính nâng đỡ thị trường trong tháng 11.

Quán tính tích cực này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho dòng tiền cá nhân tham gia giao dịch trong ngắn hạn, do vậy thanh khoản thị trường sẽ cải thiện so với tháng 11.

PV: Trong khi nhà đầu tư cá nhân nội vẫn bán ròng, thì khối ngoại gia tăng mua ròng rất lớn. Bà có thể cho biết diễn biến của dòng vốn ngoại trong tháng qua? Theo bà, khối ngoại đang kỳ vọng những gì khi giải ngân vào giai đoạn này?

Bà Nguyễn Lý Thu Ngà: Giao dịch khối ngoại đã có sự cải thiện đáng kể trong 2 tháng qua, với tỷ trọng trên tổng số giao dịch trên thị trường đã quay về mức trên 10% vào tháng 10 và hơn 13% trong tháng 11, sau hơn 2 năm giảm mạnh dưới sự tham gia đột biến của nhà đầu tư cá nhân.

Tâm lý nhà đầu tư đã phần nào ổn định

Các động thái hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan quản lý đang nghiêng về hướng ổn định tâm lý của thị trường. Thực tế, tâm lý nhà đầu tư đã phần nào ổn định hơn trong ngắn hạn. Bên cạnh sự quan tâm của Chính phủ, còn có những nỗ lực của các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính nhằm phần nào cải thiện tình hình.

Xét về dòng tiền, dòng tiền đầu tư từ các quỹ ETF, đặc biệt từ nhóm quỹ Fubon, VFM VN Diamond, Van Eck nổi bật hơn cả khi liên tục rót vốn trong tháng 11 (vào ròng gần 6 nghìn tỷ đồng trong tháng 11 - mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 4/2021), trong khi dòng tiền từ các quỹ chủ động cũng giải ngân đồng đều hơn (vào ròng gần 360 tỷ đồng). Với kỳ vọng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn, đặc biệt là triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2025, xu hướng vào ròng của khối ngoại vẫn được đánh giá cao. Tuy nhiên, rủi ro đến từ mặt chính sách sẽ là yếu tố có thể khiến khối ngoại đảo chiều rút vốn.

PV: Bà dự báo thế nào về thị trường tháng cuối cùng của năm nay? Đâu là yếu tố có thể tạo cơ hội cho nhà đầu tư trong giai đoạn này?

Bà Nguyễn Lý Thu Ngà: Thị trường chứng khoán trong nước vừa có nhịp hồi phục đáng kể từ vùng đáy ngắn hạn và đang dần lấy lại được trạng thái cân bằng. Chúng ta có thể kỳ vọng sức mua từ dòng vốn ngoại, bao gồm các quỹ chủ động lẫn các quỹ ETF có thể tiếp tục hỗ trợ đà hồi phục.

Tuy nhiên, thị trường sẽ phải đối diện nhiều lực cản như tình hình vĩ mô vẫn còn nhiều thách thức, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào cuối năm và ngay trong quý IV này ảnh hưởng từ lạm phát, lãi suất tăng có thể bộc lộ ở kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp niêm yết.

Nhà đầu tư trong giai đoạn này có thể tận dụng biến động để tìm kiếm cơ hội ở các doanh nghiệp đầu ngành với vị thế tài chính lành mạnh, vì đây sẽ là nhóm có khả năng vượt qua giai đoạn khó khăn và phục hồi nhanh sau đó.

PV: Xin cảm ơn bà!